Săn cá vồ đém

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát hiện luồng cá vồ đém, các ngư dân "bố trận" vây lưới khoanh tròn một vùng. Phần lưới còn lại, họ giăng "đan cày" xẻ nhỏ chi chít dọc ngang để cá dính lưới và gọi vui đó là thuật "phong ấn cá"...
 
Ông Tư Tần - cao thủ săn cá ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG
Cá vồ đém hay còn gọi cá tra bần có thịt đặc biệt thơm ngon. "Một loài cá thông minh đáo để" - ngư dân Võ Văn Tần (tức Tư Tần, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cười hào sảng...
"Rốn cá" của dân nghèo
Từ dải uốn lượn đến nhiều doi, vụng nông sâu, sông Cái Lớn, sông Ngang Dừa và sông Nước Trong (ba con sông chảy qua ba tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang) được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho dân nghèo nơi đây một "rốn cá" khổng lồ.
Bám sông mưu sinh gần cả đời người, ông Tư Tần khẳng định Hậu Giang có các vùng đất trầm thủy như Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ... Nhánh sông Cái Lớn và Nước Trong chảy qua địa phận Vị Thủy và Long Mỹ được xem là cửa sông "giáp nước" dài hàng chục kilômet đổ ra Biển Tây. Các bãi chà mé và giề lục bình vừa ấm vừa êm ven sông khiến cá trê, cá lóc, mè vinh, cá cóc, cá thát lát, cá vồ, đặc biệt là cá vồ đém theo dòng Mekong về đây quần tụ rất nhiều.
"Hồi đó, cá khu này nhiều dữ thần thiên địa. Một tay lưới, một mớ câu, tui đi thả, đi cắm chút xíu là dính đầy nhóc. Ăn ngả nào cho hết. Vợ tui mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Lũ về, lên đồng bắt cá. Lũ rút xuống sông thì câu cá vồ. Cứ thế, tui mần nghề 40 năm rồi" - ông Tư Tần tâm sự.
Hiện ngư trường sông Cái Lớn, sông Ngang Dừa, đặc biệt là sông Nước Trong, người dân nếu chịu cất công đi bắt cá vẫn tạm mưu sinh được. Ông Tư Tần nhẩm tính: "Một ngày cũng kiếm nổi 100.000-150.000 đồng, mần thạo có thể hơn. Cần câu cơm tụi tui mà". "Anh Tư Tần nói thiệt bụng đó. Cả xóm này ít ai có ruộng. Con cá giúp dân nghèo tạm sống khuây khuây" - ông Tổng ngồi kế bên góp chuyện.
Hằng năm, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, sông Cái Lớn, sông Nước Trong chuyển mình giảm hẳn màu đục phù sa. Ông Tư Tần và bà con trong xóm đi săn cá vồ, cá vồ đém. Từ tháng 5 đến tháng 8, họ lại bắt cá chốt, cá rô, thát lát, mè vinh... Trong đó để bắt cá vồ đém, họ phải sử dụng nhiều chiêu trò độc và biểu diễn kỹ thuật bủa lưới điệu nghệ y như nghệ sĩ xiếc trên sông.
"Phong ấn cá"
Hừng đông một ngày giữa tháng 11, tôi quay lại nhà ông Tư Tần. Mặt sông Cái Lớn lúc này nước lững lờ trôi. Hai chiếc vỏ lãi của ông Tư Tần và anh Khánh lướt phăng phăng. Gió bấc nhè nhẹ. Rẽ đầu doi sông Cái Lớn, ông Tư Tần chỉ: "Chỗ này cho đến sông Nước Trong mấy tay săn cá chạy vỏ lãi suốt. Người ta canh con nước đứng để bắt cá vui như ngày hội".
Đến sông Nước Trong, nơi có nhiều cá vồ, cá vồ đém, ông Tư Tần, anh Khánh chạy vỏ lãi chậm lại. Vừa chạy họ vừa quan sát hai mé sông. "Cá vồ, cá vồ đém sống theo bầy. Hễ cá ục hay lên ngớp ở đâu trên sông là chúng bơi luẩn quẩn ở đó", bằng kinh nghiệm gần 40 năm bắt cá, ông Tư Tần chia sẻ bí quyết quan trọng nhất để tìm luồng cá này...
"Thấy chỗ cá ục rồi. Nước chảy, mành lưới thẳng băng thì khó bắt chúng. Vì thế, tui và chú Tần lủi vô lùm cây hóng mát. Con nước quay đứng một cái, tụi tui quăng lưới liền là dính" - anh Khánh, tay săn cá vồ đém rất cừ trên sông, nói rổn rảng.
 
