Mưu sinh khi tết cận kề: 'Tích cóp cả năm không đủ mua vé xe về quê'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi những ngày tết đang đến gần, nhiều công nhân lao động xa xứ không có điều kiện về quê, phải canh cánh trong lòng nỗi nhớ nhà. Họ hy vọng đời con mình sẽ khấm khá hơn, để không còn phải vì đắn đo tiền vé về quê dịp tết nữa…

"Năm nay khó khăn, tiền vé xe thì cao quá"

Một ngày cuối tháng 1, khi Tết Nguyên đán 2024 cận kề, trong căn phòng vỏn vẹn 8 m2 ở một khu trọ cách Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) chừng 1,2 km, chị Lê Thị Thắm (37 tuổi, quê Ninh Bình) đang kèm đứa con trai lớn học bài. Là phòng ở phía sau cùng của dãy trọ, lại chật, nên chị Thắm để hết xe máy bên ngoài, khóa cổ xe, bằng không sẽ không có chỗ ngủ cho cả gia đình.

Vào nhà chị Thắm, sẽ ấn tượng ngay góc tường dán kín giấy khen của các con chị. Hồi đứa con trai lớn được 3 tháng tuổi, đời sống ở quê quá khó khăn, nên hai vợ chồng ẵm con vào TP.HCM lập nghiệp. Thoắt đã 16 năm trôi qua, giờ con trai lớn của chị đã học lớp 11, còn đứa thứ hai đã 9 tuổi, đang học lớp 3.

Chị Thắm đang làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, còn chồng chị làm công nhân bảo trì ở Khu công nghiệp Tân Tạo. Thu nhập hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, tất cả vừa đủ xoay xở cho tiền sinh hoạt và tiền học của các con.

Vách ngăn phòng trọ của chị Thắm dán kín giấy khen của các con

Vách ngăn phòng trọ của chị Thắm dán kín giấy khen của các con

Dịp Tết Nguyên đán này, chị Thắm được nghỉ từ 7.2 (28 tháng chạp) đến ngày 14.2 (mùng 5 tết). Khi được hỏi đã mua vé xe về quê chưa thì chị Thắm buồn buồn, nói năm nay cả nhà ăn tết ở TP.HCM. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp gia đình ở lại khu trọ này.

"Mọi năm nếu có về thì tôi cũng đi bằng xe khách thôi, chịu khó ngồi. Còn năm nay khó khăn rồi, tiền vé xe thì cao quá. Tôi có xem thử thì vé rẻ nhất là 850.000 đồng/người, nếu mua hết cho cả 4 người thì mấy triệu đồng, rất tốn kém. Vé máy bay thì có mơ cũng không mua được. Làm công nhân khổ lắm, nhiều khi tích cóp tiết kiệm cả năm cũng không đủ mua vé xe về…", chị Thắm chia sẻ.

Để kiếm thêm thu nhập, những ngày giáp tết, nhà chị Thắm lãnh hàng về phòng trọ, dán tem số thứ tự lên sản phẩm, con trai lớn phụ giúp, mỗi ngày kiếm thêm được gần 100.000 đồng. Chị Thắm kể: "Con trai lớn năm sau sẽ vào lớp 12 nhưng gia cảnh vầy nên nó nói sẽ không học đại học mà sẽ đi học nghề để đi làm, kiếm tiền sớm".

Chị Thắm thương con biết lo nghĩ, nhiều khi cũng thấy tủi thân, sợ không lo cho con được đến nơi đến chốn.

"Chị có dự định gì cho sắp tới không", chúng tôi hỏi. "Vợ chồng tôi bây giờ chỉ mong có sức khỏe để đi làm, có tiền để lo cho hai con đi học, chứ thật ra không mong gì hơn nữa. Nhiều khi tôi nghĩ hay là cả nhà về quê sống luôn để khỏi phải lo tết không về nữa, vì ở quê tôi còn mẹ già", chị Thắm chia sẻ.

