Đời sống người dân vùng đồng bào DTTS của huyện Phú Thiện ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.
Đầu tư hạ tầng vùng đồng bào DTTS
Những ngày này, không khí rộn ràng bao trùm khắp khu tái định cư làng Kinh Pêng, xã Chư A Thai. Thực hiện Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Chư A Thai, 76 hộ dân dưới chân núi Chư H’Lông đã đồng loạt di dời nhà cửa đến nơi ở mới. Hệ thống điện-đường-nước sạch đã hoàn tất, đấu nối đến từng nhà dân. Bà con ai cũng phấn khởi bởi cuộc sống mới đã bắt đầu. “An cư lạc nghiệp”, mọi người bảo nhau nỗ lực làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Mỗi hộ dân được cấp 420 m2 đất ở và 1 triệu đồng để di dời nhà cửa. Bên cạnh đó, hộ nghèo được hỗ trợ 42 triệu đồng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 22 triệu đồng để ổn định cuộc sống mới. Nhờ sự đồng thuận cao của người dân, công tác di dời, ổn định dân cư đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với tiến độ đề ra. Trong số 76 hộ, chỉ còn 7 hộ đang hoàn tất việc dựng nhà.
Gia đình anh Ksor Thuyên (làng Kinh Pêng, xã Chư A Thai) xây dựng nhà mới tại khu tái định cư. Ảnh: V.C |
Anh Ksor Thuyên (làng Kinh Pêng) chia sẻ: Ngôi nhà cũ của gia đình trước đây dưới chân núi Chư H’Lông chỉ rộng hơn 10 m2. Nay chuyển ra khu tái định cư, vợ chồng anh quyết định vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà rộng hơn 60 m2 gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. “Ván gỗ ngày càng khan hiếm nên gia đình tôi chuyển sang làm nhà xây để tiết kiệm kinh phí. Căn nhà sàn trước đây được tôi sửa lại để làm bếp và chuồng bò. Vợ chồng tôi cũng đã xin làm bán thời gian tại lò gạch với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng. Cảm ơn các cấp đã quan tâm giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”-anh Thuyên bộc bạch.
Đầu năm 2024, cây cầu Ayun rộng 8 m, dài 177,3 m với tổng kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng nối liền xã Ia Sol và xã Ia Yeng đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con đôi bờ. Ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-cho biết: Trước đây, cây cầu cũ bắc qua sông Ayun vừa nhỏ hẹp, lại không có lan can bảo vệ nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Việc giao thương hàng hóa vì vậy gặp nhiều trở ngại.
Xã có tới 94% dân số là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc cây cầu mới hoàn thành có ý nghĩa rất lớn. Cây cầu này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản mà còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đưa Ia Yeng thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn.
Cây cầu Ayun nối liền 2 xã Ia Sol và Ia Yeng mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ảnh: Vũ Chi |
Giảm nghèo bền vững
Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS được huyện Phú Thiện quan tâm chỉ đạo sát sao. Bà Huỳnh Thị Tư-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: Thực hiện chính sách dân tộc, các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động các hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi; thường xuyên tổ chức hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Công tác huy động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cũng được triển khai tích cực. Qua đó, nhiều hộ nghèo đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 90 căn nhà, khoan 30 giếng nước, cấp 55 con bò và 260 con dê giống cho các hộ nghèo người DTTS. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.000 hộ nghèo, chiếm 5,06% và 1.894 hộ cận nghèo, chiếm 9,58%.
Những ngôi nhà khang trang, kiên cố đang dần hiện hữu tại khu tái định cư mới King Pêng. Ảnh: Vũ Chi |
Ia Khươl quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Kông Chro phân bổ hơn 240,3 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo
Huyện Phú Thiện có 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, người DTTS chiếm 62,45% dân số toàn huyện. Với trách nhiệm của mình, hàng năm, Phòng Dân tộc huyện cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp thực hiện các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, từ đầu tư cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm đến giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội.
Bà Ngô Thị Thanh Diệp-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho hay: Từ năm 2019 đến nay, huyện đã đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa 41 trường học, 142 tuyến đường giao thông, 17 công trình văn hóa, 2 trạm y tế xã, 15 tuyến kênh mương thủy lợi; mở 8 lớp xóa mù chữ, 21 lớp đào tạo nghề cho hơn 600 học viên người DTTS.
Bên cạnh đó, huyện đầu tư hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào DTTS chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo; rà soát, giải quyết căn bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất trong đồng bào DTTS. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo người DTTS mỗi năm 2,5%; xóa hoàn toàn xã đặc biệt khó khăn; sắp xếp, ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch trong toàn huyện”-Trưởng phòng Dân tộc huyện nhấn mạnh.