Quan tâm xây dựng, tôn tạo công trình ghi công liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Việc làm này thể hiện sự tri ân của cán bộ, đảng viên và người dân địa phương.
Công trình kỳ đài tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An) được nâng cấp to đẹp hơn. Ảnh: A.P

Công trình kỳ đài tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An) được nâng cấp to đẹp hơn. Ảnh: A.P

Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê có hơn 1.000 ngôi mộ, trong đó có 1 ngôi mộ tập thể 25 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua nhiều năm, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Bằng nguồn vốn hơn 9 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay, thị xã đã đầu tư xây mới nhà tưởng niệm, nhà quản trang và trùng tu, sửa chữa tường rào, cổng, sân, bồn cây cảnh trong khuôn viên.

Các công trình tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thân nhân các liệt sĩ đến thắp hương, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Xuân Trường gắn bó với công việc quản trang từ năm 1994 đến nay. Ngày ngày, ông chăm nom các phần mộ, quét dọn, nhặt cỏ, tỉa cành, tưới nước cây cảnh, bồn hoa và đón tiếp thân nhân liệt sĩ và các đoàn khách đến thăm viếng. Nhân dịp lễ, Tết, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, học sinh, người dân trên địa bàn đến lau dọn, thay nước, cắm hoa trên từng phần mộ khiến nghĩa trang càng ấm cúng.

“Mỗi năm, nghĩa trang đón hàng trăm lượt thân nhân các liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước về viếng, thắp những nén hương thơm tại các phần mộ như một lời tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc”-ông Trường nói.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 7, ông Lương Văn Đoàn (tỉnh Hà Giang) lại cùng gia đình vào viếng mộ người thân tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê. “Liệt sĩ Hoàng Duy Nhúc là anh trai của mẹ vợ tôi. Mỗi năm, gia đình đều tổ chức cho con cháu về viếng mộ ông và thắp hương cho đồng đội của ông. Nghĩa trang ngày một khang trang, các phần mộ được ốp đá, chăm chút, bài trí gọn gàng”-ông Đoàn bày tỏ.

Tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An), từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương gần 14 tỷ đồng, năm 2023, thị xã An Khê xây dựng nhà bia ghi danh, nhà quản trang; nâng cấp kỳ đài, mộ vọng, cổng, hàng rào; cải tạo sân nội bộ, cảnh quan, hệ thống điện chiếu sáng và một số công trình phụ trợ khác. Dự kiến cuối năm nay, các hạng mục công trình sẽ hoàn thành.

Ông Nguyễn Xuân Trường-quản trang (Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê) cẩn thận lau dọn từng phần mộ liệt sĩ. Ảnh: An Phát

Ông Nguyễn Xuân Trường-quản trang (Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê) cẩn thận lau dọn từng phần mộ liệt sĩ. Ảnh: An Phát

Ông Nguyễn Xuân Toàn-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho hay: “Năm 2021, Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của cấp trên, xã xuất ngân sách 30 triệu đồng/năm để trùng tu, tôn tạo cảnh quan và thuê người bảo vệ, quét dọn.

Vào dịp lễ, Tết, người dân đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Nhiều trường học trên địa bàn thị xã cũng chọn Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy để tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước cho các em học sinh”.

Thị xã An Khê hiện có 7 công trình nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ và nhà bia ghi công. Từ năm 2022 đến nay, 5 công trình ghi công liệt sĩ được sửa chữa, nâng cấp với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2024, thị xã sẽ triển khai tu bổ, phục hồi nhà bia tưởng niệm, lát gạch block lối đi nội bộ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước, cây xanh, thảm cỏ và cột cờ tại Di tích lịch sử chiến thắng Suối Vối-Rộc Dứa (phường Ngô Mây) với kinh phí 330 triệu đồng từ nguồn ngân sách thị xã.

Ông Nguyễn Văn Quyên-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã An Khê-cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các phòng, ban liên quan và các xã, phường thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ; bố trí người trông coi, chăm sóc chu đáo. Qua đó, không chỉ đảm bảo nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho người dân và khách thập phương.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.