Phụ nữ Pờ Tó đoàn kết giúp nhau thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Chi hội Phụ nữ thôn 1 (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã có những việc làm thiết thực nhằm giúp chị em từng bước thoát nghèo và đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Chi hội Phụ nữ thôn 1 có 327 hội viên, trong đó có trên 70% hội viên là người Bahnar. Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, Chi hội đã triển khai mô hình gây quỹ bằng hình thức lao động tập thể với 20 thành viên tham gia, chia thành 2 nhóm.
Chị Nguyễn Thị Dung-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1-cho biết: Chị em trong nhóm tập trung nhau lại cùng nhận cắt lúa, làm cỏ, nhổ mì, chặt mía… 50% tiền công thu được dùng để giúp đỡ hội viên khó khăn, phần còn lại chia đều cho mỗi thành viên để trang trải chi phí trong gia đình. Nhóm cũng thường xuyên hỗ trợ ngày công cho các chị em neo đơn, bệnh tật. Sau 4 năm thành lập, quỹ nhóm lên đến 33 triệu đồng, hỗ trợ cho 11 chị có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong nhóm vay không tính lãi.
Gia đình chị Đinh H’Loan thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng chị có 7 sào đất rẫy nhưng vì đất đồi cằn cỗi nên năng suất cây trồng chẳng đáng là bao. Năm 2017, được vay 3 triệu đồng từ quỹ lao động tập thể của chị em trong Chi hội, chị đầu tư mua 2.000 cây bạch đàn về trồng.
“Được chị em trong Chi hội hỗ trợ, hướng dẫn mua cây giống, vợ chồng mình mừng lắm. Bây giờ, ngoài thời gian đi làm thuê, vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc vườn bạch đàn. Hy vọng năm tới sẽ cho thu hoạch, giúp gia đình thoát nghèo”-chị H’Loan chia sẻ.
Phụ nữ thôn 1 (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) lao động để gây quỹ. Ảnh: Nguyên Hương
Phụ nữ thôn 1 (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) lao động để gây quỹ. Ảnh: Nguyên Hương
Thực hiện phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, 15 chị trong Chi hội nhận giúp đỡ 6 chị bằng các hình thức như cho mượn tiền, cho mượn đất gieo trồng, hỗ trợ cây-con giống. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Lan cho chị Đinh H’Như mượn 3 sào đất để trồng mì từ năm 2018 đến nay. Chị H’Như bộc bạch: “Nhà mình không có đất sản xuất, phải đi làm thuê quanh năm. Được chị Lan cho mượn đất 3 năm nay, mình biết ơn lắm. Cả gia đình đều bảo nhau cố gắng làm ăn để sớm trả lại đất cho chị Lan”.
Qua các mô hình thiết thực, năm 2020, Chi hội có 7 hộ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 64 hộ.
Đảm bảo an sinh xã hội
Bên cạnh việc hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, các thành viên Chi hội còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tương thân tương ái. Chi hội vận động các chị đóng góp hơn 3 triệu đồng để cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xây 1 căn nhà “Mái ấm tình thương” tặng hội viên, phụ nữ nghèo; vận động quyên góp để hỗ trợ 230 kg gạo, 80 bộ quần áo cho 10 hội viên, phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Đặc biệt, đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chi hội đã vận động chị em tham gia nấu ăn tại các khu cách ly y tế tập trung và ủng hộ nhu yếu phẩm cho các gác chốt chặn phòng-chống dịch với số tiền trên 15 triệu đồng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang rộng hơn 70 m2, bà Trần Thị Nhài phấn khởi cho biết: “Năm 2019, căn nhà tranh vách đất của tôi bị mưa bão làm sập. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ 15 triệu đồng, Chi hội Phụ nữ thôn hỗ trợ 3 triệu, cùng với số tiền tích góp và vay thêm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi đã xây được căn nhà mới trị giá trên 100 triệu đồng. Trong quá trình thi công, chị em còn hỗ trợ thêm ngày công. Chồng mất, các con đều đã lập gia đình ở xa nên nhiều việc chị em xóm làng giúp đỡ, tôi biết ơn nhiều lắm”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lam (bìa trái, thôn 1, xã Pờ Tó) đang xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: Vũ Chi
Gia đình chị Nguyễn Thị Lam (bìa trái, thôn 1, xã Pờ Tó) đang xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: Vũ Chi
Chị Nguyễn Thị Lam là điển hình trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi được Chi hội giúp đỡ. Là hộ nghèo, năm 2015, được Chi hội giới thiệu, chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 1 con bò đực 3B về làm giống, cải thiện chất lượng đàn bò của gia đình. Năm 2020, từ nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của huyện, chị tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Chị chia sẻ: “Nhờ các nguồn vốn của Nhà nước, gia đình tôi vừa phát triển kinh tế lại có nguồn nước, công trình phụ hợp vệ sinh. Vợ chồng, con cái cũng yên tâm hơn về sức khỏe”.
Trao đổi với P.V, bà Lương Thị Hảo Yến-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pờ Tó-cho biết: Chi hội Phụ nữ thôn 1 là tập thể điển hình trong học tập và làm theo lời Bác. Bằng những cách làm hay, thiết thực, Chi hội góp phần nâng cao ý thức của chị em trong tham gia bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan nông thôn. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau thoát nghèo và đóng góp hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với những kết quả đã đạt được, Chi hội Phụ nữ thôn 1 nhiều lần được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, Chi hội được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.
NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.