Những cuộc mưu sinh bỏng rát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân TP Hồ Chí Minh đang hứng chịu đợt nắng nóng dài nhất trong gần 30 năm, lịch sử về đợt nắng nóng kéo dài đã được ghi nhận. Dưới cái nắng khắc nghiệt ấy, là những cuộc mưu sinh bỏng rát, đậm đặc mồ hôi của hàng triệu con người.

Thành phố nắng ngợp mình trong mùi mồ hôi của những số phận khắc khổ. Mùi mồ hôi khen khét lẫn lộn trong cái không gian nắng ấy khiến con người tràn ngập những mỏi mệt, rệu rã, lấm lem cơ cực, ngất ngơ bên mỗi vỉa hè, dưới bóng cây hoặc gầm cầu…

Nắng như rang

Với nghề shipper, mưa thì có thể trốn được, nhưng nắng thì không, hễ có đơn hàng, Minh Tuấn phải đội nắng mà lao ra đường. Huỳnh Minh Tuấn (29 tuổi, quê Quảng Ngãi, ở trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP Hồ Chí Minh) làm nghề giao hàng được hơn 3 năm. Những ngày này là khoảng thời gian khó khăn vất vả nhất với Tuấn bởi nắng nóng. Tuấn đi làm từ sáng sớm, nhưng cái nóng hầm hập đã chờ sẵn ngoài cửa phòng trọ, càng về trưa, sức nóng càng kinh khủng. Mỗi lần nhận đơn hàng đồ ăn, Tuấn chỉ mong quán đó có máy điều hòa để hưởng ké ít phút trong quá trình chờ đợi. Mà ngặt nỗi, những quán có điều hòa vào giờ cao điểm lại rất đông khách.

Những ngày nắng đi làm, Minh Tuấn thường ghé lấy nước miễn phí.

Những ngày nắng đi làm, Minh Tuấn thường ghé lấy nước miễn phí.

Nghĩ mình phận shipper không dám chen lấn, thế là Tuấn cùng các shipper khác đành phải đứng ngoài đường chờ đợi. Mỗi phút giây phơi nắng chẳng khác nào đang đội một chiếc lò luyện gang trên đầu. Mồ hôi đầm đìa đã đành, nhưng sức nóng bỏng của nền nhiệt trên 40 độ khiến con người như bị nung chảy.

Nhận đơn hàng xong, Tuấn tiếp tục chạy ngoài đường vài cây số đi giao cho khách. Tính trung bình, một ngày Tuấn phơi nắng ngoài đường hơn 8 tiếng đồng hồ. Để chống sốc nhiệt và mất nước, Tuấn đã trang bị áo khoác dày, mũ kín mặt, bao tay bao chân và luôn có một vỉ thuốc đau đầu trong túi.

“Có hôm trời nóng quá, em tắt app (tài khoản) hai tiếng, cởi bỏ bộ đồ shipper ra rồi đi vào quán cà phê máy lạnh nằm ngủ một giấc đến chiều mát chạy tiếp. Nhưng không phải hôm nào cũng cho phép mình được như vậy, vì uống cà phê máy lạnh đắt gấp mấy lần cà phê vỉa hè. Thời gian tắt app lại trùng với giờ cao điểm “nổ đơn” nên cũng hao hụt đi thu nhập. Nếu một ngày chạy không đủ chuyến sẽ bị xem xét khóa app, lại mất việc làm”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn và hàng ngàn shipper vẫn phải phơi mình dưới nắng nóng để mưu sinh. Nắng như đốt cháy da thịt của biết bao số phận người lao động đang ngụp lặn trong lòng nó. Quán xá, công viên bỏng rát vì nắng. “Ở nơi đây, chỉ còn nắng buồn chan chát. Nắng buồn gấp vạn lần mưa”, bà Lê Thị Nguyệt cười nhăn nhó, nheo đôi mắt lại thốt lên như thế.

