(GLO)- Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng như cấp ủy, chỉ huy cơ quan chính trị các cấp đã quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 143/CT ngày 12-5-1992 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đại tá Nguyễn Thanh Phong-Phó Chính ủy Quân đoàn 3-cho biết: Với nội dung, biện pháp phong phú, việc xây dựng môi trường văn hóa đã bám sát yêu cầu xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp và động lực để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, từ nguồn vốn đầu tư của trên, các đơn vị trong Quân đoàn đã huy động hàng ngàn ngày công bộ đội để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa như: bảo tàng, phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, thư viện đưa vào hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Các công trình này đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, tình cảm và nâng tầm cảm thụ về văn hóa của cán bộ, chiến sĩ, gắn kết chặt chẽ cá nhân với tập thể, giữa bộ đội với quần chúng nhân dân, đơn vị với địa phương. Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3-cho biết: “Bảo tàng là thiết chế văn hóa quan trọng của Quân đoàn. Hàng năm, chúng tôi đón tiếp hơn 10 ngàn lượt khách tham quan. Đặc biệt, 100% chiến sĩ mới và cán bộ mới ra trường đều được tham quan, giới thiệu hiện vật, hình ảnh, lịch sử truyền thống của Quân đoàn”.
Hoạt động đọc sách, báo được duy trì thường xuyên ở thư viện Sư đoàn 320. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Từ năm 2008, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ đạo các đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn có huấn luyện chiến sĩ mới tổ chức “Liên hoan tiếng hát binh nhì”; thực hiện quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong quân đội. Cùng với đó, các đơn vị duy trì thường xuyên nền nếp, các chế độ sinh hoạt như: đọc báo, xem thời sự, sinh hoạt ngày chính trị, hộp báo thao trường và tủ sách pháp luật, truyền thanh nội bộ, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa của cán bộ, chiến sĩ. Trung sĩ Lê Minh Đạt (Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Công binh 7) cho biết: “Sống trong môi trường quân đội, chúng tôi được tham gia nhiều phong trào văn hóa, thể thao. Mỗi cán bộ, chiến sĩ tùy vào năng khiếu của mình để lựa chọn bộ môn phù hợp. Qua các hoạt động văn nghệ, thể thao, giao lưu với các địa phương, tình cảm đồng chí, đồng đội và với người dân được thắt chặt hơn”.
Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 giúp đỡ người dân dọn dẹp vệ sinh. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dân vận, giao lưu, kết nghĩa với địa phương nơi đứng chân. Nét đẹp văn hóa được tỏa sáng qua các phong trào thiết thực như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cùng với đó, từ năm 2019 đến nay, Quân đoàn đã giúp đỡ thường xuyên 1.177 gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn; sửa 280 căn nhà; di dời, làm mới 335 chuồng gia súc; tặng gần 2.000 suất quà với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng; tặng hàng chục tấn gạo cho người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị còn huy động hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai lũ lụt nạo vét gần 70 km kênh mương; tu sửa, làm mới 136 giọt nước; khai hoang 40,6 ha đất canh tác; làm mới và sửa chữa gần 300 km đường liên thôn. Các đơn vị cũng đã tư vấn, khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí với trị giá gần 2 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn đứng chân. Những việc làm ý nghĩa đó đã tô thắm thêm hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.
VĨNH HOÀNG