Rà soát, quy hoạch để phát triển rừng bền vững - Kỳ 1: Giải quyết bất cập trong công tác quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, kết hợp hài hòa giữa sản xuất lâm nghiệp với nông nghiệp. Đặc biệt là tập trung bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng; khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Nhằm khắc phục tình trạng “số liệu trên giấy một đường, thực địa một nẻo” gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cho việc bảo vệ phát triển rừng chặt chẽ và bền vững.

Nhu cầu cấp thiết

Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vừa được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10-8-2021 đã điều chỉnh Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 723.156,38 ha, chiếm 46,62% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, giảm 18.097,18 ha so với trước đây; cả 3 loại rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng có nhiều diện tích thay đổi. Cụ thể, rừng đặc dụng hơn 82.208 ha, chiếm 11,37% diện tích đất lâm nghiệp (tăng 23.007 ha so với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND); rừng phòng hộ là 150.374 ha, chiếm 20,79% diện tích đất lâm nghiệp (tăng 5.867 ha); rừng sản xuất 490.573 ha, chiếm 67,84% diện tích đất lâm nghiệp (giảm 46.971 ha).

Lực lượng chức năng kiểm tra diện tích rừng tại huyện Kbang (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam
Lực lượng chức năng kiểm tra diện tích rừng tại huyện Kbang (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam


Huyện Kbang có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Sau khi rà soát, điều chỉnh, tổng diện tích 3 loại rừng toàn huyện là 130.508 ha (tăng 2.041 ha so với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND). Trong đó, rừng phòng hộ tăng 567 ha, rừng đặc dụng tăng 23.059 ha, rừng sản xuất giảm 21.585 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn cho biết: Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng lần này cơ bản đã xác định được các diện tích nhỏ lẻ gần rừng, giữa rừng, vùng có địa hình dốc cao, dễ xói mòn đưa vào quy hoạch lâm nghiệp; đồng thời, cũng xem xét đưa ra khỏi quy hoạch một phần diện tích đất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đối với chủ rừng cấp xã có diện tích quy hoạch đất rừng, người dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững.

Cũng theo ông Sơn, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng khi điều chỉnh cơ cấu chức năng quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì kinh phí được chi trả từ tiền dịch vụ môi trường rừng tăng lên, tạo điều kiện cho việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư, nhóm hộ. Mặt khác, việc phân định rõ khu vực nào thuộc chức năng rừng sản xuất sẽ tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái...

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang thì cho biết: Sau khi rà soát, điều chỉnh, diện tích 3 loại rừng của đơn vị quản lý là 7.023 ha, tăng hơn 200 ha. “Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng lần này đúng thực trạng, mục đích sử dụng lâm nghiệp, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đồng thời, việc phân giới rõ ràng, khu vực nào là rừng đặc dụng, phòng hộ thì củng cố lại mạng lưới bảo vệ rừng, phục hồi rừng tái sinh và trồng rừng, xây dựng phương án bảo vệ bền vững hay khoán bảo vệ rừng ổn định; đồng thời, diện tích ngoài lâm nghiệp, đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng thì bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng đúng mục đích”-ông Hùng nhận định. Ngoài ra, với hơn 100 ha đất lâm nghiệp người dân đang canh tác nông nghiệp, đơn vị vận động bà con chuyển đổi sang trồng rừng, cây phù hợp mục đích lâm nghiệp.

Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cấp cây giống cho người dân xã Đất Bằng để trồng rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cấp cây giống cho người dân xã Đất Bằng để trồng rừng. Ảnh: Minh Nguyễn


Còn ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-khẳng định: Kết quả rà soát, điều chỉnh này đã giúp địa phương xác định rõ đâu là diện tích rừng phòng hộ, đâu là rừng sản xuất, đất rừng và đất người dân sản xuất. Đây cũng là cơ sở để các ban quản lý hoạch định phát triển rừng, tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho người dân hoặc chủ động kêu gọi các doanh nghiệp triển khai dự án trồng rừng. Việc xác định cụ thể ranh giới, diện tích và trữ lượng rừng cũng là cơ sở quan trọng nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Đối với diện tích rừng do các xã quản lý, địa phương sẽ hoạch định các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn và chỉ đạo triển khai thực hiện. “Chúng tôi đang chỉ đạo rà soát diện tích đất lâm nghiệp người dân canh tác để vận động triển khai một số mô hình nông-lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài hoặc chuyển trồng cây lâu năm lấy gỗ, cho hiệu quả kinh tế cao hơn”-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ thông tin.

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Sau 3 năm thực hiện theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2007 về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhiều bất cập đã nảy sinh, đòi hỏi phải được điều chỉnh và bổ sung. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND tỉnh ngày 10-8-2021 đã khắc phục những hạn chế, thiếu sót trước đây như: kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng ở một số địa phương, đơn vị có sai lệch hoặc không còn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội; thời điểm thực hiện rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng năm 2017 không đồng bộ với thời điểm điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh năm 2019 nên số liệu giữa ngành Nông nghiệp và PTNT với ngành Tài nguyên và Môi trường có sự khác biệt.

Lực lượng chức năng huyện Chư Păh tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Lực lượng chức năng huyện Chư Păh tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn


Quan trọng hơn, kết quả lần này đã xác định cụ thể về ranh giới, diện tích 3 loại rừng đảm bảo theo tiêu chí phân loại và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đồng thời, thống nhất số liệu quy hoạch 3 loại rừng trên bản đồ và thực địa, phù hợp với hiện trạng đất lâm nghiệp hiện nay. Đây cũng là cơ sở để tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đất rừng, phát triển rừng bền vững; quy hoạch phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án đầu tư, các phương án sản xuất mới ra đời có sử dụng đất lâm nghiệp đòi hỏi phải bố trí, cân đối quỹ đất lâm nghiệp theo các loại rừng một cách hợp lý. Vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng lần này làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng và phát triển rừng chặt chẽ và bền vững là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế lâm nghiệp ổn định, giảm áp lực vào rừng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Ngay từ khi lập đề cương thực hiện nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng, Sở đã hướng tới việc khắc phục những bất cập trước, bám chắc vào đề cương nhiệm vụ được UBND tỉnh phê duyệt chi tiết để triển khai. Việc rà soát với diện tích đất lâm nghiệp lớn (741.000 ha) không hề đơn giản, có những vị trí rà soát đến 3 lần thì đơn vị cấp xã và tư vấn mới thống nhất với nhau. Lúc đầu, dự kiến thời gian tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng là 4 tháng, nhưng sau đó phải kéo dài đến hơn 11 tháng mới hoàn thành. “Chúng tôi làm việc với từng chủ rừng để nghiệm thu cấp cơ sở. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc với cấp ủy địa phương để xác định những tồn tại, hạn chế và đưa ra số liệu thật, chính xác. Cùng với đó, các ban HĐND tỉnh cũng tham gia thẩm định, rà soát rất kỹ nên số liệu lần này nhận được đồng thuận cao. Hiện chúng tôi đang tham mưu xây dựng kế hoạch hành động từ tỉnh đến xã, quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành liên quan nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đến năm 2025 đạt 60%, tương đương 131.500 ha”-ông Nghĩa khẳng định.

 

MINH NGUYỄN - LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

(GLO)- Với quyết tâm đưa gạo Đài Thơm 8 đến với người tiêu dùng, chị Hà Thị Thuẩn-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

(GLO)- Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã siết chặt quản lý kết hợp với tăng cường thanh-kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.387,3 ha sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai phát triển được 33.250 ha cây ăn quả các loại

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.250 ha cây ăn quả các loại (tăng 17.314 ha so với năm 2019).