Bà Nguyệt, 50 tuổi, quê Bình Định, ở trọ dưới chân cầu Ông Lớn (Q.7, TP Hồ Chí Minh) vào thành phố lập nghiệp được 12 năm. Bà bán hàng rong trước cổng trường Đại học Tôn Đức Thắng (Q.7) từ nhiều năm nay nhưng theo cảm nhận của bà, mùa nắng 2024 quả là tàn khốc, nó như rang cháy con người. Ngồi dưới bóng chiếc dù mà như ngồi giữa chảo lửa, bà Nguyệt bị sốc nhiệt, đau đầu, choáng váng phải đi cấp cứu, truyền nước biển hai lần.

Bà ở phòng trọ nghỉ ngơi chờ qua cơn nắng vài ngày sẽ đi làm tiếp nhưng phòng trọ tứ bề là tôn, còn hơn ngoài đường. Cả xóm trọ của bà Nguyệt cứ 8 giờ sáng là kéo nhau ra gầm cầu Ông Lớn ngồi trốn nắng. Người mang võng, người mang chiếu, và mang cả cơm canh ra “đóng chốt” tại đó đến chiều tối mới trở về phòng trọ. Xóm trọ nghèo hầu như năm nào cũng trốn nắng bằng cách chui gầm cầu. Mà năm nay nắng quá, gầm cầu vẫn hầm hập, mướt mát mồ hôi. Bà Nguyệt ngỡ ở nhà dưỡng bệnh, ai ngờ bệnh hơn vì quá ngột ngạt. Tù túng quá, bà lại xách quang gánh ra bóng cây bàng trước cổng trường để bán, dù sao cũng có đồng ra đồng vào, còn hơn ở nhà nóng “chảy mỡ” lại không có tiền.

Ở xóm trọ nghèo mùa này, đố ai ở trong phòng được vài tiếng đồng hồ, dù có sử dụng bao nhiêu cái quạt đi nữa cũng chỉ làm cho không khí nóng thêm hầm hập mà thôi. Diện tích gầm cầu có hạn nên chỉ ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em, thanh niên phải tìm chỗ khác, ai khỏe thì chạy vài cây số tìm tới siêu thị ngồi nhờ. Còn cánh đàn ông đi lao động chân tay cũng có muôn vàn cách trốn nắng. Thay vì trưa về phòng trọ nghỉ ngơi thì họ kéo nhau ra rặng dừa nước bên rạch Ông Lớn trú ngụ. “Dòng kênh này nước tanh hôi, đen kịt nhưng vẫn hơn trong phòng trọ vì có gió trời, có bóng dừa thoáng đãng. Chúng tôi nghỉ ở đây, chiều đi làm tan ca vẫn chưa dám về phòng đâu, phải lang thang bên ngoài đến 9 giờ tối mới về ngủ”, ông Trần Văn Dũng (60 tuổi, ngụ xã Phong Phú, Bình Chánh) chia sẻ.

Ông Dũng đi làm phụ hồ, bình thường ông chỉ đội chiếc mũ lưỡi trai, hôm nào nhiều bụi thì có thêm tấm khẩu trang mỏng. Đây là mùa nóng đầu tiên ông phải trang bị đồ bảo hộ. Ông xem trên mạng thấy quảng cáo mặt nạ chống nắng nên bỏ ra 130.000 đồng mua 5 cái. Ông đeo mặt nạ kín bưng cả mặt mũi, hở mỗi hai mắt đi làm, đúng là mát hơn hẳn khẩu trang, mặt không còn bị nắng táp bỏng đỏ nữa. Nhưng chỉ được vài tiếng, khi mồ hôi túa ra, thấm vào các lớp vải của mặt nạ khiến nó sũng nước, ông Dũng không thở nổi phải tháo ra vắt nước, phơi khô, để nguội rồi mới đeo lại. Bằng cách này hơi phiền hà nên ông bỏ luôn mặt nạ, xem như mất tong nửa ngày công lao động.

Bà Nguyệt vẫn cặm cụi với gánh hàng rong bên đường dưới cái nắng như thiêu đốt.

Bà Nguyệt vẫn cặm cụi với gánh hàng rong bên đường dưới cái nắng như thiêu đốt.

