Phụ huynh bức xúc vì các khoản thu đầu năm học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong đơn gửi Báo Gia Lai, một số phụ huynh cho rằng Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) và Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) lợi dụng việc xã hội hóa giáo dục để buộc cha mẹ học sinh phải đóng một số khoản thu ngoài quy định đầu năm học 2023-2024.

Theo đơn phản ánh, vào đầu năm học mới có nhiều khoản thu phải nộp cho nhà trường nhưng phụ huynh lại nắm bắt rất ít thông tin cụ thể. Giáo viên chủ nhiệm chỉ cung cấp một danh sách in sẵn hoặc ghi trên bảng về các khoản tiền phải nộp. Trong số đó, một số khoản thu không đúng theo quy định; khoản đóng góp tự nguyện nhưng nhà trường lại “cào bằng” định mức thu cho tất cả học sinh khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Cụ thể, năm học 2023-2024, Trường THPT Quang Trung triển khai thu các khoản của học sinh khối 10 gồm: học phí 1.035.000 đồng/9 tháng; bảo hiểm y tế 680.400 đồng/năm; bảo hiểm thân thể 100 ngàn đồng/năm; sổ điểm điện tử 60 ngàn đồng/9 tháng; ghế ngồi chào cờ 35 ngàn đồng/9 tháng; giấy kiểm tra 80 ngàn đồng/9 tháng; nước uống 45 ngàn đồng/9 tháng; tiền thuê lao động vệ sinh 63 ngàn đồng/9 tháng; tiền gửi xe đạp 135 ngàn đồng/9 tháng và tiền gửi xe đạp điện, xe máy 315 ngàn đồng/9 tháng; tiền học thể thao tự chọn đối với môn bơi lội 10 ngàn đồng/tiết, môn bóng đá 2 ngàn đồng/tiết; tiền hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 200 ngàn đồng/tiết. Ngoài ra còn có các khoản thu khác như: đồng phục truyền thống, đồng phục thể thao, tiền quỹ lớp...

Phụ huynh bức xúc vì một số khoản thu đầu năm học tại Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê). Ảnh: A.P

Phụ huynh bức xúc vì một số khoản thu đầu năm học tại Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê). Ảnh: A.P

Ngoài các khoản thu tương tự như Trường THPT Quang Trung, Trường THPT Hà Huy Tập còn thu của học sinh một số khoản như: tiền mua rèm cửa 70 ngàn đồng/9 tháng; tiền quỹ hội (khen thưởng) 150 ngàn đồng/9 tháng; tiền xã hội hóa 90 ngàn đồng/9 tháng… Điều đáng nói là ngôi trường này đứng chân tại vùng khó khăn với nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

Phụ huynh cũng đặt ra nghi vấn, thắc mắc về tiền nước uống, tiền thuê lao động vệ sinh, tạp vụ… và bức xúc khi nhà trường không công khai minh bạch, không sao kê cho học sinh và phụ huynh được biết.

Để xác minh nội dung phản ánh của phụ huynh học sinh, P.V Báo Gia Lai đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo 2 trường. Thầy Đào Duy Lực-Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung-cho biết: Căn cứ công văn hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về triển khai các khoản thu năm học 2023-2024 và nghiên cứu các quy định của Nhà nước liên quan, nhà trường đã xây dựng văn bản hướng dẫn thu các khoản cũng như quy định xét miễn, giảm và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; đồng thời, triển khai cho giáo viên chủ nhiệm phổ biến đến từng phụ huynh học sinh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.

“Các khoản thu theo quy định của Nhà nước, nhà trường thu theo Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 7-7-2023 của HĐND tỉnh; xét miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ; thu tiền trông giữ xe đạp, xe máy theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 31-7-2018 của UBND tỉnh. Các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục được thực hiện theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh. Riêng tiền trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường, tiền dạy môn thể thao tự chọn, nhà trường chỉ thu nếu có tổ chức”-thầy Lực thông tin.

Liên quan đến thắc mắc của phụ huynh về khoản tiền trông giữ xe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung giải thích thêm: “Vì nhà trường có khuôn viên rộng, ngoài 1 bảo vệ hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường phải hợp đồng thêm 1 người trông giữ xe. Và khoản tiền thu được sẽ chi trả công cho người trông giữ xe này”.

