Chuyện nâng chuẩn giáo viên mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TP.HCM hiện còn 5.211 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn đào tạo, đa số đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp.

AI CŨNG CÓ KHÓ KHĂN NHƯNG CẦN VƯỢT QUA

Điều 72 của luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo là "có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên (GV) mầm non". Lộ trình thực hiện nâng chuẩn giáo viên mầm non tại Nghị định số 71/2020 của Chính phủ quy định tới hết 31.12.2030 phải đảm bảo 100% GV mầm non đạt chuẩn đào tạo.

Làm sao để gấp rút nâng chuẩn cho hơn 5.000 GV mầm non còn lại? Câu chuyện này được các đại biểu quan tâm tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp thu hút đội ngũ GV mầm non tại TP.HCM" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tuần qua.

Ở góc độ cán bộ quản lý, cô Dương Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hải Yến (trường tư thục), Q.Tân Phú, cho biết đã phải tìm các cách để thúc đẩy GV của mình đi học, thậm chí là phải "hù" rằng "nếu không đi học, các cô chỉ có thể làm bảo mẫu, lương cao nhất cũng chỉ sáu triệu rưỡi một tháng". Nhiều GV băn khoăn là nếu đi học trong giờ hành chính thì không có ai "choàng gánh" cho công việc ở trường. Nhưng tới nay, tin vui là trong số 12 GV của trường đã có 7 cô đạt chuẩn, 1 cô đang chờ lấy bằng tốt nghiệp cao đẳng, còn lại 4 cô đang làm hồ sơ đi học đại học để nâng chuẩn.

Các giáo viên cơ sở giáo dục mầm non độc lập trong hội thi giáo viên tài năng cấp thành phố
Các giáo viên cơ sở giáo dục mầm non độc lập trong hội thi giáo viên tài năng cấp thành phố

Bà Phan Thị Liên, chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên, Trường ĐH Sài Gòn (đơn vị được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ đào tạo nâng chuẩn cho các GV mầm non, tiểu học, THCS), cho biết vừa qua nhà trường đã thực hiện khóa 1 nâng chuẩn cho các GV mầm non, trung học. Nâng chuẩn từ trung cấp lên đại học như vậy đòi hỏi thời gian học tập sẽ dài hơn việc nâng chuẩn từ trung cấp lên bậc cao đẳng. Tuy nhiên đó cũng là thuận lợi cho các GV mầm non được đào tạo bài bản. Các GV được ngân sách thành phố chi trả kinh phí để học tập, do đó rất mong các thầy cô vượt qua các khó khăn để hoàn thành chương trình học tập.

"Thời gian học nâng chuẩn vào các buổi tối trong tuần, từ thứ hai tới thứ sáu và chủ nhật, riêng thứ bảy không học để các thầy cô lo công việc riêng. Một khó khăn là nhiều thầy cô được đào tạo đã lâu, nhiều môn học phải cập nhật lại kiến thức từ đầu, hoặc nhiều thầy cô không tìm được bảng điểm của mình từ rất lâu để được miễn trừ môn học, nên phải học lại", bà Liên trao đổi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá nhiều địa phương, cơ sở giáo dục mầm non có những giải pháp hiệu quả, sắp xếp để đội ngũ GV được đi học nâng chuẩn. Ông Hùng nhấn mạnh, việc nâng chuẩn là theo lộ trình và có thời hạn, mỗi người đều có khó khăn riêng, tuy nhiên cần phải vượt qua vì đây là yêu cầu bắt buộc theo luật Giáo dục 2019.

Quy định trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo là "có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non
Quy định trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo là "có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non

GV KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN, TRƯỜNG KHÔNG THỂ HOẠT ĐỘNG

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh trách nhiệm của 3 bên: GV, người lao động; các cán bộ quản lý trường mầm non, chủ đầu tư và trách nhiệm của các phòng GD-ĐT cấp quận, huyện, TP.Thủ Đức trong bức tranh toàn diện của phát triển giáo dục mầm non TP.

Bà Châu cho biết theo dự thảo luật Nhà giáo, người giảng dạy trong trường công hay ngoài công lập đều là nhà giáo. Các GV - người lao động nói chung cần có trách nhiệm làm việc trong tinh thần cống hiến.

Bên cạnh đó, bà Châu nêu tới trách nhiệm của các chủ đầu tư trong lĩnh vực giáo dục mầm non, của các cán bộ quản lý cấp trường. Là người đứng đầu, các thầy cô cần luôn trăn trở đã thông tin kịp thời cho người lao động chưa, triển khai chính sách đầy đủ, đúng đối tượng cho các GV hay chưa.

