Vất vả mưu sinh giữa đêm mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai nói chung và TP. Pleiku đang bước vào cao điểm mùa mưa. Những cơn mưa dai dẳng mỗi đêm trở thành “đặc sản” của Phố núi. Tuy nhiên, trong lúc nhiều người quây quần bên gia đình hay say giấc nồng với chăn ấm nệm êm thì còn không ít người phải vất vả mưu sinh giữa đêm mưa.

Gia Lai thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa với 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Trong đó, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Cũng như các địa phương trong tỉnh, Pleiku đang vào cao điểm của mùa mưa với những cơn mưa liên tục, xối xả cả ngày lẫn đêm. Hình ảnh dòng người hối hả chạy né những cơn mưa bất chợt của phố núi Pleiku càng dễ bắt gặp ở thời điểm này.

Trong đêm mưa, nhiều cung đường ở TP. Pleiku trở nên vắng vẻ hơn bình thường. Ảnh: Đồng Lai

Trong đêm mưa, nhiều cung đường ở TP. Pleiku trở nên vắng vẻ hơn bình thường. Ảnh: Đồng Lai

Dọc các tuyến đường quanh khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết không khó để bắt gặp những xe hàng rong tự chế, chùm bong bóng phấp phới hay những lời mời gọi khách mua hàng quen thuộc giữa đêm mưa.

Rời quê hương Thanh Hóa từ năm 2007, do điều kiện kinh tế khó khăn lại đông con nên vợ chồng ông Đặng Văn Tý (53 tuổi, ở trọ tại tổ 2, phường Hội Thương, TP. Pleiku) phải bươn chải từ Sài Gòn hoa lệ đến phố núi Pleiku kiếm sống.

Ban ngày, ông Tý đẩy xe đi bán kẹo chỉ tơ hồng, bánh hottrend (bánh đồng xu) dạo các cổng trường và rong ruổi khắp các ngã đường nội thị Pleiku. Đêm đến, ông đứng góc đường Lê Lợi-khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết để bán cho hết số hàng trong ngày.

“Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở tuổi của tôi khó có thể xin việc làm nên đành mưu sinh, kiếm sống dựa vào chiếc xe hàng rong này. Vì kế mưu sinh, ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi đều phải rong ruổi trên các nẻo đường cùng chiếc xe máy này. Những hôm trời mưa nhiều, đường phố ít khách, bán được vài chục nghìn nhưng không dám nghỉ ngơi vì tất cả chi tiêu, sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào nguồn thu này”-ông Tý tâm sự.

Dù mưa đêm, gió lạnh run người nhưng ông Đặng Văn Tý vẫn cố gắng làm đêm để kiếm thêm thu nhập ít ỏi từ xe hàng rong. Ảnh: Đồng Lai

Dù mưa đêm, gió lạnh run người nhưng ông Đặng Văn Tý vẫn cố gắng làm đêm để kiếm thêm thu nhập ít ỏi từ xe hàng rong. Ảnh: Đồng Lai

Khi màn đêm buông xuống, hầu hết mọi người đã say giấc nồng sau một ngày làm việc mệt nhọc thì đâu đó, cuộc hành trình mưu sinh của những phận người khốn khó vẫn chưa khép lại.

Gần 11 giờ đêm, dù dầm mưa, gió lạnh và đôi chân mệt nhọc rã rời nhưng bà Ngô Thị Dung (75 tuổi, trú tại tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trong chiếc áo mưa mỏng tanh vẫn cố từng bước tìm đến những quán còn sáng đèn để mời mọc khách vỉ trái cây, bì đậu phụng... Bà Dung-chia sẻ: “Còn sức khỏe thì tôi sẽ tìm mọi cách để kiếm những đồng tiền dù nhỏ bằng chính sức lao động của mình, để bản thân không trở thành gánh nặng của con cái”.

Vì cuộc sống khó khăn, phải vật lộn mưu sinh nên bất kể mưa gió tầm tã hay đêm đông lạnh lẽo, những hàng rong vẫn hiện diện trên các con đường từ chập tối cho tới khuya. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyết Sương (52 tuổi, trú tại tổ 1, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chọn nghề bán bắp xào, cá viên chiên... để trang trải cuộc sống.

Bà Sương chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi có vay ngân hàng để mua xe chạy dịch vụ nhưng đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến doanh thu giảm hơn 50% trong khi bao nhiêu khoản chi tiêu phải lo, rồi tiền nuôi con… Đặc biệt, khoản vay ngân hàng cũng như tiền lãi hàng tháng đã vắt kiệt sức của 2 vợ chồng. Dù đã quyết định bán tháo chiếc xe để trả tiền ngân hàng nhưng hiện vẫn còn nợ lại 200 triệu đồng phải “gồng gánh” trả lãi hàng tháng”.

Không những vậy, 2 vợ chồng bà Sương còn phải cố gắng bươn chải, tằn tiện mỗi ngày để có đủ tiền gửi về quê nuôi người mẹ già.

Bà Sương-nghẹn ngào nói:“Vợ chồng tôi đang sống trong ngôi nhà được bà con dựng tạm trên mảnh đất của mẹ chồng. Cũng vì không có tiền đóng học phí nên đứa con gái học lớp 9 buộc phải nghỉ giữa chừng để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình trải cuộc sống. Có những ngày, chúng tôi không có tiền để mua thức ăn phải ăn cơm trắng hoặc thêm tí rau từ hàng xóm đem cho. Dẫu vậy, 2 vợ chồng cũng tự an ủi nhau, cùng nhau cố gắng để vươn lên trong cuộc sống”.

Mỗi người đều có một công việc, cách mưu sinh khác nhau nhưng điểm chung ở họ là nỗ lực kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi các con ăn học... để tương lai tươi sáng hơn. Tuy khó khăn, vất vả nhưng trong họ vẫn có một niềm vui bởi những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, sức lao động của mình. Chính sự chịu thương, chịu khó, miệt mài mưu sinh hàng đêm của cha mẹ mà có không ít người con của họ đã lấy đó làm gương để nỗ lực học tập, làm việc và thành công trong sự nghiệp.

Clip: Nỗi vất vả của những người bán hàng rong giữa đêm mưa. Thực hiện: Đồng Lai

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.