Mưu sinh khi tết cận kề: Người già kiếm sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người già ở TP.HCM, vì các lý do như neo đơn, không muốn phụ thuộc con cái..., vẫn còn phải mưu sinh vất vả bằng nhiều nghề khác nhau, từ chạy xe ôm đến bán buôn trên đường phố. Họ không khỏi mong trở về quê sum họp với con cháu khi những ngày tết đang cận kề...

Không muốn dựa dẫm

Một buổi tối muộn giữa tháng 1, tôi vào ứng dụng xe ôm công nghệ đặt một chuyến đi từ Q.Bình Thạnh đến Q.11. Ứng dụng hiện lên quãng đường chừng 8 km với phí 39.000 đồng. Sau chừng 3 phút kể từ khi tôi ấn nút thanh toán bằng ví điện tử thì một người đàn ông đến đón. Sau lớp khẩu trang, tài xế cất giọng khàn: "Dạ thưa cô, cô bắt xe đến Q.11 phải không?". Tôi lên chiếc xe dream cũ của bác tài xế. Ứng dụng hiển thị tài xế này ở mức "pro" (professional), tức là đã chạy "chuyên nghiệp", chạy nhiều cuốc và nhận được nhiều đánh giá 5 sao. Hỏi tên tài xế, ông nói tên Vũ Văn Bình, năm nay 65 tuổi.

Bà Ái dựng bàn trước nhà dân trên đường Lê Văn Chí (TP.Thủ Đức) để bán vé số trang trải cuộc sống

Bà Ái dựng bàn trước nhà dân trên đường Lê Văn Chí (TP.Thủ Đức) để bán vé số trang trải cuộc sống

Hiện nay, trên 60 tuổi được xem là người cao tuổi và 65 tuổi như ông Bình sẽ thuộc nhóm "sơ lão" (từ 60 - 69 tuổi). Ông Bình quê Đồng Tháp, lập thân nơi phố thị từ năm 20 tuổi. Ông không kể sâu chi tiết những ngày đầu mới lên TP.HCM thế nào, nhưng ông nhớ rõ những công việc mà mình từng trải qua: từ làm hồ, bốc vác, chạy xích lô, xe ôm đến làm bảo vệ công ty… rồi bây giờ quay lại với nghề chạy xe ôm.

Vợ ông Bình ngày xưa cũng là lao động tự do, nhận may vá, sửa đồ lặt vặt tại nhà. Giờ khi về già cũng chỉ loay hoay nội trợ, lãnh ít hàng về làm để kiếm thêm tiền. Hai vợ chồng có một người con trai làm tài xế xe khách. "Con tôi năm nay 29 tuổi, cũng gửi tiền cho ba mẹ, nhưng mà mình còn sức khỏe thì làm thêm, có dư thì xài thoải mái hơn, không phải dựa dẫm, phụ thuộc con cái. Nó có đời sống riêng của nó mà. Tôi cũng quen bươn chải ngoài đường phố rồi", ông Bình kể.

Theo lời ông Bình, mỗi ngày chạy xe ôm nhiều lắm được 400.000 đồng, ít thì chưa tới 100.000 đồng. "Nói chung thì ngày có ngày không vì nghề này phụ thuộc vào sức khỏe. Lương tính ra cũng không bao nhiêu, mỗi tháng chắc cỡ 5 triệu đồng, đủ đổ xăng, ăn uống. Giờ khó ai chạy xe hoài mà làm giàu lắm. Vì ai cũng làm, chưa kể là giờ chiết khấu tỷ lệ với công ty cao hơn", ông cho hay.

Nhiều người già ở TP.HCM vẫn đang kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm vì không muốn phụ thuộc con cháu

Nhiều người già ở TP.HCM vẫn đang kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm vì không muốn phụ thuộc con cháu

Hỏi thêm cái khó của nghề thì ông Bình nói ngay là phải học cách chào hỏi, kể cả là dạ thưa với những khách hàng nhỏ tuổi hơn mình. Ông ít học nên nói không quen, nhưng phải tập, vì sợ bị đánh giá sao thấp, mà mỗi lần rớt hạng thì chạy khá lâu mới trở lại được vị trí ban đầu. "Lát xong cuốc, con nhớ đánh giá chú 5 sao nhé", ông Bình không quên dặn dò.

Ở TP.HCM, không khó bắt gặp hình ảnh người già mưu sinh ngoài đường phố. Bày vé số trên chiếc bàn nhỏ tại vỉa hè ở một góc đường Lê Văn Chí (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức), bà Nguyễn Thị Ái (67 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) kê ghế dưới cây, liên tục vẫy tay mời khách mua.