Nhiều ngư dân đã ý thức dùng mắt lưới lớn để tránh bắt cá nhỏ - Ảnh: CHÍ CÔNG
Hốt bầy cá vồ tinh ranh không dễ. Tuy nhiên, cũng không khó nếu anh Khánh và ông Tư Tần cũng như các ngư dân khác ở địa phương sử dụng chiến thuật "phong ấn cá". Phát hiện luồng cá trên sông, lựa chọn thời điểm thích hợp, họ bố trận vây lưới khoanh tròn một vùng. Sau đó, phần lưới dư còn lại họ giăng "đan cày" xẻ nhỏ chi chít dọc ngang.
"Đâu giống loài cá khác. Bắt cá vồ đém cần phải đấu trí với nó. Mọi thao tác, từ bơi vỏ lãi đến thả lưới, tụi tui làm thật nhẹ nhàng, thật gọn, thật nhanh chỉ trong vòng 5 - 10 phút. Xong, dùng mái chèo đập mạnh trên mặt sông. Cá hoảng loạn bơi sa lưới" - ông Tư Tần nói chắc nịch.
"Cá vồ đém rất khôn. Bắt chúng hôm nay, mai quay lại bắt hổng dính nữa. Động nước, chúng vọt một phát vào tận mé lục bình. Cả ngày lênh đênh trên sông, chỉ giăng lưới một lần. Tụi tui phải thay đổi địa điểm săn cá liên tục. Bữa nay ở sông Cái Lớn, mai lại qua sông Ngang Dừa để tránh làm cá nhát, trốn biệt trong mé lục bình luôn" - anh Khánh chia sẻ.
Nhờ chiến thuật bủa lưới độc đáo và lối săn cá vồ đém theo kiểu "đánh du kích", ngư dân xã Vĩnh Thuận Tây hiếm khi thất bại. Giờ không còn nhiều như xưa, nhưng họ đi thường có cá mang về. Có khi được cả vài con cá vồ đém nặng cỡ vài chục ký. Mỗi lần dính cá, anh Khánh, ông Tư Tần và bất kỳ ngư dân nào ở địa phương cũng xé lưới. Họ muốn giữ cá sống để kịp mang về chợ cá vồ đém (xã Vĩnh Thuận Tây) bán được giá cao.
"Ở đâu ra có cái tên chợ cá vồ đém?" - chúng tôi thắc mắc. Anh Khánh lý giải hàng chục năm qua cứ tới mùa này thì buổi sáng đàn ông chạy vỏ lãi bủa lưới, giăng câu kiếm cá. Chiều thì đàn bà trong xóm lỉnh kỉnh thau, cân ra ngồi bán cá ở chợ xã. "Bán riết người ta quen mặt. Ai tới họ cũng hỏi mua cá vồ đém. Lẽ đó mà chết danh chợ cá vồ" - anh Khánh kể.
Thịt cá vồ đém ở sông thơm ngon, người ta săn đón mua nhiều. Có bao nhiêu cá cũng bán hết. "Nhờ con cá đó mà tụi tui có cơm ăn. Có hộ nuôi con ăn học thành tài. Nhưng bắt cá cũng phải có lựa chọn. Tụi tui chỉ bắt cá vồ lớn. Mắt lưới 3 màn tụi tui thiết kế chỉ dính cá cỡ nửa ký đổ lên. Nhờ đó mà có cá lâu dài" - anh Khánh tâm sự.
Nói chuyện nghề cá truyền đời ở địa phương, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây Bùi Thanh Lạc chia sẻ: "Nghề săn cá vồ đém ở địa phương có từ lâu đời. Hằng năm, chúng tôi vẫn tuyên truyền người dân không dùng những phương tiện đánh bắt cá tận diệt như xung điện, mắt lưới nhỏ để gìn giữ rốn cá tự nhiên của địa phương".
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Lam - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang, cá vồ đém (còn gọi cá tra bần) có mùa sinh sản khoảng tháng 4 đến tháng 9. Cá có giá trị kinh tế bởi thịt ngon và không nằm trong danh mục sách đỏ cấm đánh bắt. Đặc biệt, cá này cũng được ép giống nhân tạo thành công.

"Tuy nhiên, khai thác cần đi đôi với bảo tồn, không nên đánh bắt cá vào mùa sinh sản. Mọi người nên khai thác theo kiểu truyền thống, dùng lưới có mắt không nhỏ hơn quy định và câu giăng, câu phao" - bà Lam cho biết...

Thú vui săn cá vồ đém đêm

Ngoài "ma trận" giăng lưới, nhiều người còn sử dụng hình thức câu phao hoặc câu giăng để bắt cá vồ đém. Ông Tư Tần chia sẻ: "Mỗi cách bắt cá có ưu điểm riêng. Nước sông trong hay đục người ta vẫn có thể thả câu được, chỉ cần lựa chỗ êm có cá ở. Mồi câu thì có chuối chín, bình bát chín, ốc, cơm vắt. Cuối tuần, khúc sông Cái Lớn rất nhộn nhịp. Dân miệt Cần Thơ, Kiên Giang về đây câu cá vồ đém rất sôi động. Một đêm, ít gì họ cũng dính một vài ký, vừa có cá ăn vừa giải trí".

Chí Công (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.