Chung tay chăm sóc người khuyết tật và trẻ em Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với hoạt động sản xuất-kinh doanh, một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai các hoạt động an sinh xã hội nhằm chăm sóc người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

Sự sẻ chia đầy trách nhiệm, nghĩa tình của các doanh nghiệp, công ty đã động viên người khuyết tật và trẻ em vươn lên trong cuộc sống.

Sáng 27-7, Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê phối hợp cùng Đoàn trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện Vì đàn em thân yêu tại làng Vel (xã Ia Ko, huyện Chư Sê).

Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê phối hợp Đoàn trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức trò chơi cho trẻ em làng Vel (xã Ia Ko). Ảnh: Đ.T
Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê phối hợp Đoàn trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức trò chơi cho trẻ em làng Vel (xã Ia Ko). Ảnh: Đ.T

Từ 8 giờ, hơn 50 thiếu nhi đã tập trung đến nhà sinh hoạt cộng đồng làng Vel để tham gia các hoạt động do đoàn viên, thanh niên tổ chức. Các thiếu nhi trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi háo hức khi được nhận bánh, kẹo, sữa và dụng cụ học tập. Các trò chơi dân gian như: mèo đuổi chuột, bịt mắt đập chai… hay buổi chiếu phim hoạt hình Tom và Jerry đã mang lại những tiếng cười, niềm vui cho các em nhỏ. Em Rơ Mah Alêch (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Ko) bày tỏ: Em vừa được nhận quà vừa được vui chơi. Các anh, chị rất gần gũi, giúp chúng em có nhiều niềm vui trong dịp hè.

Dịp này, đoàn viên, thanh niên là y-bác sĩ của Trung tâm Y tế Cao su Chư Sê đã khám bệnh và cho hơn 40 trẻ em uống thuốc tẩy giun. Đoàn viên, thanh niên 2 đơn vị đã tham gia sơn sửa phòng học, lắp đặt quạt điện và kệ sách tại điểm trường làng Vel thuộc Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

Anh Đặng Đức Tài-Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê cho biết: “Trẻ em cần được quan tâm chăm sóc và bảo vệ. Với nỗ lực “Vì đàn em thân yêu”, Đoàn Thanh niên Công ty phối hợp với các đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động: tặng quà, trao sinh kế, khám bệnh cho trẻ em. Các hoạt động đã góp phần lan tỏa tinh thần sẻ chia, động viên các em nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống”.

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đã hỗ trợ các trường học ở huyện Chư Sê xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học với số tiền hơn 400 triệu đồng; ủng hộ quỹ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo trợ quyền trẻ em tỉnh hơn 100 triệu đồng… Ông Vương Đức Thông-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê cho biết: “Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội; chỉ đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên triển khai các hoạt động phù hợp để hỗ trợ, động viên tinh thần, giúp người khuyết tật và trẻ em nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục đóng góp, đồng hành cùng Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trong công tác an sinh xã hội”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp cùng Công ty Điện lực Gia Lai tặng xe đạp cho thiếu nhi khó khăn. Ảnh: M.H
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp cùng Công ty Điện lực Gia Lai tặng xe đạp cho thiếu nhi khó khăn. Ảnh: M.H

Tương tự, Công ty Điện lực Gia Lai cũng có nhiều nỗ lực trong các hoạt động chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật và trẻ em. “Theo quy định của Công ty, mỗi tháng, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên nộp 15.000 đồng đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và từ thiện” của Công ty để triển khai các hoạt động an sinh xã hội. Với tinh thần sẻ chia, hơn 800 cán bộ, đoàn viên thanh niên của Công ty đã tham gia đóng quỹ đầy đủ, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện”-bà Hồ Thị Minh Hiếu-Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Gia Lai bày tỏ.

Từ nguồn quỹ này, Công ty Điện lực Gia Lai đã hỗ trợ định kỳ 10 triệu đồng/năm cho quỹ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh; 10 triệu đồng/năm cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Mỗi năm, cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ sửa chữa, thay mới đèn điện cho các gia đình người khuyết tật; tặng hàng trăm suất quà cho trẻ em ở xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Bà Nông Thị Châm-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh cho hay: “Hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 140 người khuyết tật, người già neo đơn và trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, trẻ em bị xâm hại tình dục… Thời gian qua, Trung tâm luôn nhận được sự ủng hộ, tài trợ của các đơn vị, trong đó Công ty Điện lực Gia Lai. Việc giúp đỡ của các đơn vị đã mang đến niềm vui cho những hoàn cảnh đang sinh sống ở Trung tâm”.

Ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh thông tin: “Ai cũng mong muốn có cuộc sống tốt đẹp song có nhiều người không may mắn khi bị khuyết tật, trẻ em thì bị bỏ rơi, bạo hành. Thời gian qua, Hội nhận được đồng hành, hỗ trợ của nhiều công ty, doanh nghiệp trong chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật và trẻ em. Không chỉ mang giá trị vật chất mà sự động viên, cổ vũ về tinh thần giúp họ vơi đi những mặc cảm, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”.

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.