Chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm
Gắn bó với nghề trồng cà phê từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH BaKa (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) nhận thấy nếu chỉ trồng và bán sản phẩm nhân xanh sẽ không mang lại giá trị lớn. Do đó, sau khi nghiên cứu cách thức chế biến và tìm hiểu thị trường, ông quyết định xây dựng chuỗi khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hái cho đến chế biến sâu sản phẩm cà phê. Năm 2008, ông bắt tay vào làm và chọn dòng cà phê chất lượng cao làm hướng đi lâu dài cho thương hiệu cà phê BaKa của mình.
Chia sẻ về điều này, ông Kiên cho hay: “Để có sản phẩm cà phê chất lượng cao, người sản xuất phải đi từ khâu chọn lựa giống, chăm sóc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch tỷ lệ quả chín đạt cao, cho đến đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến thành phẩm. Khi có sản phẩm đạt chất lượng tốt, từ cà phê nhân, rang xay cho đến cà phê hòa tan thì mình mới có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”.
Sau khi thử nghiệm thành công phương thức chăm sóc theo hướng hữu cơ trên một số vườn cà phê của thành viên, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã bắt đầu thử nghiệm chế biến dòng cà phê chất lượng cao.
Ông Đoàn Anh Tuấn-Giám đốc HTX-cho rằng: Với cách chế biến thông thường, người dân chỉ cần hái quả già, quả vừa chín, sau đó phơi khô và xay ra nhân. Còn chế biến cà phê chất lượng cao yêu cầu nhiều tiêu chuẩn hơn, khâu chăm sóc phải dùng phân bón hữu cơ, chế phẩm hữu cơ, khi thu hoạch thì tỷ lệ quả chín phải đạt từ 90% trở lên. Cà phê được lựa chọn xong thì đưa vào dây chuyền để vớt bỏ những hạt kém chất lượng, tạp chất, sau đó phơi trên giàn 5 nắng rồi mới đưa xuống sàn phơi khô.
Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp Công ty TNHH BaKa (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm cà phê. Ảnh: V.T |
“Những năm đầu làm cà phê chất lượng cao, hầu hết nông dân và thành viên đều chưa có kinh nghiệm nên năng suất chưa ổn định, chất lượng hạt chưa đồng đều. Sau khi áp dụng hệ thống máy chế biến tươi, chế biến khô thì sản lượng, chất lượng tăng lên, giảm được công lao động. Đặc biệt, mới đây, HTX được hỗ trợ máy rang xay từ Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê” theo chương trình khuyến công quốc gia năm 2023. Đây là bước đệm giúp HTX chủ động trong việc tạo ra các sản phẩm rang đặc trưng như cà phê pha máy, cà phê pha phin tại gia và túi lọc tiện lợi”-ông Tuấn chia sẻ.
Theo tính toán, năng suất cà phê thông thường đạt khoảng 3 tấn nhân/ha, còn cà phê chất lượng cao chỉ đạt khoảng 2 tấn nhân/ha. Bù lại, giá trị sản phẩm cà phê chất lượng cao lại cao hơn nhiều. Nếu thời điểm đầu niên vụ 2021-2022, giá cà phê nhân xanh dao động trong khoảng 45-50 ngàn đồng/kg thì dòng cà phê nhân xanh chất lượng cao với phương pháp sơ chế Honey có giá 75 ngàn đồng/kg, Natural 85 ngàn đồng/kg, còn Fine robusta lên đến 120 ngàn đồng/kg. Giá cà phê hạt rang theo phương pháp chế biến thông thường là 130-150 ngàn đồng/kg, còn cà phê hạt rang chất lượng cao thì dao động 180-300 ngàn đồng/kg. Như vậy, cà phê chất lượng cao có giá trị cao hơn cà phê thông thường 1,5-2 lần.
Hướng đến ngành cà phê bền vững
Hiện nay, nhiều cơ sở rang xay cà phê vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến dòng cà phê chất lượng cao, bởi đây là hướng đi bền vững và gia tăng giá trị cho hạt cà phê. Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cho biết thêm: Niên vụ vừa qua, HTX chế biến được 30 tấn cà phê chất lượng cao, trong đó có 10 tấn đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản-Fine robusta. Năm nay, sản lượng sẽ đạt khoảng 70 tấn vì vừa rồi HTX đã đầu tư máy móc hiện đại phục vụ chế biến. Hiện tại, dù chưa tới vụ thu hoạch mới nhưng khách hàng đã đặt sản lượng hơn 50 tấn.
Hạt cà phê hái chín sẽ có độ ngọt và hương vị tự nhiên. Ảnh: V.T |
Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Gia Lai sẽ phát triển cà phê vối (robusta) đặc sản tại 6 xã thuộc 3 huyện Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông với tổng diện tích khoảng 1.170 ha vào năm 2025 và đạt 2.340 ha vào năm 2030; sản lượng dự kiến khoảng 620 tấn vào năm 2025 và 1.700 tấn vào năm 2030.
Còn Giám đốc Công ty TNHH BaKa thì cho biết: Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết với những quy định ràng buộc về quy trình sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn hữu cơ, cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 500-600 tấn cà phê nhân, trong đó cà phê chất lượng cao khoảng 200 tấn. Trong thời buổi có sự cạnh tranh rất lớn giữa các nhà rang xay thì việc làm chủ về chất lượng sẽ quyết định đến sự tồn tại của thương hiệu trên thị trường.
Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Mỗi năm, Gia Lai thực hiện tái canh khoảng 1.500 ha cà phê già cỗi, sâu bệnh bằng những loại giống mới chất lượng cao để nâng cao chất lượng cà phê. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 46.000 ha cà phê được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, Rainforest, Organic…
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích mà duy trì ổn định khoảng 100.000 ha cà phê, trong đó, 80% diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn để đảm bảo nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu. Cà phê cũng là mặt hàng chiếm khoảng 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022 với giá trị đạt 490 triệu USD. Tuy nhiên, sản lượng hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhân xanh, tỷ lệ cà phê qua chế biến mới chiếm khoảng 16%.
“Trên thực tế, người dân còn thu hái cà phê khi chưa đủ độ chín, các sân phơi cũng chưa đảm bảo nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê đạt các chứng nhận để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản nhằm thâm nhập các thị trường có tiềm năng trong nước và hướng đến xuất khẩu”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.