Đáng chú ý, bà Châu nhấn mạnh thực trạng còn 5.211 GV (trong tổng số 26.055 GV mầm non của TP) chưa đạt chuẩn. Điều này rất cần các chủ trường, các cán bộ quản lý phải suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ . "GV mầm non đứng lớp phải đạt chuẩn, nếu không tới năm 2030 sẽ không đủ điều kiện để làm việc; các trường, nhất là các trường ngoài công lập, nhóm lớp tư thục, độc lập, sẽ không thể hoạt động", bà Châu nói.

Trách nhiệm thứ ba, bà Châu nhắc tới các cơ quan quản lý cấp phòng GD-ĐT, cấp sở, làm sao để kịp thời lắng nghe hết tâm tư, nguyện vọng của các cơ sở giáo dục, đội ngũ GV, rà soát các văn bản, chính sách xem đã phù hợp với thực tiễn chưa, làm sao để thu hút thêm người tài đến với giáo dục mầm non.

"TP.HCM là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, việc học tập là suốt đời. Trách nhiệm của giáo dục mầm non là rà soát đội ngũ GV công lập và ngoài công lập, cần có lộ trình nâng chuẩn cụ thể, chứ không tới năm 2030 là vỡ trận, không thể hoạt động được. Rất mong Trường ĐH Sài Gòn quan tâm tới thời gian tổ chức khóa học nâng chuẩn, động viên các thầy cô hoàn thành chương trình học để yên tâm công tác, ổn định cuộc sống, gắn bó với nghề", bà Châu chia sẻ.

Cô và trò một lớp mầm non độc lập tại TP.HCM
Cô và trò một lớp mầm non độc lập tại TP.HCM

CHỦ TRƯỜNG U.60 CUỐI TUẦN ĐI HỌC NÂNG CHUẨN

Trong số các GV mầm non, chủ trường, chủ nhóm lớp mầm non độc lập, tư thục đang đi học nâng chuẩn, cô Nguyễn Thị Linh, chủ một lớp mẫu giáo ở Q.Tân Phú (TP.HCM), thuộc tốp các cô dù lớn tuổi nhưng sự chăm chỉ, quyết tâm thì không kém cạnh ai. Từng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non, cô Linh đang học nâng chuẩn vào cả ngày thứ bảy và chủ nhật các tuần từ năm 2022 tới nay, dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm 2024. Thời điểm cô Linh đăng ký học chưa có khóa nâng chuẩn GV mầm non do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức, song quyết tâm phải học để lấy bằng đại học, đạt chuẩn đào tạo để yên tâm quản lý lớp mẫu giáo của mình, cô bỏ tiền túi đăng ký học, mỗi học kỳ đóng hơn 6 triệu đồng.

"Đi làm cả tuần, cuối tuần lại cắp sách đi học thì rất vất vả, các môn chuyên ngành thì dễ rồi vì đúng là thế mạnh, nhưng môn tin học và tiếng Anh với tôi thì khá vất vả. Tôi học ngày học đêm, giờ ăn cũng mang sách ra ôn, có hôm 1 giờ sáng vẫn ngồi luyện đọc, luyện phát âm", cô Linh kể.

Cô Linh cho biết trong lớp đại học của cô, có nhiều người cũng là chủ trường, chủ lớp mầm non ngoài công lập. Ai cũng động viên nhau ráng học xong để làm nghề được tốt hơn và đặc biệt sau năm 2030 vẫn có thể quản lý cơ sở giáo dục mầm non của mình mà không phải thuê thêm nhân sự.

Ở góc độ nhà quản lý, các chủ trường, chủ lớp mầm non độc lập, tư thục cho biết việc đi học để nâng chuẩn theo chuẩn đào tạo của luật Giáo dục 2019 là hoàn toàn cần thiết. Tại Trường mầm non N.L (Q.Bình Thạnh), anh N.M, chủ trường, cho biết đơn vị của anh có thêm phần tiền thưởng để khuyến khích các GV đi học nâng chuẩn.

Tỷ lệ GV đứng lớp ở mầm non ngoài công lập là 1,8 GV/lớp

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết bên cạnh những chế độ, chính sách chung cho GV mầm non cả nước, TP.HCM còn có chính sách đặc thù dành cho GV mầm non.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận nhờ có các chính sách hỗ trợ nên đội ngũ GV mới ra trường yên tâm công tác; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, GV và nhân viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng; GV tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến vận dụng vào thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao. Đến nay, GV tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cơ bản đảm bảo đáp ứng theo quy định 2 GV/lớp, tuy nhiên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chỉ đạt trên 1,8 GV/lớp.

Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.