Còn thầy Phạm Hữu Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập thì cho hay: Năm học 2023-2024, toàn trường có 1.054 học sinh với 23 lớp. Trong đó, khối 10 có 234 học sinh, khối 11 có 263 học sinh và khối 12 có 267 học sinh; học sinh dân tộc thiểu số chiếm 48,8%. Ngày 17-9, nhà trường tổ chức cuộc họp phụ huynh đầu năm. Bên cạnh thông báo tình hình chung, nhà trường cũng phổ biến cho phụ huynh biết các khoản thu đầu năm học theo quy định và một số khoản thu khác như: tiền giữ xe đạp 15 ngàn đồng/tháng/học sinh, tiền giữ xe máy 35 ngàn đồng/tháng/học sinh; tiền ghế ngồi 30 ngàn đồng/học sinh/3 năm học (chỉ áp dụng với học sinh khối 10); giấy thi 77 ngàn đồng/năm/học sinh; tiền vệ sinh 7 ngàn đồng/tháng/học sinh. Theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh, nhà trường không thu các khoản: dịch vụ dạy học tăng cường đối với học sinh học môn học giáo dục phổ thông; dạy học tiếng nước ngoài; dạy các môn tự chọn; chi phí phát sinh tổ chức hoạt động trải nghiệm; tiền nước uống (vì trường đã được trang bị hệ thống nước lọc RO).

Ông Phạm Hữu Hùng-Hiệu Trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) giới thiệu chiếc ti vi được nhà trường mua nợ. Ảnh: An Phát

Ông Phạm Hữu Hùng-Hiệu Trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) giới thiệu chiếc ti vi được nhà trường mua nợ. Ảnh: An Phát

Cũng theo thầy Hùng, nhằm phục vụ cho việc học tập của học sinh được tốt hơn, nhà trường kêu gọi phụ huynh hỗ trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT để mua ti vi lắp đặt tại 2 phòng học; may rèm cửa cho 4 phòng học thuộc khối 10 vì sau nhiều năm sử dụng bị hư hỏng, rách nát; quỹ hội phụ huynh phục vụ các hoạt động khen thưởng học sinh khá, giỏi vào học kỳ I và cuối năm học. Đối với các khoản tiền đóng góp này, nhà trường đều miễn, giảm cho tất cả học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Sau khi có ý kiến phản ánh của phụ huynh và chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhà trường đã ra văn bản thu hồi và chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm không thu tiền vận động mua rèm cửa, ti vi và tiền quỹ hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác dạy và học theo chương trình mới, ngay sau buổi họp phụ huynh ngày 17-9, nhà trường đã mua nợ 2 chiếc ti vi với số tiền 34,06 triệu đồng để lắp đặt tại 2 phòng học. Hiện nhà trường cũng chưa biết tìm khoản nào để bù đắp vào chi phí mua sắm này”-thầy Hùng nói.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GD-ĐT đã yêu cầu Trường THPT Hà Huy Tập báo cáo làm rõ. Sở cũng đã có công văn đề nghị nhà trường thực hiện nghiêm túc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong năm học 2023-2024 tại Công văn số 2395/SGDĐT-KHTC ngày 12-9-2023, ban hành văn bản thu hồi nội dung đã triển khai về các khoản thu không đúng quy định; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc tổ chức thực hiện chưa đúng quy định. Đến nay, nhà trường đã thực hiện nghiêm các nội dung này. Riêng đối với Trường THPT Quang Trung, Sở GD-ĐT vừa nhận được đơn phản ánh từ phụ huynh học sinh và yêu cầu nhà trường báo cáo tình hình cũng như nghiêm túc thực hiện các khoản thu theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 2395/SGDĐT-KHTC.

“Lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu Thanh tra Sở thành lập đoàn kiểm tra để xác minh, làm rõ sự việc tại Trường THPT Hà Huy Tập và Trường THPT Quang Trung. Ngoài ra, đoàn cũng sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại một số cơ sở giáo dục khác ở cả vùng thuận lợi lẫn vùng khó khăn để nhắc nhở và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nếu có sai phạm; kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, gây bức xúc trong học sinh và phụ huynh”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Chú trọng nâng cao ý thức phòng-chống cháy nổ trong trường học

Chú trọng nâng cao ý thức phòng-chống cháy nổ trong trường học

(GLO)- Để phòng ngừa cháy nổ, các trường THPT trên địa bàn thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư lắp đặt thiết bị, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định và tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy nổ xảy ra cho đội ngũ giáo viên và học sinh.

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.