Bà Ái vào TP.HCM cùng gia đình lúc 18 tuổi, lúc ấy do hoàn cảnh khó khăn nên bà cũng bỏ dở con đường học hành và đi làm đủ thứ nghề buôn bán để sinh nhai. Bà Ái có một đứa con gái lớn, giờ đang bán hàng ngoài chợ. Không muốn cầu cạnh con cái nên dù đang mang nhiều chứng bệnh trong người như suy van tĩnh mạch, huyết áp, tiểu đường…, nhưng đều đặn mỗi ngày, bà đi xe buýt đến đại lý vé số gần chợ Thủ Đức để lấy về bán.

"Mỗi ngày tôi lãnh 10 lốc vé số (120 tờ). Bán cữ sáng ở vỉa hè này, sau đó tôi về nhà ăn cơm, nấu cơm ở nhà cho tiết kiệm, rồi chiều cầm vé số đi bán dạo tiếp. Nếu bán hết lốc này thì cả ngày sẽ lời hơn 100.000 đồng. Còn nếu hôm nào bất cẩn bán mà khách đếm bị dính vé hay bị gạt thì chịu lỗ", bà Ái kể.

Hỏi mọi năm có về quê hay có đi chơi đâu không thì bà liền đáp: "Tôi có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM và nhà thuộc diện khó khăn. Mọi năm, khi tết tới, chính quyền địa phương đều có chăm lo, tặng quà tết. Còn tôi thì không có khả năng về quê đâu. Tôi vào đây gần 50 năm rồi mà mới về quê được có 3 lần. Năm nào cũng mơ về lắm, mà có được đâu, chắc chờ trúng số mới về được".

Kiếm tiền về quê ăn tết

Vác bao đồ lớn trên vai, bà Nguyễn Thị Thu Lệ (74 tuổi, quê TP.Cần Thơ) đi qua lại trước cổng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức) và liên tục cất tiếng rao mời mua quần sọt, áo thun… Bà nói phải tranh thủ mấy ngày cuối năm bán để kiếm tiền mua vé xe về quê ăn tết. Bà Lệ kể chồng đã mất, đứa con trai duy nhất cũng vì bệnh mà qua đời, bà có một đứa cháu nội lấy chồng nước ngoài nhưng đã lâu không về.

Bà Lệ ngồi nghỉ mệt trước cổng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2

Bà Lệ ngồi nghỉ mệt trước cổng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2

"Giờ dưới quê không có gì làm nên phải tự lo cho cuộc sống của mình thôi. Tôi lên TP.HCM cũng lâu lắm rồi.

Tôi thuê trọ gần công viên Đầm Sen, giá có 1,5 triệu đồng/tháng thôi. Mỗi ngày tôi sẽ chọn một địa điểm nào đó đông người rồi bắt xe buýt đi. Đi từ sáng đến tối vậy đó. Có bữa tôi đi bán ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có bữa đi tới chợ đầu mối Thủ Đức hay đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 như hôm nay", bà Lệ cho hay.

Theo lời bà Lệ, bà lấy hàng từ những shop quần áo thanh lý, trả mặt bằng để được giá rẻ. Một ngày bán chừng được chục cái, bà nói: "Đủ tiền trọ rồi mua thuốc men lặt vặt thôi. Ngày nào vác đồ nhiều quá thì tối lấy dầu bóp vai. Còn tiền ăn thì không lo lắm, tôi ăn cơm từ thiện mà. Có người cháu dưới quê điện tôi kêu về quê để nó nuôi, nhưng mình còn mạnh khỏe thì tự đi lo cái ăn, chớ cầu cạnh tụi nó làm gì". (còn tiếp)

Thách thức 'chưa giàu đã già'

VN bước vào thời kỳ dân số vàng kể từ năm 2007 khi tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm 67,3% dân số. Các cơ quan chuyên môn dự báo giai đoạn này kéo dài khoảng 30 năm. Đến nay, xu hướng già hóa dân số ở VN đang diễn ra nhanh chóng.

Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số của VN đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ.

Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0 - 14 tuổi giảm từ 24,3% năm 2019 xuống khoảng 23,9% năm 2023. Trong khi đó, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Nhóm dân số trong độ tuổi từ 15 - 59 tuổi chiếm 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% năm 2023.

Hiện có một thách thức đang được đặt ra khi còn khoảng hơn 10 năm nữa VN sẽ bước qua thời kỳ đỉnh cao của dân số vàng, đó là nỗi lo "chưa giàu đã già". Một số thực trạng được nhiều chuyên gia dẫn chứng như mức lương trung bình của công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp còn thấp, chưa đủ tích lũy khi về hưu. Trong khi đó, hiện lương hưu và trợ cấp xã hội vẫn không theo kịp chi phí tiêu dùng.

Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy hiện VN có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên chỉ có khoảng 6,1 triệu người có lương hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm khoảng 42%). Trong đó, có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với mức bình quân 5,4 triệu đồng; hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp người có công; 1,8 triệu người hưởng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi với mức 360.000 đồng/tháng.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.