Quảng Ngãi: 'Người rừng' Hồ Văn Lang đã vĩnh biệt núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau hơn một năm chống chọi với bệnh tật, sáng 6.9, 'người rừng' Hồ Văn Lang đã trút hơi thở cuối cùng do bệnh ung thư gan.
 

Người rừng Hồ Văn Lang khi hòa nhập cộng đồng - Ảnh: Hải Phong
Người rừng Hồ Văn Lang khi hòa nhập cộng đồng - Ảnh: Hải Phong


Chiều 6.9, ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng (Quảng Ngãi), xác nhận "người rừng" Hồ Văn Lang ở xã Trà Phong, H.Trà Bồng, đã qua đời trong buổi sáng cùng ngày do bệnh ung thư gan, sau hơn một năm chống chọi.
 

"Người rừng" Hồ Văn Lang không thích uống rượu, bia mà chỉ "nghiện" nhai trầu - Ảnh: Hải Phong
"Người rừng" Hồ Văn Lang không thích uống rượu, bia mà chỉ "nghiện" nhai trầu - Ảnh: Hải Phong


Trao đổi qua điện thoại, ông Đặng Minh Thảo, cho biết, "người rừng" Hồ Văn Lang hưởng dương 52 tuổi, bị căn bệnh ung thư gan khoảng 1 năm nay. Đầu năm 2021, "người rừng" đau dữ dội vùng bụng, được đi khám bệnh thì các y, bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh nan y là ung thư. Sau đó, ông Hồ Văn Lang được đưa ra TP.Đà Nẵng để chữa trị, nhận thuốc về uống. Đến tháng 6, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ông Hồ Văn Lang khó khăn hơn trong điều trị bệnh và diễn biến ngày càng nặng hơn nên tử vong khoảng 7 giờ sáng 6.9.

Ông Thảo cho biết, sáng 6.9, H.Trà Bồng đã hỗ trợ mai táng cho gia đình "người rừng" Hồ Văn Lang. Hiện nay, tại xã Trà Phong đang phong tỏa do dịch Covid-19, nên theo chỉ đạo của ông Thảo, chính quyền xã Trà Phong đã tham gia vào việc mai táng cho "người rừng" được tổ chức vào ngày 7.9. Ngoài ra, để tránh tang gia tụ tập đông người, H.Trà Bồng chỉ đạo cho xã Trà Phong thực hiện nghiêm túc việc tuân thủ theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Ông Hồ Văn Tri, em trai của "người rừng" Hồ Văn Lang cho biết, những ngày cuối cùng trên dương thế, ông Lang rất đau đớn. Đêm 5.9 hầu như cả đêm ông Lang không chợp mắt và đến khoảng 7 giờ sáng 6.9 thì ông Lang trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt núi rừng Trà Phong hùng vĩ để về với tổ tiên.

 

Hòa nhập cộng đồng, dần dần
Hòa nhập cộng đồng, dần dần "người rừng" Hồ Văn Lang cũng biết cầm đũa - Ảnh: Hải Phong


Vào năm 2013, người Kor ở H.Tây Trà (nay nhập vào H.Trà Bồng), phát hiện gia đình ông Hồ Văn Thanh và ông Hồ Văn Lang sống như "người rừng" trong rừng sâu nên thông báo cho chính quyền. Sau thời gian tìm kiếm, chính quyền tìm được hai cha con ông Thanh và ông Lang, đưa xuống núi hòa nhập cộng đồng.

Theo những "di cảo" còn lại của hai cha con trong rừng, chính quyền H.Tây Trà khi ấy cho rằng, khoảng năm 1972, sau một trận bom dữ dội, ông Thanh dắt con trai Hồ Văn Lang (lúc đó chừng 3 tuổi) vào rừng ở và từ đó sống tách biệt hơn 40 năm trong rừng sâu. Hai cha con làm lều như tổ chim trên cây lớn trong rừng, hằng ngày ăn rau, lá cây, trái cây… để sống; bóc vỏ cây làm quần áo che thân.

Năm 2013 khi về với cộng đồng, người thân và hàng xóm hướng dẫn cho hai cha con cách ăn ở, đi rẫy… nên dần dần hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2017, ông Thanh qua đời. Giữa năm 2020, ông Lang bị phát hiện bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Do gia đình khó khăn, ông Tri đưa anh mình về nhà điều trị bằng lá cây rừng, đến nay thì "người rừng" Hồ Văn Lang đã không qua khỏi.

Theo PHẠM ANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).