Mưu sinh khi tết cận kề: Những bờ vai lõm rong ruổi phố thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một hình ảnh khiến tôi nhớ mãi khi đến ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) cách đây vài năm lúc mới rạng sáng: cả chục người phụ nữ mặc đồ bộ, đội nón lá, vai mang tấm bảng to đùng treo đủ loại đồ dùng nào là mắt kính, bật lửa gas, ví tiền, dây nịt, tăm bông… tỏa ra các con đường.

Sau này, khi có dịp phỏng vấn nhiều trường hợp như thế, tôi mới được biết đa số những người phụ nữ ấy thường chung quê, chung xóm, chung khu trọ và lấy hàng chung đại lý.

Dù những người bán dạo như thế giờ ít dần nơi phố thị khi ngày một nhiều các cửa hàng mọc lên, nhưng giờ đây khi tết đang cận kề, vẫn không khó bắt gặp hình ảnh người phụ nữ lam lũ oằn vai gánh bán các loại món ăn, đồ dùng... đi khắp tuyến đường, con hẻm, khu dân cư đông đúc. Đa số họ ở tuổi trung niên, đến từ nhiều vùng quê khác nhau như Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa...

20 kg trên vai

Dưới bóng cây trên đường Thống Nhất (P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào một buổi sáng giữa tháng 1, bà Lê Thị Huệ (53 tuổi, quê Thanh Hóa) phe phẩy chiếc nón lá, đứng nghỉ mệt. Bà nhẹ khom người, rồi lấy tấm bảng to trưng các loại đồ dùng thường ngày như: đồ bấm móng tay, kính mát, kẹp tóc, bật lửa gas, ví tiền… sang bên vai còn lại.

Vai bà Huệ bị lõm xuống vì mang 20 kg mỗi ngày

Vai bà Huệ bị lõm xuống vì mang 20 kg mỗi ngày

Bà Huệ thuê trọ cũng ở khu vực này, tháng 1 triệu đồng. "Khu trọ có nhiều chị em chung xóm ở Quảng Xương, Thanh Hóa cùng ở. Mấy chị em rủ nhau vào đây làm, vì ở quê làm thu nhập không bằng ở thành phố này", bà Huệ nói.

Bà Huệ không nhớ mình vào TP.HCM năm nào, chỉ biết là đã vào lâu, độ hơn mười mấy năm. Chồng bà vẫn ở quê, ai kêu gì làm đó, còn hai đứa con vô đây làm công ty và hiện cũng đang ở trọ với bà.

Theo lời bà Huệ, bà chưa bao giờ cân tổng số hàng, nhưng ước chừng 20 - 25 kg. Bà cũng quên mất lần đầu tiên mình quảy đi bán là khi nào, nhưng nhớ là nó rất nặng, bà không quen, đi được chừng 100 m là cứ như đứt hơi, đầu nặng như cối đá, không thể giữ thăng bằng, nên phải dừng lại bỏ xuống, rồi thở lấy thở để. Rồi những buổi đầu, tối về bà nằm đau nhức cả người, nhiều nhất là đôi vai, chân. Phòng trọ toàn mùi dầu gió.

"Nhưng rồi cũng quen", bà Huệ nói và cho hay dần quen với cách chào mời mua bán hàng, quen với cuộc sống, các con hẻm, đường sá ở thành phố, và quen với các cơn đau ê ẩm người. "Ai đi bán cũng vậy, vai đều bầm tím, nhưng sau đó nó chai sần, như vai tôi giờ lõm xuống vì bị dây tì", bà nói.

Bà Huệ cởi hờ áo khoác, chỉ vào bờ vai bị lõm, nói ai bán hàng dù mới làm hay làm lâu cũng đều kiếm cho mình cái gì mềm mềm, như áo cũ, khăn bông, mút xốp… chêm vào vai cho đỡ đau.

Mười mấy năm nay, trừ những lúc trời mưa lớn hay mệt quá thì hầu như mỗi ngày bà Huệ đều bước ra đường vào lúc 6 giờ. Sau đó, trưa về nghỉ ngơi một lát, bà sẽ đi tiếp tới 18 giờ, nếu ngày nào ế thì đi lâu một chút để bán thêm.

"Bán như thế này tùy ngày, bữa đực bữa cái, có bữa kiếm được tới 200.000 đồng, có bữa 100.000 đồng, thậm chí có bữa không đủ tiền ăn. Nhưng phải đi nhiều mới bán được", bà Huệ cho hay.

Hỏi tết này có về quê không thì bà Huệ nói bình thường 1 - 2 năm bà mới về quê một lần; hoặc lúc nào ở quê có công việc, bà mới về. "Tết này tôi không về, tiền bạc đâu mà về, mong qua năm sau còn sức khỏe đi bán tiếp thôi", nói xong, nghe mấy người bạn hàng réo nhau cho kịp giờ kẻo xế trưa, bà Huệ vội vã đi ngay.

