Thách thức bảo tồn và phát triển"quốc bảo"sâm ngọc linh - Bài 1: "Khát"giống sâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâm Ngọc Linh đã được công nhận là sản phẩm quốc gia và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Tại tỉnh Kon Tum, đến nay, địa phương này đã phát triển gần 600ha sâm Ngọc Linh, trong đó, diện tích của các doanh nghiệp đạt trên 570ha; còn tại tỉnh Quảng Nam, đến nay diện tích sâm Ngọc Linh đã được mở rộng lên gần 1.300ha. Sâm Ngọc Linh được xem là “quốc bảo” của Việt Nam, nhưng việc phát triển loại sâm này đang đứng trước những thách thức như khan hiếm cây giống, nạn sâm giả, giá cả, xây dựng thương hiệu và lòng tin... 
 
Những trại sâm nằm sâu trong rừng, được bảo vệ nghiêm ngặt
Đột nhập chốt sâm
Đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.500m nằm trên dãy Trường Sơn, trải dài qua 3 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Quảng Nam. Vượt nhiều đoạn dốc gập ghềnh, khúc khuỷu, chúng tôi lần mò đến các vườn sâm nằm trên đỉnh Măng Ri thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum - nơi được gọi là thủ phủ Sâm Ngọc Linh, nhưng mọi ngả đường dẫn vào các khu trồng sâm đều đóng chốt, có người canh giữ không cho vào. Khi biết chúng tôi là phóng viên, muốn tìm hiểu về thực trạng trồng cây Sâm Ngọc Linh, sau khi điện thoại nhận “mệnh lệnh cấp trên”, anh bảo vệ canh giữ mở barie cho xe chúng tôi vào. 
Ở đây, sâm chủ yếu được trồng dưới những cánh rừng cổ thụ trên đỉnh núi. Trên diện tích đất tương đối bằng phẳng, chúng tôi cảm nhận được cái mát lạnh của không khí trong lành dưới tán rừng. Những luống sâm cong hình mu rùa, rộng 0,8 - 1,0m, cao 0,2 - 0,3m, dài không quá 10m theo hướng đường đồng mức để hạn chế xói mòn. 
Chúng tôi tìm đến nhà ông A Sinh, Trưởng thôn Pu Tá, xã Măng Ri, ông A Sinh vui vẻ cho biết: thôn có hơn 60 hộ, tất cả đều trồng sâm, hộ ít thì 100 cây, nhiều 3.000 cây. Diện tích rừng để trồng sâm trên địa bàn còn rất nhiều, dân cũng mong muốn trồng sâm để đổi đời nhưng ngặt nỗi không có cây giống nên trồng cầm chừng. Cây nào cho quả thì dân chờ chín hái, sau đó tự ươm rồi lấy cây giống để trồng.
Chúng tôi hỏi mua sâm giống Ngọc Linh, ông Sinh lắc đầu: “Chịu rồi. Vườn sâm của mình cho ít hạt, ươm lên không đủ trồng lấy đâu dư mà bán. Cũng vì không có giống nên giờ phải cùng người trong làng mang cơm gạo, chăn màn vào rừng sâu để săn tìm sâm giống về trồng. Đi thế này biết hiểm nguy, vất vả lắm nhưng phải đánh liều vào rừng thiêng nước độc để săn sâm giống tự nhiên. Mà bây giờ sâm tự nhiên hiếm lắm. Năm ngoái đi vào rừng 10 chuyến, mỗi chuyến khoảng 5-6 ngày mà không thu được bao nhiêu”.  
Không chỉ người dân khát khao có cây giống để trồng, mà các doanh nghiệp, dù có vườn ươm cây giống nhưng cũng không đủ cung ứng. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, đơn vị quản lý vườn sâm 17ha cho biết, trung bình mỗi năm, vườn sâm của công ty cho thu khoảng 100.000 hạt sâm. Sau khi lấy hạt ươm, tỷ lệ đậu khoảng 70%, chưa đủ nhu cầu sử dụng của công ty nên chưa thể cung cấp giống cho dân, dù người dân rất cần. 
Rời Tu Mơ Rông, men theo những đường đèo dốc khúc khuỷu, sau khoảng 3 giờ đi bộ dưới bóng cây rừng hoang vu, chúng tôi đã đến được trại sâm giống của huyện Nam Trà My, Quảng Nam - nơi được xem là thủ phủ thứ 2 của Sâm Ngọc Linh. Ở đây, những người trồng sâm làm nhà, ăn, ở giữa rừng để bảo vệ sâm. Nếu muốn đến trại sâm của người dân thì phải tiếp tục leo lên những ngọn núi thẳng đứng với nhiều khe, ghềnh, hốc hơn 3 giờ mới tới “chốt” sâm đầu tiên của một hộ dân. Theo người dân Trà Linh, người trồng sâm không cho một ai, trừ người trong nhà biết chỗ trồng sâm của mình. Thời điểm này cũng sắp đến tháng 3, với cây sâm giống thì đây là tháng gieo trồng.
