Cuối tuần qua, mặt hàng bơ Booth - đặc sản của tỉnh Đắk Lắk - đã có mặt trên các quầy hàng của hệ thống cung ứng Saigon Co.op TP.HCM.
Bơ Booth Cư M’Gar đã có mặt trên hệ thống cung ứng Saigon Co.op. Ảnh: CTV |
Đưa trái cây từ nhà vườn tới thẳng người tiêu dùng
Hiện nay địa phương đang vào mùa thu hoạch các mặt hàng nông sản chủ lực như bơ và sầu riêng. Để chủ động tìm hướng đưa đặc sản đến với người tiêu dùng, UBND huyện Cư M’Gar - vùng nguyên liệu lớn của Đắk Lắk - đã làm việc và ký kết với Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM Saigon Co.op trong việc tiêu thụ nông sản vừa nêu.
Ông Nguyễn Đình Viên, Bí thư Huyện ủy Cư M’Gar cho biết, để hỗ trợ nhân dân sản xuất, ngành nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như để đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm nông sản, địa phương đã chủ động huy động lực lượng thu hái, đóng gói, bố trí xe vận chuyển để hỗ trợ thêm cho người dân. Trường hợp thu mua tại vườn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thu mua thu hoạch, đóng gói và vận chuyển về kho. Mặt khác, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn đồng thời giám sát quá trình thu hoạch, đóng gói và điều tiết cho hợp lý theo yêu cầu của Liên minh HTX thương mại TP.HCM. Trước mắt, mỗi ngày sẽ có 2 tấn bơ Booth loại premium và loại 1 được tiêu thụ trong hệ thống Co.op.
Ông Trịnh Xuân Sẵn (thôn 7, xã Eu M’Nang, huyện Cư M’Gar) kể, gia đình ông hiện có 250 cây bơ Booth trên diện tích 2 hecta bằng phương thức canh tác hữu cơ và sinh học. Việc Saigon Co.op kết nối từ nhà vườn đến người tiêu dùng, giữ sản phẩm có chất lượng, giá cả phải chăng khiến người dân rất an tâm. Ông Sẵn hy vọng Saigon Co.op sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân địa phương trong việc tiêu thụ nông sản và để người dân các địa phương có dịp thưởng thức đặc sản của địa phương mình.
Được biết, thời gian qua, Saigon Co.op đã liên kết tiêu thụ nông sản với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khá hiệu quả. Qua đó, những mặt hàng nông sản được giới thiệu đến người tiêu dùng trong cũng như ngoài khu vực, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, trong giai đoạn khó khăn về dịch bệnh như hiện nay, Saigon Co.op sẽ chung tay cùng các địa phương đưa nông sản có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng tại các đô thị đang còn bị giãn cách xã hội.
Ông Trịnh Xuân Sẵn (thôn 7, xã Eu M’Nang, huyện Cư M’Gar) đang thu hoạch bơ tại vườn nhà |
Điều chỉnh kịch bản tiêu thụ nông sản Đắk Lắk giai đoạn cuối năm
Báo cáo tại cuộc họp về công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản mới đây, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ nông sản nói chung và mặt hàng sầu riêng, bơ của tỉnh năm 2021 gặp nhiều khó khăn. Các khâu thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lưu thông, xuất khẩu đều bị ảnh hưởng. Giá sầu riêng, bơ đều giảm so với năm 2020.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ, UBND tỉnh cùng Sở Công thương đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước; làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh đề nghị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sầu riêng, bơ cũng như các nông sản khác của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác vận chuyển, lưu thông nông sản như: Cấp hơn 4.000 thẻ nhận diện QRCode ưu tiên cho các phương tiện vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông trên luồng xanh; Đề nghị các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, các trạm kiểm soát, phòng, chống dịch tạo điều kiện, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, thương lái, người lao động tham gia thu hái, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng...
Ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, thương lái... trong việc thực hiện các giải pháp tiêu thụ bơ và sầu riêng. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện, hỗ trợ tại nhiều địa phương, đơn vị còn một số bất cập. "Trước mắt, UBND tỉnh cần kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người lao động, phương tiện vận tải tham gia thu mua, vận chuyển; điều chỉnh lại kịch bản hỗ trợ tiêu thụ bơ, sầu riêng trong bối cảnh mới những tháng cuối năm 2021. Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh sớm xây dựng hoàn chỉnh Đề án về phát triển ngành hàng sầu riêng và bơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao giá trị ngành hàng" - ông Nguyễn Đình Trung cho biết.
Theo Hà Khanh (TNO)