Gánh hàng rong nuôi con khôn lớn

Đối với bà Huỳnh Thị Thảo (53 tuổi, ở H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), những đồng tiền chắt chiu được từ gánh hàng rong là để nuôi con ăn học.

Bà Thảo bán ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), hầu như mỗi ngày tôi đi làm, dừng chờ đèn đỏ, đều thấy bà Thảo ngồi ở đó. Có hôm thấy bà đang cời than, có hôm thấy bà đang nướng bánh, lúc thấy bà đang bán cho khách. Mùi bánh kẹp thơm nức mũi. Trên đôi quang gánh của bà Thảo còn treo bán thêm nhiều loại bánh khác và nhiều đồ ăn vặt.

Bà Thảo nói hồi trước ở quê, hai vợ chồng bà làm ruộng, nhưng cứ thất bát hoài. Không đủ tiền nuôi con, bà theo vài người bạn vào TP.HCM ở trọ, đi bán bánh. Lúc mới vào, còn sức khỏe, bà gánh hàng đi bán dạo trong nội ô thành phố. Giờ tuổi ngày một cao, bà đi không nổi nữa, nên sáng nào cũng bắt xe ôm đến ngồi quanh góc đường này để bán.

Những đồng tiền chắt chiu được từ bán bánh, bà phân ra các khoản dùng để sinh hoạt, khoản để gói ghém gửi cho con, còn lại để mua thuốc thang, gửi về quê.

Gánh hàng rong của bà Thảo nuôi con ăn học

Gánh hàng rong của bà Thảo nuôi con ăn học

Bà Thảo kể những năm trước, thường mỗi ngày bà bán được 200.000 đồng, có ngày bán được tới 300.000 đồng, tính ra mỗi tháng thu nhập cũng được 6 triệu đồng. Nhưng năm rồi bán buôn ế ẩm, nên nếu như thường ngày bà đi làm lúc 8 giờ và về lúc 18 giờ thì nay bà ra ngồi bán sớm hơn và về nhà trễ hơn vài tiếng.

Tiền trọ cũng 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền cho con nên bà đặt ra hạn mức một ngày ăn không quá 40.000 đồng. Để tiết kiệm tiền, bà chỉ nấu ăn ở nhà. Tháng nào bán không được thì bà ăn rau, trứng cho qua bữa.

Tôi hỏi tết sắp tới, có mua sắm gì không, bà Thảo liền đáp: "Lâu rồi tết tới tôi không mua quần áo gì. Tôi sợ tết lắm, phải chi tiêu đủ thứ. Tôi chỉ để dành tiền để hai mẹ con về quê thôi. Vé tàu xe tết mắc lắm. Năm ngoái tôi nghe nói người ta có cho vé xe, tôi đi xin mà hết suất, năm nay tôi cũng xin rồi, đang đợi người ta gọi điện".

Tôi hỏi thêm bà Thảo có mong muốn gì thời gian tới, bà nói ngay rằng mong có nhiều sức khỏe để ngồi nướng bánh tiếp. Bà cũng tự hào về đứa con trai đang học ở một trường cao đẳng tại TP.Thủ Đức. Bà mong có ngày con trai mình sẽ thành tài, có công ăn việc làm ổn định, không phải buôn gánh bán bưng khổ cực như ba mẹ.

Cùng mong muốn như bà Thảo rằng đời con cái mình sẽ thuận lợi và khấm khá hơn, bà H., quảy gánh bán miến trộn dạo ở Q.1, kể rằng bà quê ở Thừa Thiên-Huế, có 3 đứa con đều ở quê cả, đứa lớn nhất đang học đại học năm cuối, đứa giữa đã nghỉ học đi làm, còn đứa út đang học lớp 9. Ngày trước ở quê cũng vì khó khăn quá, không đủ tiền lo cho con nên khi nghe người quen kháo nhau vào TP.HCM kiếm sống, bà đi ngay.

Buôn bán cũng ngày được ngày không, có hôm ế quá, bà H. ăn luôn phần thừa, nhưng vẫn vui vì có tiền chắt chiu gửi về quê lo cho con cái.

"Nhiều khi tôi muốn nghỉ, vì tối về người đau ê ẩm dữ lắm, rồi còn phải tránh trật tự đô thị. Ở thành phố sống lủi thủi một mình lại không có ai lo, đau ốm cũng phải tự lo, nên nhiều khi tôi thấy nản. Nhưng cứ nghĩ đến con cái thì mình lại có tinh thần ngay", bà H. nói và cho biết thêm: "Tôi sẽ thôi bán để về quê khi các con ăn học xong, có công ăn việc làm; còn bây giờ có sức thì cứ đi bán. Tôi định 22 tháng chạp (tức ngày 1.2) về quê. Về để gặp con, cả năm không gặp, nhớ tụi nó lắm!".

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.