Tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân biên giới: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực. Từ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân không ngừng được nâng cao. 
Địa bàn biên giới tỉnh ta hiện có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện (Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông). Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện Đề án nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Tranh thủ lúc sáng sớm hay chiều muộn, cán bộ, chiến sĩ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) đến từng nhà dân ở làng Bua (xã Ia Pnôn) để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật, quy chế bảo vệ biên giới và tích cực phòng-chống dịch Covid-19. Cùng tham gia với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng còn có già làng Rơ Châm Trom. Già Trom cho hay: “Làng Bua có 444 hộ với hơn 1.900 khẩu. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng cán bộ xã thường đến từng hộ để tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, các tổ hòa giải, câu lạc bộ tư vấn pháp luật cũng kịp thời hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc nên ý thức chấp hành pháp luật của dân làng được nâng cao, bà con chăm lo lao động sản xuất và bảo vệ biên giới”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) trao đổi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) trao đổi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Với phương châm hướng về cơ sở, dựa vào dân, nghe dân nói, những cán bộ Biên phòng và đội ngũ tuyên truyền, phổ biến giáo dục của các địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền được 9.685 buổi thu hút 99 ngàn lượt người nghe. Trong đó, tuyên truyền tập trung được 902 buổi, thu hút hơn 56 ngàn lượt người nghe; tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh xã hơn 1 ngàn lần với thời lượng hơn 15 ngàn phút. Cùng với đó, các đơn vị cũng sử dụng hệ thống loa để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, đặc biệt là phòng-chống dịch Covid-19 và tố giác hành vi xuất nhập cảnh trái phép.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, 7 xã biên giới đã thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật và 96 tổ hòa giải. Hội Liên hiệp phụ nữ các xã cũng thành lập và duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ như: “Phòng-chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, “Phụ nữ tự quản đường biên”, “Phụ nữ với pháp luật” nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ và người dân trên biên giới.
Trao đổi với P.V về hiệu quả của Đề án, ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-nhận xét: Từ khi thực hiện Đề án, tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới giảm đáng kể, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tranh chấp đất đai, khiếu kiện... Việc thực hiện Đề án cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, nhận thức về pháp luật được nâng lên, đời sống của người dân đã được cải thiện, nhiều hộ nghèo nay đã vươn lên khá và giàu.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía là lực lượng đoàn viên thành niên tuyên truyền về phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) chuẩn bị đi tuyên truyền cho người dân về phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đặc biệt, thông qua Đề án, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã sáng tạo thực hiện mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” vào thứ ba hàng tuần. Theo đó, các đơn vị dành 40-60 phút để tìm hiểu, thảo luận, trả lời các câu hỏi của tổ tư vấn chính trị, pháp luật cấp tỉnh gửi đến. Từ tháng 9-2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã duy trì được 615 buổi thảo luận, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ.
Thượng tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án-cho biết: “Trong giai đoạn 2017-2021, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo địa phương, cơ quan, đơn vị đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền; tập trung đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện đời sống, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân ở khu vực biên giới. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và người dân trên địa bàn biên giới được nâng lên, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển”.

Từ năm 2017 đến nay, quần chúng nhân dân trên tuyến biên giới cung cấp cho lực lượng chức năng 3.726 tin tố giác tội phạm. Qua đó, Bộ đội Biên phòng đã khởi tố 10 vụ án hình sự với 13 bị can; xử lý vi phạm hành chính 238 vụ với 601 đối tượng, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng, cảnh cáo 73 đối tượng; tịch thu tang vật, phương tiện bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước hơn 430 triệu đồng; chuyển các lực lượng chức năng điều tra, xử lý 167 vụ với 206 đối tượng.

VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.