Thế nhưng cho đến nay, việc cấm xe công nông lưu hành vẫn chưa được thực hiện triệt để, nhất là ở khu vực Tây Nguyên do chưa có loại phương tiện nào thay thế loại xe này.
Trên thực tế, xe công nông là phương tiện không thể thiếu đối với bà con nông dân khu vực Tây Nguyên. Đây là phương tiện ra đời để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông-lâm nghiệp của người dân. Thế nhưng, tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, người dân không chỉ dùng xe công nông để phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, vận chuyển hàng hóa mà còn sử dụng làm phương tiện chở người nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Lực lượng Công an huyện Chư Sê kiểm tra xe công nông lưu hành. Ảnh: V.H |
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 30.000 xe công nông, xe máy kéo nhỏ của người dân sử dụng để sản xuất nông-lâm nghiệp. Ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-đánh giá: Hầu hết các loại xe này khi lưu thông trên đường đều không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người dân cũng không có giấy phép lái xe nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Quy định của Chính phủ về cấm xe công nông lưu hành được đưa ra cách đây hơn 16 năm. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất của người dân nên hiện xe công nông vẫn là phương tiện khó thay thế ở Tây Nguyên. Anh Nguyễn Văn Cường (làng Khối Zét, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Nhà tôi có 2 ha cà phê. Đối với chúng tôi, không có phương tiện gì thuận lợi hơn xe công nông. Đây là xe độ chế, lắp ráp nên công năng rất lớn, chúng tôi có thể dùng chở phân bón, cày đất, tưới nước. Khi cần có thể tách rời nhiều bộ phận để sử dụng cho các mục đích khác”.
Trong khi đó, ông Rơ Châm Tai (làng Khóp, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cho rằng cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông. “Chúng tôi đồng ý với quy định cấm xe công nông lưu hành. Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên cấm xe công nông lưu hành ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, còn lại cần tạo điều kiện cho người dân lưu hành xe ở nương rẫy để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu dùng xe công nông để chở người thì phải xử lý nghiêm”.
Đặc thù của xe công nông là độ chế, lắp ráp không theo quy chuẩn nên việc đăng ký, quản lý rất khó khăn. Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Khó khăn nhất là việc quản lý phương tiện xe công nông. Vì xe tự lắp ráp, các thiết bị không có công bố tiêu chuẩn, không có nguồn gốc xuất xứ nên không thể kiểm định để cấp giấy đăng ký. Cùng với đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 hiện cũng còn những khó khăn nhất định.
Ngày 29-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định này gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí; người dân cũng chưa tìm ra phương tiện thay thế nên chưa nhận hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Việc cấm xe công nông lưu hành là cần thiết. Tuy nhiên, với địa bàn Tây Nguyên, đến nay vẫn chưa có phương tiện thay thế xe công nông. Nên chăng Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu để cho ra đời một loại xe có công năng, tác dụng như xe công nông nhưng giá cả phù hợp với đời sống người dân. Có một phương tiện thay thế xe công nông được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ thì khi ấy chắc chắn người dân sẽ tin dùng và chúng ta sẽ cấm tuyệt đối xe công nông.