Ký ức về vụ thảm sát Tân Lập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 2-4, đông đảo cán bộ và nhân dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang, Gia Lai) đã cùng nhau tụ về khu vực công trình Bia tưởng niệm để tưởng nhớ những người dân của làng Tân Lập (nay là thôn 6, xã Đak Hlơ) bị giặc Pháp tàn sát năm 1947.
 
Từ sáng sớm, nhiều cán bộ và người dân xã Đak Hlơ đã có mặt tại khu vực Bia tưởng niệm làng Tân Lập để chuẩn bị cho đám giỗ chung lần đầu tiên được tổ chức. Mỗi người một việc, người dọn vệ sinh quanh bia, người chuẩn bị muối, gạo, xôi, gà để cúng giỗ. Tất cả đều thành tâm nhớ về những người dân làng Tân Lập bị giặc Pháp giết hại cách đây gần 70 năm.

 

Ông Nguyễn Đức Hải-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ đến sớm để chuẩn bị lễ cúng. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Đức Hải-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ đến sớm để chuẩn bị lễ cúng. Ảnh: H.T

Trong số những người có mặt tại khu vực Bia tưởng niệm, chúng tôi gặp bà Huỳnh Thị Lan (thôn 6, xã Đak Hlơ). Vừa thắp nén nhang, bà Lan vừa nhớ lại: “Hồi còn nhỏ, tôi được ông nội kể rằng, ngày làng Tân Lập bị thảm sát, ông đang đi chăn bò nên mới may mắn thoát chết. Mấy ngày sau khi giặc rút, ông và những người sống sót mới lén về tìm xác bố mẹ và người thân để chôn cất. Ông tôi bảo, cảnh tượng lúc ấy kinh hoàng lắm, nhà cửa bị đốt cháy thành tro, người chết nằm la liệt khắp nơi nên chôn cất xong không còn ai dám ở lại làng nữa”.

Còn ông Nguyễn Đức Hải-nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho biết, năm 1975, ông mới đến Đak Hlơ lập nghiệp. “Theo những người sống lâu năm ở đây kể lại, năm 1947, bộ đội mình đánh đồn Tú Thủy, rút quân chạy về làng Tân Lập-nơi có nhiều người hoạt động cách mạng-nhưng do để quên một số dây điện thoại nên bị địch phát hiện và ra tay thảm sát. Người dân làng Tân Lập bị giặc bắn chết nằm rải rác gốc bụi, bờ suối, giữa sân, nhiều nhất là tại nhà của ông Hương bộ Khứu-một cơ sở của cách mạng”-ông Hải nhớ lại.

Tuy chỉ được nghe kể nhưng cán bộ và nhân dân xã Đak Hlơ đều thấu hiểu nỗi đau của vụ thảm sát Tân Lập.  Ông Vũ Văn Lưu-nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Hlơ tâm sự: Cái chết của người dân làng Tân Lập ngày ấy đau thương lắm. Cả làng có 73 hộ đều bị thảm sát, trong đó, có hộ mất đến 8 người thân. Vì vậy, hơn 10 năm trước, cán bộ và nhân dân xã Đak Hlơ đã liên tục kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng bia tưởng niệm. Năm 2005, tỉnh đã tổ chức một hội thảo “Nghiên cứu về làng Tân Lập” để có hướng đầu tư xây dựng bia tưởng niệm, song do chưa có kinh phí nên mãi đến 10 năm sau, tỉnh mới chỉ đạo huyện Kbang xây dựng công trình này.  

Là người đến sớm nhất để chuẩn bị cho đám giỗ chung, ông Đỗ Khắc Xuất-Trưởng thôn 6 cho biết: Từ khi có Bia tưởng niệm (khánh thành ngày 18-5-2015-P.V), mỗi dịp lễ, Tết, nhân dân thôn 6 lại về đây để thắp hương cho những người đã khuất. Bà con cũng thường xuyên cùng cán bộ thôn trông coi, chăm sóc công trình này. Hy vọng, huyện sớm triển khai xây dựng giai đoạn II để mở rộng khuôn viên công trình cho khang trang, sạch đẹp.  

Cũng trong mong mỏi đó, ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ chia sẻ: Công trình được xây dựng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của cán bộ và nhân dân xã Đak Hlơ nói chung, thôn 6 nói riêng. Vào ngày 25-2 (Âm lịch), xã tổ chức làm giỗ để tưởng nhớ những người dân làng Tân Lập đã bị thảm sát vào năm 1947, đồng thời, nhắc nhở mọi người về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Qua đó, vận động người dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.