Phổ biến, giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 năm (2017-2021), các địa phương trong tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Nhiều cách làm hay

Đại úy Đinh H'Míp-Trưởng Công an xã Yang Trung (huyện Kông Chro) cho biết: “Chúng tôi tham mưu giúp xã triển khai mô hình “Làng tự quản gắn chốt an ninh trật tự” ở làng Tơ Nang và Hle Hlang từ trước năm 2017. Từ đó đến nay, tình hình an ninh trật tự ở 2 làng được đảm bảo, các vụ vi phạm pháp luật xảy ra rất ít, người dân yên tâm hơn”.

Mô hình tiếng kẻng an ninh của cựu chiến binh xã Ia Drăng (huyện Chư Prông). Ảnh: Thiên DI
Mô hình "Tiếng kẻng an ninh" của Hội Cựu chiến binh xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) hoạt động rất hiệu quả. Ảnh: Thiên Di


Kông Chro là điểm sáng của tỉnh trong việc triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020” với 3 mô hình hoạt động rất hiệu quả ở 14 xã, thị trấn. Nổi bật là các mô hình: “Làng tự quản gắn chốt an ninh trật tự”, “Camera an ninh”, “Tiếng loa giao thông”. Ngoài ra, huyện còn thành lập 37 câu lạc bộ pháp luật với 333 thành viên; tổ chức 2.043 buổi tuyên truyền về các chính sách, phổ biến pháp luật cho hơn 142 ngàn lượt người; phát 2.050 tờ rơi tuyên truyền bình đẳng giới. Ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: “Những năm qua, huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án này. Nhờ vậy, hiệu quả mang lại rất thiết thực, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, việc thực hiện đề án giúp người DTTS trên địa bàn nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Tương tự, huyện Chư Prông cũng được đánh giá cao trong việc triển khai đề án này. Ông Lê Nhật Trường An-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho hay: “Công tác phổ biến pháp luật đã từng bước nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, nhất là các xã khu vực biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đơn cử như việc đẩy lùi nạn tảo hôn trong vùng DTTS”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Để đánh giá về hiệu quả cũng như hạn chế của việc triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020”, mới đây, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã làm việc với Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành và các huyện Kông Chro, Mang Yang, Chư Prông. Qua các buổi làm việc, đoàn giám sát đánh giá cao kết quả triển khai đề án ở các đơn vị. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một số hạn chế. Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho rằng: “Do điều kiện vị trí địa lý, đặc điểm dân số nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp không ít khó khăn. Một bộ phận người DTTS chưa được tiếp cận đầy đủ chính sách, pháp luật, từ đó dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi còn tồn tại các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vấn nạn tự tử, truyền đạo trái pháp luật, vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Đặc biệt, thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh-thiếu niên DTTS có dấu hiệu gia tăng”.

 Huyện Đak Pơ tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật. Ảnh: T.D
Huyện Đak Pơ tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Thiên Di


Bên cạnh đó, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Ông Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy Mang Yang, thành viên đoàn giám sát rất băn khoăn về các tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng 3 thứ tiếng Việt, Bahnar, Jrai được cấp phát miễn phí trong thời gian qua. “Qua thực tế ở Mang Yang và một vài huyện khác, tôi nhận thấy không ít người dân gặp khó với các tài liệu tuyên truyền pháp luật này. Nguyên nhân là cùng một dân tộc nhưng cách đọc, viết và nói ở các địa phương trong tỉnh lại khác nhau nên người dân không hiểu, không đọc được nhiều loại tài liệu tuyên truyền. Tôi đề nghị cần có sự điều chỉnh đối với việc này”-ông Hiệp nêu ý kiến.

Kết thúc đợt giám sát việc thực hiện đề án này, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đinh Thị Giang đánh giá cao kết quả mà các đơn vị, địa phương đã đạt được trong 5 năm qua. “Đến nay, Đề án giai đoạn 2017-2021 đã kết thúc nhưng hiệu quả đạt được rất thiết thực. Vì thế, tôi đề nghị Ban Dân tộc, các sở, ngành, địa phương cần lưu tâm phân bổ kinh phí và triển khai các hoạt động khác nhằm duy trì hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người DTTS”-bà Giang cho biết.

 

THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.