Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám-cho biết: Các giải pháp đảm bảo ATGT đối với học sinh luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Toàn trường có hơn 1.900 học sinh, trong đó, nhiều em đi học bằng xe máy. Do vậy, thông qua các hoạt động ngoại khóa, tập huấn, tổ chức sự kiện hay phối hợp tuyên truyền, nhà trường đã từng bước hình thành ý thức chấp hành quy định về ATGT cho các em.
Đáng chú ý là hàng năm, nhà trường đều chủ động phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku) tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh và giáo viên.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku) tăng cường xử lý học sinh, thiếu niên vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Ảnh: M.P |
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám: Tại các buổi tuyên truyền, học sinh được phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ như: Quy tắc an toàn khi qua đường, ý nghĩa của đèn tín hiệu giao thông, biển báo, vạch kẻ đường hay quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; cảnh báo các tình huống giao thông thường gặp, quy định điều khiển phương tiện xe máy điện, xe đạp điện và xe gắn máy; mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm. Đặc biệt, sau buổi tuyên truyền, các em học sinh đã ký bản cam kết về không vi phạm ATGT.
Trong khi đó, Ban ATGT phường Yên Thế cũng thường xuyên chỉ đạo Tổ tự quản ATGT của phường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đến từng khu dân cư, trường học. Ông Trần Đại Trí-Chủ tịch UBND phường-thông tin: Năm 2023, Ban ATGT phường đã tổ chức tuyên truyền tại 3 trường học trên địa bàn với hơn 4.050 học sinh, giáo viên tham gia; biên soạn 70 bài viết về an ninh trật tự, ATGT để tuyên truyền qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Đồng thời, tổ chức cho 1.213 gia đình ký cam kết giao ước thi đua “Chung tay vì ATGT”; 1.950 học sinh ký cam kết chấp hành các quy định về ATGT.
“Thời gian tới, phường tập trung tuyên truyền đối với học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám về độ tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện; phụ huynh không giao xe máy điện cho học sinh chưa đủ tuổi tham gia giao thông. Cùng với đó, Tổ tự quản ATGT của phường đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát địa bàn, nhất là những tuyến đường trọng điểm, phức tạp về ATGT”-Chủ tịch UBND phường Yên Thế cho hay.
Nhằm chấn chỉnh, hạn chế tình trạng học sinh vi phạm các quy định về ATGT, ngoài giải pháp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong trường học, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku còn tăng cường xử lý hành vi vi phạm.
Tại buổi làm việc mới đây với phụ huynh và học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku đã tuyên truyền, giải thích để mọi người thấy được mức độ nguy hiểm của hành vi sử dụng xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi.
Em B.H.Đ-Học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Lợi-thừa nhận: “Còn vài tháng nữa em mới đủ 16 tuổi. Theo quy định, em không được điều khiển xe máy nhưng thấy mấy bạn cùng khối ở trường sử dụng phương tiện này đến trường nên em cũng dùng theo. Được giải thích, tuyên truyền, em nhận ra lỗi của mình, sau này sẽ không tái phạm nữa”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Khánh-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku): Luật Giao thông đường bộ quy định người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số phụ huynh vẫn giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, thậm chí, tình trạng học sinh điều khiển xe máy trên 50 cm3 vẫn diễn ra.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TP. Pleiku đã phát hiện, xử lý 447 học sinh vi phạm các quy định về ATGT với các lỗi như: chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không đủ tuổi điều khiển phương tiện… với tổng số tiền phạt hơn 330 triệu đồng.
Cũng theo Thiếu tá Khánh, Công an TP. Pleiku đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật trong các trường học, cơ sở giáo dục và các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phối hợp với lực lượng Công an phường, xã làm tốt công tác phổ biến, giáo dục học sinh về ATGT trong các trường học.
“Chúng tôi chủ động đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, chú trọng những hình ảnh sinh động, trực quan hoặc thông qua các câu chuyện, tấm gương chấp hành tốt quy định về ATGT để học sinh dễ tiếp cận. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đối với học sinh cũng như thiếu niên ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số”-Thiếu tá Khánh nhấn mạnh.