Chư A Thai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện với phần đông là đồng bào Jrai sinh sống. Mặc dù theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là trụ cột trong gia đình nhưng có một thời gian dài, chị em ít khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Chính vì vậy, việc triển khai các phong trào, cuộc vận động của Hội Phụ nữ gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Chư A Thai tìm cách đa dạng hóa mô hình tập hợp phụ nữ theo nhu cầu, sở thích, lứa tuổi nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng của mỗi người trên từng lĩnh vực, để các chị thấy được lợi ích mà tự nguyện tham gia sinh hoạt Hội. Năm 2022, Hội kết nạp trên 60 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn xã lên 815 người, chiếm 73% phụ nữ.
Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ làng đồng bào DTTS nuôi heo đất tiết kiệm” tại làng Ơi và làng Ring Đáp. Ảnh: Vũ Chi |
Năm 2023, thực hiện chủ đề công tác năm “Xây dựng chi hội phụ nữ vùng đồng bào DTTS vững mạnh”, Hội LHPN xã Chư A Thai chọn Chi hội làng Pông làm điểm để triển khai thực hiện. Mục tiêu là giúp hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với tổ chức sinh hoạt chuyên đề, Ban Chấp hành Hội LHPN xã trực tiếp xuống cơ sở cầm tay chỉ việc cho chị em. Chỉ riêng tháng 3, Hội đã hỗ trợ giống, kỹ thuật giúp chị em Chi hội làng Pông trồng 14 vườn rau xanh. Chị Đinh Thị Rét-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pông-cho biết: “Nhờ được hướng dẫn, chị em trong thôn đã biết trồng rau xanh tại nhà, không chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình mà còn tạo cảnh quan sân vườn xanh-sạch-đẹp và tăng thu nhập khi cung ứng cho thị trường”.
Cùng với đó, Hội LHPN xã Chư A Thai còn trao tặng chị Kpă HTem (hội viên phụ nữ nghèo của làng Pông) mô hình sinh kế gồm 40 con gà lai chọi kèm theo cám, vắc xin phòng bệnh để phát triển kinh tế gia đình. Không giấu được niềm vui, chị HTem bộc bạch: “Được Hội LHPN xã hỗ trợ con giống, lại mua sẵn thức ăn, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gà, tôi mừng lắm. Tôi sẽ chăm sóc đàn gà thật tốt để chúng phát triển khỏe mạnh, mang lại thu nhập, giúp gia đình cải thiện cuộc sống”.
Theo chị Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã, cùng với việc duy trì mô hình “Kho thóc tình thương”, Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em khôi phục một số nghề truyền thống. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tìm đầu ra cho các sản phẩm nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em. Với 4 chi hội đồng bào DTTS còn lại, Hội sẽ căn cứ vào thế mạnh của từng chi hội để triển khai cách làm hiệu quả.
Hội LHPN xã Ayun Hạ có 2 chi hội phụ nữ DTTS là Plei Ơi và Plei Ring Đáp. Xác định chỉ có chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm mới giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững, vừa qua, Hội LHPN xã đã ra mắt mô hình “Phụ nữ làng đồng bào DTTS nuôi heo đất tiết kiệm” gồm 20 thành viên là hội viên phụ nữ làng Ơi và làng Ring Đáp. Chị Ksor HUét được bầu làm Chủ nhiệm mô hình. Ngay tại lễ ra mắt, Hội LHPN xã đã trao 20 con heo đất cho các chị tham gia mô hình và “mở hàng” đóng góp vào mỗi con heo 50.000 đồng.
Hội LHPN xã Chư A Thai tặng mô hình sinh kế cho chị Kpă H’Tem (đứng giữa, hội viên phụ nữ nghèo thôn Plei Pông). Ảnh Vũ Chi |
Chị Phạm Thị Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã Ayun Hạ-vui mừng cho biết: Trước đây, bà con mình chưa biết cách tiết kiệm, làm bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu nên thường xuyên phải đi vay mượn với lãi suất cao, nông sản sau khi thu hoạch bị thương lái ép giá để gán nợ. Mục đích của mô hình nuôi heo đất tiết kiệm là giúp chị em biết lên kế hoạch cho việc chi tiêu trong gia đình, biết dành dụm. Mỗi năm tổ chức tổng kết mô hình nuôi heo đất một lần, các chị có thể sử dụng nguồn kinh phí này vào những việc làm thiết thực như: mua bảo hiểm y tế, mua đồ dùng học tập cho con cái hay sắm sửa vật dụng trong gia đình.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Kim Cúc-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện-cho hay: Thực hiện chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở và xây dựng chi hội vùng DTTS”, Hội đã trao 56 cặp tài liệu cho các chi hội trưởng tại 10 cơ sở Hội trong toàn huyện nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần có.
Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội hướng về cơ sở bằng cách “Hàng tuần 3 ngày làm việc cơ quan, 2 ngày đi cơ sở” để cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo. Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, các đơn vị thành lập mô hình, câu lạc bộ nhằm giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, để Hội phụ nữ là địa chỉ tin cậy, là nơi để chị em gắn kết và khẳng định bản thân. Đó cũng là tiền đề duy trì và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.