Nhưng chị Thắm vẫn còn được an ủi vì có họ hàng làm việc ở H.Củ Chi. "Tết này tôi sẽ dẫn các con đi thăm họ hàng. Nếu có điều kiện thì dẫn các con đi chơi ở nội thành", chị Thắm nói.

Nữ trụ cột nuôi cả gia đình

Cách nhà chị Thắm 2 dãy trọ, bà Nguyễn Thị Hằng (44 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang trông cháu ngoại 7 tháng tuổi để con gái ăn cơm tối. Phòng trọ nhỏ ngổn ngang đồ dùng cho trẻ sơ sinh, đứa trẻ thấy bà về ôm cổ quấn quýt không rời.

Bà Hằng vẫn nhớ như in lý do mình bắt đầu cuộc mưu sinh ở TP.HCM. Bà kể năm 2010, khu vực bà ở, gần hồ Kẻ Gỗ (H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị lũ lụt. Cơn lũ năm đó cuốn trôi hết hoa màu, gia súc của người dân, trong đó gia đình bà bị thiệt hại nặng nề.

Quá khó khăn, bà Hằng nghe theo người quen vào TP.HCM để "đi làm công nhân", để 2 con ở nhà cho chồng chăm sóc. Cuối cùng, bà Hằng xin được việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, lương bổng gửi về quê phụ chồng lo cho hai đứa ăn học.

Nhưng ai ngờ năm 2015, chồng bà Hằng bị u não, phải xạ trị. Thế là bà Hằng bỏ ngang công việc để về quê chăm sóc chồng. Hai năm sau, khi sức khỏe của chồng tạm ổn, bà lại tiếp tục một mình vào TP.HCM thuê trọ, xin được việc ở một công ty chế biến thủy sản gần khu trọ.

Bà Hằng hiện là trụ cột của gia đình

Bà Hằng hiện là trụ cột của gia đình

"Lương một tháng của tôi trung bình được khoảng 6 triệu đồng, tính theo lương năng suất, tức là ăn theo sản phẩm. Ngày nào có tăng ca, từ 5 giờ 30 - 23 giờ, thì tháng đó sẽ được 8 triệu đồng. Ở một mình thì gói ghém chi tiêu cũng tạm đủ, khi có dư 1 - 2 triệu đồng thì gửi về quê cho con trai lớn chăm sóc cha", bà Hằng nói.

Con gái của bà Hằng mới vào TP.HCM được hơn một năm, hiện đang nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ. "Con gái tôi là mẹ đơn thân. Bây giờ có con, cháu hủ hỉ, sống chung, tôi cũng đỡ thấy buồn. Nhưng đổi lại thì chi phí sinh hoạt tăng lên. Ngoài lo tiền nhà, tiền ăn, giờ phải cố gắng gói ghém trích thêm tiền tã, sữa cho cháu ngoại", bà Hằng nói.

Về thưởng Tết Nguyên đán 2024, bà Hằng cho biết: "Công ty thưởng được 8 triệu đồng, tôi có gửi về quê một ít cho chồng. Tôi sẽ nghỉ tết từ 23 tháng chạp, nhưng tết này cả nhà tôi ở TP.HCM hết chứ không về. Muốn về cũng không có tiền để về".

Mong ước giản đơn của bà Hằng trong năm mới đó là cả nhà được mạnh khỏe, để có sức làm việc nuôi con, nuôi cháu; có tiền trả khoản nợ mà gia đình vay để sửa nhà đợt lũ lụt...

Những người lao động mưu sinh xa xứ, tết là dịp nôn nao được về quê, sum họp, tận hưởng không khí ấm áp bên gia đình. Tuy nhiên, đường sá xa xôi, đi lại tốn kém, không phải ai cũng có điều kiện, họ đành gác lại mong ước nhỏ nhoi, canh cánh trong lòng nỗi nhớ nhà, nhớ góc quê...

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.