Lực lượng vũ trang nâng cao chất lượng huấn luyện và chăm lo đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Ngày nay, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, các đơn vị tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tích cực giúp đỡ người dân phát triển kinh tế-xã hội.

Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm

Chiều cuối năm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3 vẫn nghiêm túc trực trên các trận địa trực sẵn sàng chiến đấu. Trung tá Trần Năng Hưởng-Chính trị viên Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Pháo phòng không 234) cho biết: Đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Sở Chỉ huy Quân đoàn và các cơ quan trọng yếu của tỉnh.

“Những ngày lễ, Tết với nhiều người là dịp để sum vầy bên gia đình, đi du lịch hay dã ngoại, nhưng chúng tôi phải trực 100% quân số để bảo vệ Tổ quốc, giữ bình yên cho cuộc sống của Nhân dân. Chúng tôi rất tự hào vì được thức để canh cho dân ngủ, bảo vệ bình yên bầu trời Tây Nguyên. Đây là nhiệm vụ mà chúng tôi phải luôn nỗ lực để hoàn thành”-Trung tá Hưởng chia sẻ.

Không chỉ Lữ đoàn Pháo phòng không 234, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3 luôn chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường huấn luyện đêm, hành quân dã ngoại mang vác nặng. Nhiều đơn vị tổ chức hành quân trên 40 km, bộ đội mang vác trên vai 30-45 kg. Khi vào khu vực trú quân, các đơn vị tiến hành xây dựng công sự, chuẩn bị nơi ăn nghỉ, tiến hành huấn luyện, diễn tập theo các tình huống đã đặt ra.

Đại tá Nguyễn Bá Lực-Tư lệnh Quân đoàn-cho hay: “Để đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị chủ lực cơ động, Quân đoàn 3 đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, diễn tập, xác định đây là biện pháp quan trọng, yêu cầu cấp thiết, khâu đột phá để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu.

Chúng tôi xác định huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu với cường độ cao, sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động, lấy Tây Nguyên là chiến trường chủ yếu”.

Trinh sát Quân đoàn 3 thảo luận phương án tiếp cận hiện trường. Ảnh: V.H

Trinh sát Quân đoàn 3 thảo luận phương án tiếp cận hiện trường. Ảnh: V.H

Phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường-Chủ động, sáng tạo-Đoàn kết, quyết thắng”, LLVT tỉnh trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: “Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của LLVT tỉnh là nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng thường trực; là đơn vị nòng cốt, xung kích, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

Cùng với đó, xử lý kịp thời các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện, huấn luyện phù hợp với địa bàn tác chiến, đặc biệt là địa bàn biên giới. Nhờ đó, hàng năm, các đơn vị hoàn thành 100% nội dung huấn luyện, trong đó, tỷ lệ huấn luyện khá và giỏi đạt trên 80%.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức huấn luyện sử dụng súng 12,7 mm. Ảnh: V.H

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức huấn luyện sử dụng súng 12,7 mm. Ảnh: V.H

Tương tự, những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Để hoàn thành trọng trách đó, đơn vị xác định công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, canh trực mục tiêu là nhiệm vụ hàng đầu.

Bên cạnh đó, đơn vị quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc dù phải hy sinh xương máu của mình!”.

Nghĩa tình với người dân

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh còn thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đội quân giúp dân”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 đơn vị quân đội đứng chân, mỗi đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng có một điểm chung đó là luôn thực hiện tốt công tác dân vận, giúp dân phát triển kinh tế, hỗ trợ địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị.

Đội hình xe tăng của Lữ 273 tham gia huấn luyện và diễn tập. Ảnh: V.H

Đội hình xe tăng của Lữ 273 tham gia huấn luyện và diễn tập. Ảnh: V.H

Về làng Bi Giông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) những ngày này, chúng ta dễ dàng nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã khoác lên mình một tấm áo mới với những gam màu tươi sáng. Có được kết quả ấy một phần là nhờ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 21 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3) đã “cõng” trên vai 44 ngôi nhà từ vị trí làng cũ đến nơi ở mới.

Sau 5 năm về làng mới, những vườn rau, vườn cây ăn quả đã hình thành, chuồng trại chăn nuôi được bố trí khoa học làm cho cuộc sống của người dân ngày càng ấm no.

Ông Nguyễn Minh Trưởng-Bí thư Huyện ủy Ia Pa-cho biết: Các đơn vị quân đội đã giúp đỡ địa phương di dời nhà ở, chuồng trại để quy hoạch lại khu dân cư. Ngoài ra, các đơn vị còn giúp địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tham gia cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai. Những việc làm ấy khiến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sáng mãi trong lòng Nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Grai giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: V.H

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Grai giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: V.H

Với chức năng là đội quân công tác, đội quân dân vận, trong năm 2023, các đơn vị quân đội đã xây dựng kế hoạch cụ thể để làm công tác dân vận. Tiêu biểu như Quân đoàn 3 phân công 8 đơn vị trực thuộc đảm nhiệm thực hiện công tác dân vận tại 19 xã, phường của 7 huyện và TP. Pleiku; Binh đoàn 15 phân công 11 đơn vị thực hiện công tác dân vận tại 27 xã thuộc 3 huyện và 1 thành phố; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công 9 đơn vị giúp đỡ các xã biên giới; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phụ trách 2 xã và chỉ đạo ban chỉ huy quân sự 17 huyện, thị xã, thành phố phụ trách 17 làng đồng bào dân tộc thiểu số…

Các đơn vị đã huy động hơn 36 ngàn ngày công giúp đỡ người dân và chính quyền địa phương nâng cấp, sửa chữa gần 80 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét, phát quang trên 200 km kênh mương; giúp dân sửa chữa 79 căn nhà; xây dựng và trao tặng 60 căn nhà; di dời 100 nhà dân khỏi vùng lũ quét...

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: Năm 2023, Binh đoàn đã huy động gần 5.200 ngày công giúp các thôn, làng dọn vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho người dân mượn gần 2.000 ha đất trồng lúa và hoa màu trên diện tích cao su tái canh.

Cùng với đó, đơn vị hỗ trợ giống, vốn, vật tư sản xuất cho người dân với tổng trị giá hơn 12 tỷ đồng; đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mới gần 33 km đường giao thông với trị giá 65 tỷ đồng; tặng nhu yếu phẩm, hỗ trợ 74 tấn gạo cho người dân mùa giáp hạt với trị giá hơn 11 tỷ đồng.

Thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn đã nhận nuôi, hỗ trợ 180 học sinh người dân tộc thiểu số ở các xã biên giới với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Trung đoàn 710, Binh đoàn 15 tặng bò cho người dân xã Ia Lâu. Ảnh: V.H

Trung đoàn 710, Binh đoàn 15 tặng bò cho người dân xã Ia Lâu. Ảnh: V.H

Trên tuyến biên giới dài hơn 80 km của tỉnh có 7 xã biên giới với 48 thôn, làng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công 7 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, 48 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng và giao 194 đảng viên phụ trách 812 hộ dân.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã triển khai giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, giúp đỡ địa phương nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, củng cố hệ thống chính trị.

Đại tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai các chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực để giúp đỡ người dân như: “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, hỗ trợ sinh kế thoát nghèo… Ngoài ra, các đơn vị còn cử cán bộ đến từng hộ gia đình để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, LLVT trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: “Chúng ta cần tập trung khắc phục khó khăn, xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng của địa phương vững mạnh tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế-xã hội cả tỉnh phát triển. Cùng với đó, phải chăm lo đời sống của người dân, thực hiện có hiệu quả mô hình dân vận khéo”.

Có thể bạn quan tâm