Thủ tướng Israel Netanyahu (phải) và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ảnh: CNN |
Cụ thể, ông Khan cho biết văn phòng công tố viên ICC xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh.
Hội đồng thẩm phán ICC đang cân nhắc đơn xin lệnh bắt. Công tố viên Khan cho biết các cáo buộc chống lại nhóm thủ lĩnh Hamas gồm "tàn sát, giết người, bắt con tin, hãm hiếp và tấn công tình dục tù nhân, tra tấn, đối xử tàn bạo".
Các cáo buộc chống lại Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel gồm "gây ra cuộc tàn sát, ngược đãi, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, chặn viện trợ nhân đạo và cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".
Ông Khan nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự mất mát và thảm họa do xung đột Hamas - Israel gây ra. "Thế giới đã bị sốc vào ngày 7/10 năm ngoái, khi mọi người bị đuổi ra khỏi phòng ngủ, khỏi nhà của họ", theo ông Khan.
Theo CNN, nếu quyết định này được thông qua, nó đặt ông Netanyahu vào tình huống giống với Tổng thống Nga Vladimir Putin - người đã bị ICC ban hành lệnh bắt trước đó.
Trong khi Hamas chưa có thông tin gì về lệnh bắt lãnh đạo của họ thì ông Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh Israel, đã chỉ trích quyết định của trưởng công tố viên ICC. "Israel đang tiến hành một trong những cuộc chiến chính nghĩa trong lịch sử hiện đại sau vụ tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào nước này vào ngày 7/10/2023". "Bản thân quan điểm của công tố viên về việc xin lệnh bắt giữ là một tội ác mang tính lịch sử cần được nhiều thế hệ ghi nhớ", theo ông Gantz.
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, thành lập để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Israel không công nhận thẩm quyền của ICC. Tuy nhiên, nếu ICC phát lệnh bắt, các nước thành viên có nghĩa vụ thực thi nếu quan chức Israel đặt chân đến lãnh thổ của họ.