Giám sát tự chủ tài chính tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 13-10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát “Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023” tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng (YHCT-PHCN) và Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai.

Đoàn giám sát do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Báo cáo tại buổi giám sát, Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh là bệnh viện hạng III, được giao 130 giường bệnh. Đơn vị hiện có 97 biên chế (gồm 29 bác sĩ, 32 điều dưỡng và 36 nhân viên, người lao động) và 11 hợp đồng lao động.

Theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 22-12-2022 của UBND tỉnh Gia Lai về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh được giao mức độ tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên 50%. Thực tiễn triển khai thực hiện quyền tự chủ về tài chính đơn vị còn gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ chi và cần phải có lộ trình cụ thể. Kinh phí chi hoạt động của bệnh viện phụ thuộc chính vào nguồn thu từ hoạt động khám, chữa bệnh (chủ yếu thu bảo hiểm y tế). Tuy nhiên nguồn thu không đảm bảo nên gây thiếu hụt kinh phí chi thường xuyên.

Theo bác sĩ Lý Tiến Thành- Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh, đơn vị là bệnh viện chuyên khoa về YHCT, xếp hạng III, tuyến tỉnh nên không thuận lợi trong việc thông tuyến huyện như các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến huyện. Từ đó lượt khám bệnh ban đầu hạn chế hơn nhiều so với các bệnh viện đồng hạng III nhưng khác tuyến. Công tác đấu thầu thuốc YHCT, vật tư y tế luôn gặp khó khăn bởi cơ chế mua sắm, đặc biệt là vị thuốc YHCT không đấu thầu mua sắm được. Đây là một tồn tại và khó khăn lớn nhất bởi lẽ người bệnh đến với Bệnh viện YHCT-PHCN đều có mong muốn được sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị YHCT nhưng không được đáp ứng, từ đó sẽ giảm dần số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện cũng như giảm đáng kể lượt khám, điều trị tại bệnh viện. Tổ chức bộ máy bệnh viện còn cồng kềnh, chưa có sự chuyên biệt giữa các khoa điều trị. Tình trạng nhân lực bệnh viện vừa thiếu vừa thừa, tạo gánh nặng cho quỹ lương. Do không đủ kinh phí chi thường xuyên, không trích lập các quỹ nên công tác đào tạo, phát triển chuyên môn mới…không thể thực hiện, càng khó khăn hơn cho kế hoạch phát triển bệnh viện.

Tại buổi giám sát, Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính xem xét tiếp tục kiến nghị bổ sung ngân sách cho bệnh viện khi nguồn thu không đủ chi lương và các khoản phụ cấp cho nhân viên, lao động của bệnh viện và kiến nghị với các bộ ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn, bất cập hiện nay trong công tác đấu thầu. Xem xét chủ trương để bệnh viện thực hiện tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên phù hợp với đặc thù của bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền vì thời gian dài bệnh viện không đủ khả năng thực hiện tự chủ kinh phí theo lộ trình của nhà nước.

Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai hiện là bệnh viện hạng III, quy mô 70 giường bệnh, mức độ tự chủ tài chính của đơn vị thuộc nhóm 3 (đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, mức độ tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên 36%). Bệnh viện có 57 biên chế và 11 hợp đồng lao động; trong đó có 13 bác sĩ (3 bác sĩ CKI).

Trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai gặp nhiều khó khăn do khả năng thu thấp vì bệnh nhân chủ yếu đa tuyến đến. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ y tế còn hạn chế nên người dân chưa tin tưởng sử dụng dịch vụ y tế tại bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện được giao tự chủ song chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự, biên chế. Việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn chưa phù hợp, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ trong khi các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi của bệnh viện.

Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai kiến nghị tại buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai kiến nghị tại buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân không đảm bảo được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Một số cán bộ, nhân viên bộ phận hành chính, kế hoạch chỉ đạo tuyến và khoa dược (kế toán thu viện phí, cán bộ chỉ đạo tuyến kiểm định tiêu bản, cán bộ dược cấp phát thuốc) mặc dù phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao nhưng lại hưởng mức phụ cấp độc hại ưu đãi ngành thấp…

Tại buổi giám sát, bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai kiến nghị đối với Trung ương: Sửa đổi mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo nghị định số 56/2011/NĐ-CP, chế độ phụ cấp độc hại theo Thông tư số 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ cho một số cán bộ làm việc trong môi trường lao. Đồng thời kiến nghị nhanh chóng thực hiện chính sách tiền lương mới.

Kiến nghị tỉnh: Thực hiện Quyết định 373/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, đòi hỏi tỉnh phải đầu tư nhiều đến chương trình chống lao, tăng cường cấp kinh phí cho các hoạt động phòng- chống lao từ tỉnh đến xã. Hiện nay Thông tư 26/2018/NĐ-CP đã hết hiệu lực, đề nghị HĐND tỉnh sớm phê duyệt định mức kinh phí hỗ trợ cho người làm công tác chống lao cơ sở có động lực làm việc. Kiến nghị Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội phân phối cơ số thẻ khám bảo hiểm y tế bệnh lý về phổi cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi để bệnh viện phối hợp sàng lọc cộng đồng cùng với chiến lược 2X, bệnh nhân hen-COPD sau khi được sàng lọc, đo chức năng hô hấp có biểu hiện bệnh lý của phổi được tiếp nhận điều trị theo chuyên khoa không cần phải có giấy chuyển viện của Trung tâm Y tế huyện. Bệnh nhân sau khi điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi bệnh lý hen-COPD, bệnh nhân đến khám không cần phải có giấy chuyển viện của tuyến dưới.

Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động tại Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh và Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai.

Bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Như Nguyện

Kết luận tại buổi giám sát, bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh: Buổi khảo sát nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động; qua đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Về các kiến nghị, những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị liên quan thì các đơn vị xem xét giải quyết. Ngoài ra, đối với các đơn vị trong quá trình hoạt động nếu có khó khăn gì thì nên chủ động kiến nghị các cơ quan liên quan để được tháo gỡ kịp thời. Đề nghị 2 đơn vị tiếp tục hoàn thiện, bổ sung báo cáo để đoàn giám sát thống kê, báo cáo và kiến nghị lên cấp trên.

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó, có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài truyền hình lớn để lừa đảo tặng quà nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.