(GLO)- Chiều ngày 12-4, tại hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình kinh tế-xã hội và xem xét, giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của tỉnh năm 2012 và quý I-năm 2013. Ảnh: Nguyễn Giác |
Tại buổi làm việc, ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của tỉnh năm 2012 và quý I-năm 2013. Theo đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, kinh tế-xã hội trên địa bàn đã đạt được một số kết quả quan trọng, an ninh chính trị được giữ vững.
Cụ thể, năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,9%; GDP bình quân đầu người đạt 26,16 triệu đồng (tương đương 1.242 USD); sản xuất nông nghiệp đạt 8.197 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp đạt 6.813 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cao su và cà phê; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2012 đạt 3.630 tỷ đồng, quý I-năm 2013 thu ngân sách ước đạt 962 tỷ đồng.
Về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tỉnh đã hoàn thành xong việc xây dựng kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Qua đánh giá lại thực trạng nông thôn, có 129 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 43 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, 10 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 3 xã đạt từ 14-18 tiêu chí. Tỷ lệ hộ thoát nghèo năm 2012 là 3,82% (tương đương 8.372 hộ), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn lại 19,92% số hộ (60.048 hộ); công tác an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao… được chú trọng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh có một số diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đều được giữ vững.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cũng nêu lên một số vấn đề mà Gia Lai còn tồn tại về công tác quản lý bảo vệ rừng. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành truy quét lâm tặc trên địa bàn 4 huyện trọng điểm nhưng tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn diễn ra. Trong quý I-năm 2013 đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng, gây thiệt hại lớn. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy tại hiện trường và tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, yêu cầu các cơ quan khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại cũng như làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu và kết quả khá toàn diện mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong năm 2012 và quý I-năm 2013. Thủ tướng cũng cơ bản nhất trí với một số đề xuất, kiến nghị mà tỉnh đã nêu như: đầu tư, mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga của sân bay Pleiku để máy bay A321 có thể hạ cánh được; nâng cấp, sửa chữa Quốc lộ 14-tuyến đường huyết mạch nối liền Gia Lai với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Việc xây dựng đập điều hòa phía sau đập của công trình thủy điện An Khê-Ka Nak để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ lưu, tuy nhiên muốn xây dựng phải dựa trên cơ sở tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu lượng nước, về quy trình vận hành hồ chứa cũng như nghiên cứu thực tiễn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những vấn đề liên quan… Riêng việc bố trí kinh phí đầu tư xây dựng khu phức hợp tại huyện Đak Đoa gồm sân golf với diện tích 204,4 ha, Khu liên hợp Thể dục thể thao rộng 51,5 ha và các hạng mục khác cần tính toán lại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo các Bộ, ngành cần quan tâm hơn đến Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác |
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: Năm 2013 được xem là năm bản lề, then chốt của kế hoạch 5 năm. Vì thế, thời gian tới, tỉnh Gia Lai phải cố gắng hơn nữa, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra; đồng thời rà soát, đánh giá lại những gì đã thực hiện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm.
Song song với điều đó, Gia Lai cần phát huy thế mạnh của mình về sản xuất nông-lâm nghiệp, tích cực đầu tư theo chiều sâu, vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng lớn, đem lại năng suất và hiệu quả cao; từng bước xóa đói giảm nghèo để phát triển bền vững. Tỉnh cũng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho hộ sản xuất-kinh doanh và từng hộ gia đình về tiếp cận tín dụng, hàng tồn kho, nợ xấu... nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh và ổn định kinh tế. Trung ương cũng sẽ cố gắng đưa ra những chính sách vĩ mô phù hợp để hỗ trợ các địa phương nói chung và Gia Lai nói riêng giải quyết vấn đề này.
Hồng Thi