Thoát nghèo, làm giàu từ sâm
Ông Nguyễn Văn Chương, thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My với hơn 30 năm lăn lộn với nghề trồng sâm, cho biết, thường thì sâm được trồng vào tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 7 đến tháng 9, tức là những tháng không quá nắng cũng như không có mưa lớn, nhiệt độ ban ngày 20 - 25°, ban đêm 15 - 18° là phù hợp. 
Chúng tôi đứng quan sát, thấy ông Chương mang những hạt giống ra gieo trong rãnh sâu 2 - 3cm, với mật độ khoảng 1 lon hạt/2m² đất. Sau đó ông lấp đất và phủ một lớp lá khô, cỏ tranh trên mặt luống để giữ ẩm.
“Sâm ra hoa vào mùa xuân, tháng 7 đến tháng 9 quả bắt đầu chín có màu đỏ. Mỗi bông bình quân khoảng 10 - 30 quả. Cây lấy hạt giống phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cây gieo từ hạt), 2 năm trở lên (đối với cây trồng từ đầu mầm). Quả thu hái phải có vỏ màu đỏ tươi và có chấm đen trên đầu, có màu sáng bóng mẩy hạt. Sau khi hái về quả sẽ được sàng sẩy để loại bỏ trái nhỏ, lép và những hạt có vỏ màu xanh. Tiếp đó, quả được ủ khoảng 5 ngày, đem chà xát và đãi sạch, loại bỏ phần thịt quả, để ráo mới ươm giống”, ông Chương chia sẻ về việc thu hoạch hạt giống sâm.
Cách đó một cánh rừng, ông Hồ Văn Hình (thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) cũng đang tất bật với đám sâm của gia đình. Ông Hình nói: “Mình làm cái nhà lầu lớn lắm nhưng không ai ở, cả nhà đều vô chốt sâm trong núi để trông coi. Tết vừa rồi nhà mình cũng ăn tết ở đây, thỉnh thoảng mới đưa người về nhà và mua sắm thức ăn mang lên trên này”.
Đi thêm một đoạn đường ngoằn ngoèo nữa, chúng tôi nhìn thấy một góc vườn sâm của ông Bùi Như Chương được bao bọc bằng bao lưới với nhiều màu sắc khác nhau và giỏ tre nhỏ để bảo vệ hạt sâm không bị chuột cắn phá. Người trồng sâm đợi những quả sâm vừa chín thì tháo bao lưới ra để chuẩn bị thu hái chùm hạt làm giống.
Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể, cho biết, vài năm nay có người mỗi vụ ươm được 20.000 - 30.000 cây sâm giống. Đặc biệt, việc ươm sâm giống ở Trà Linh không chỉ giúp địa phương chủ động nguồn gen quý trong việc duy trì mở rộng diện tích mà còn giúp người dân có thêm thu nhập ổn định từ việc cung cấp cây sâm giống ra thị trường. “Sau một năm tuổi, cây sâm sẽ có 5 lá, thân cao 7 - 10cm, giá bán 200.000 đồng/cây.
Theo ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, vài năm qua việc di thực cây sâm ra 7 xã vùng cao có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp của Nam Trà My hầu hết thành công. Chỉ sau 3 năm, nhiều hộ gia đình ở xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Don (các xã thuộc 7 xã được chọn di thực sâm) đã thoát nghèo nhờ vào thu hoạch hạt sâm. Tỉnh Quảng Nam cũng đã trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại một số huyện miền núi và kết quả rất khả quan. Qua đó, mở ra kỳ vọng cây sâm sẽ là cây trồng chủ lực giúp người dân vùng núi làm giàu.
Có thể khẳng định, cây sâm đã và đang là sản phẩm giúp thay đổi cuộc sống người dân miền núi Tu Mơ Rông và Nam Trà My hiệu quả, đặc biệt khi mà giá trị sâm củ không ngừng tăng cao. Trong các phiên chợ sâm gần đây, mỗi ký sâm có giá từ 80 - 200 triệu đồng. Bình quân 1ha sâm trồng sau 5 năm có thể cho thu nhập từ 70 - 75 tỷ đồng. Nhờ cây sâm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không chỉ thoát nghèo mà đã trở nên giàu có, số hộ có tài sản từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng đã trên con số 50.
Hữu Phúc-Ngọc Phúc (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.