Muôn kiểu trốn nắng

Nắng nóng vẫn hừng hực mỗi sáng tinh mơ, là nỗi ám ảnh của người lao động ngoài trời. Nhưng dẫu vậy vẫn chưa bằng nỗi khổ của những gia đình quanh năm sống đời ghe thuyền trên kênh Tàu Hũ (Q.8, TP Hồ Chí Minh). Xóm thuyền này có từ nhiều năm, họ là Việt kiều Campuchia về nước, mang theo con thuyền nhỏ neo bên mé kênh và cứ thế sống nhiều thế hệ ở không gian chật chội, bức bách đến nghẹt thở trong diện tích chỉ bằng hai manh chiếu gộp lại.

Những ngày nắng nóng, hai đứa cháu ngoại bà Lê Thị Mai (55 tuổi, quê Kiên Giang) được mẹ đưa đi siêu thị từ sáng, mang sẵn bánh trái, đồ ăn rồi ở đó đến tối mịt khi siêu thị đóng cửa mới về. Con trai bà Mai đi làm công nhân, lẽ ra tối trở về thuyền thì lại trốn ở nhà một người bạn vì có máy lạnh. Bà Mai sáng bán rau ở chợ Bình Điền, trưa không biết trốn đi đâu đành phải về thuyền nấu ăn và nghỉ ngơi. “Ngồi trong thuyền chưa tới 5 phút là mồ hôi túa ra, càng bật quạt lại càng nóng, hơi nóng từ gió trời, từ nước bỏng rát dưới kênh phả lên như lửa táp vào mặt”, bà Mai cho biết. Không chịu nổi, bà Mai bưng tô cơm chạy lên xóm trọ phía trên thì thấy dãy người đang ngồi quạt ở hàng hiên. Xóm trọ nghèo, chỉ duy nhất một phòng trọ có máy điều hòa, nhưng nhà người ta vừa sinh em bé nên không ai dám vào xin tí mát. Cả ngày thất thểu, lang thang trốn nắng cho tới đêm về, cũng phải quá 11 giờ khuya mới chợp mắt được.

Bên cạnh thuyền bà Mai là thuyền của vợ chồng ông Nguyễn Văn Phát (64 tuổi quê Bạc Liêu). Ông Phát lên TP Hồ Chí Minh được 18 năm, con thuyền của ông qua nhiều lần cơi nới trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn những con thuyền khác. Những năm khí hậu mát mẻ, nơi này được ca tụng là không gian sống lý tưởng giữa đất Sài Gòn chật chội. Mỗi con thuyền đều sở hữu một chiếc máy lạnh tự nhiên là dòng sông mênh mông nước ngay trước mặt. Còn bây giờ, sông cạn, nước thì bỏng rát như đun sôi.

Một buổi chiều trở về chiếc thuyền trên bến sông của ông Phát.

Một buổi chiều trở về chiếc thuyền trên bến sông của ông Phát.

Được xếp vào hàng khá của xóm nhưng mùa nóng năm nay, vợ chồng ông Phát cũng phải bỏ thuyền lên bờ trốn cả ngày. Vợ ông bán bánh canh buổi sáng, dọn dẹp xong là chạy tới phòng trọ của người chị gái có máy lạnh ăn nhờ ở đậu đến tối mịt mới về. Ông Phát làm bốc vác ở chợ, ông có bệnh huyết áp cao nên luôn thường trực nỗi lo ngất xỉu vì sốc nhiệt. Buổi trưa, ông cũng không trở về thuyền mà chui vào trung tâm điện máy gần chợ Bình Điền tá túc. “Nắng nóng là việc của trời, còn dân lao động như chúng tôi vẫn phải làm việc để có cái ăn mỗi ngày. Nhiều hôm mệt muốn ở nhà nghỉ mà đâu dám, vì nhà như cái “lò bát quái”, chi bằng ra chợ ngóng những cơn mưa”, ông Phát nói mà thở hắt ra hơi nóng.

Ai cũng than thở vì nắng, nhìn cái cách con người chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt mới thật bé nhỏ và mong manh làm sao. Trời cứ nắng chói chang, những mảng trời xanh thẳm lổ loang mây trắng, trong vắt như nỗi buồn chẳng bao giờ tan của dáng người lam lũ ngoài đường.

Ở chốn phồn hoa này, ngày ngày vẫn đang có rất nhiều người đang phải vật lộn với nắng nóng vì kế sinh nhai.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.