Đưa văn hóa dân tộc vào trường mầm non: Giải pháp sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng việc tổ chức “Góc địa phương”, “Góc truyền thống” hay các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, các trường mầm non vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã góp phần bảo tồn và giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ măng non.
Giờ học ngoài trời tại Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) diễn ra trong không khí rộn ràng. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bé cùng nhau tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc Jrai tại “Góc địa phương” được bố trí nơi sân trường. Những mô hình cái cuốc, quả bầu khô hay những chiếc gùi, nong, nia, giỏ đan “thu nhỏ”... được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Tên gọi mỗi vật dụng được thể hiện bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Jrai để trẻ dễ tiếp cận và nhận biết.
Cô Trần Thị Hồng Ánh-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm học 2020-2021, toàn trường có 328 học sinh, trong đó học sinh người Jrai chiếm hơn 71%. Vì thế, nhà trường luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi nhất dành cho trẻ. Bên cạnh khu vực học tập chung ở sân trường, từng lớp còn xây dựng cho mình một “Góc địa phương” sinh động, đặc sắc. Đa số vật dụng này đều do giáo viên tự làm để vừa trang trí, vừa phục vụ cho việc dạy học.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng hướng dẫn cho trẻ tự tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa của dân tộc Jrai. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa-văn nghệ để trẻ có cơ hội mặc trang phục truyền thống, thể hiện những điệu múa, lời hát của dân tộc mình.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bé Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc Jrai. Ảnh: Mộc Trà
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bé Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc Jrai. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, Trường Mẫu giáo Đak Hlơ (xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cũng là một trong những điển hình về việc đẩy mạnh thực hiện các mô hình học tập gắn với đặc thù riêng nhằm đưa trẻ đến gần với thực tiễn đời sống. Hàng năm, nhà trường đều lập kế hoạch giáo dục cụ thể và phù hợp. Trong khuôn viên sân trường được bố trí góc riêng để trang trí các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ truyền thống... Ngoài việc dạy kỹ năng, giáo viên còn hướng dẫn trẻ khám phá không gian văn hóa và trải nghiệm các trò chơi dân gian của các dân tộc tại địa phương.
“Thông qua các hoạt động ngoại khóa, các tiết học trực quan tại lớp với “Góc địa phương” đã giúp trẻ phát triển đồng thời nhiều kỹ năng. Khi được giới thiệu về các phong tục, tập quán hay tổ chức trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, các em đều tham gia rất hào hứng. Riêng với đội ngũ giáo viên chúng tôi cũng phải luôn tích cực tìm hiểu về văn hóa các dân tộc bản địa để có thể truyền đạt cho trẻ cũng như tự tay tạo ra những vật dụng truyền thống như gùi, bầu khô, đàn… để phục vụ việc giảng dạy”-cô giáo Phan Thị Quý chia sẻ.
Học sinh Trường Mẫu giáo Đak Hlơ (huyện Kbang) tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc tại “Góc địa phương”. Ảnh Trần Dung
Học sinh Trường Mẫu giáo Đak Hlơ (huyện Kbang) tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc tại “Góc địa phương”. Ảnh: Trần Dung
Hiệu trưởng Ngô Thị Ý cho biết thêm: Thời gian qua, Trường Mẫu giáo Đak Hlơ đã tổ chức hiệu quả nhiều mô hình học tập gắn với thực tiễn, trong đó có các hoạt động liên quan đến bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa. Trẻ rất hào hứng khi được tham gia hoạt động gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc mình như: đánh cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm... Với cách làm này, chúng tôi nhận thấy có sức lan tỏa khá mạnh mẽ, không chỉ đối với trẻ mà còn cả giáo viên lẫn phụ huynh”.
Các “Góc địa phương”, “Góc truyền thống” và những hoạt động liên quan đến văn hóa dân tộc trong trường mầm non đã biến các giờ học trở nên sinh động và thích thú hơn đối với trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trên cơ sở khung Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình áp dụng theo bối cảnh địa phương. Sau khi tổ chức thí điểm 5 năm (2012-2017) tại một số trường ở khu vực phía Đông, từ năm 2018 đến nay, chương trình đã được triển khai nhân rộng tại tất cả các trường mầm non trên toàn tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Không chỉ giúp trẻ phát triển về tình cảm, kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, tính thẩm mỹ, sự tự tin... các mô hình, hoạt động trải nghiệm gần gũi với văn hóa dân tộc trong trường mầm non còn góp phần phát triển nhận thức cho trẻ, bồi đắp trong trẻ tình yêu buôn làng và lớn hơn là tình yêu quê hương, đất nước.
“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học phát huy hơn nữa hiệu quả của chương trình này”-bà Huệ khẳng định.
MỘC TRÀ-TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.