Phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông trong thanh-thiếu niên: Giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh-thiếu niên luôn được các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai quan tâm triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt. Qua đó, đại bộ phận người dân đã nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao thông.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế và kéo giảm. Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, số người chết vẫn ở mức cao, các vụ tai nạn liên quan đến đối tượng thanh-thiếu niên còn nhiều (chiếm hơn 40% tổng số vụ). Tình trạng người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra còn phổ biến. Đặc biệt là thanh-thiếu niên điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chạy tốc độ cao gây ra những vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Công an huyện Chư Sê phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông công an tỉnh tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho thanh, thiếu niên xã Ia Ko
Công an huyện Chư Sê phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ cho thanh, thiếu niên xã Ia Ko. Ảnh Công an huyện Chư Sê cung cấp.

6 tháng đầu năm nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương tổ chức hơn 900 lượt tuyên truyền về TTATGT; gọi hỏi răn đe gần 5.000 thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT; rà soát, lập danh sách hơn 6.100 trường hợp thanh-thiếu niên tại 279 thôn, làng (76 xã, phường, thị trấn) đủ tuổi nhưng chưa có giấy phép lái xe để kiến nghị ngành Giao thông-Vận tải có phương án tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Điển hình như vụ TNGT xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 26-6 trên quốc lộ 25 đoạn qua xã Ia Pal, huyện Chư Sê. Thời điểm trên, Siu Quên (SN 2003, trú tại làng Queng Mép, xã Dun) điều khiển xe máy BKS 81P4-3775 lưu thông trên quốc lộ 25 theo hướng từ huyện Chư Sê đi Phú Thiện. Khi đến vị trí trên đã va chạm với xe máy BKS 81D6-000.71 do anh Phạm Văn Tuấn Anh (SN 1992) điều khiển chở theo vợ là chị Vũ Thị Ngọc Minh (SN 1992, trú tại thị trấn Chư Sê). Vụi tai nạn khiến anh Tuấn Anh và chị Minh tử vong để lại 3 con nhỏ. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, Siu Quên điều khiển xe không có giấy phép lái xe, có nồng độ cồn trong hơi thở ở mức cao (0,98 miligam/lít khí thở). Là người trực tiếp gây ra vụ tai nạn đau lòng trên, trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Siu Quên được mời đến buổi tuyên truyền về an toàn giao thông do Công an huyện Chư Sê phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tổ chức vào tối 29-6 tại làng Queng Mép với sự tham gia của 250 người dân. Tại đây, Siu Quên đã xin lỗi gia đình nạn nhân, cha mẹ và dân làng vì điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia nên mới gây ra hậu quả đau lòng. Tuy nhiên, sự hối hận của Siu Quên đã quá muộn màng.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Chư Sê) cho hay: Để ngăn chặn tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm các quy định về an toàn giao thông, Công an huyện đã có kế hoạch về đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; gọi hỏi, răn đe, buộc ký cam kết đối với các thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, lực lượng Công an huyện, xã phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín tuyên truyền, vận động, giáo dục cá biệt để thanh-thiếu niên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Là một trong những địa phương có số người chết và bị thương do TNGT tăng cao, ông Trần Hưng Nghiệp-Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông huyện Đak Đoa-thông tin: Tai nạn giao thông trên địa bàn huyện tăng cao có một phần nguyên nhân trực tiếp là do các đối tượng thanh-thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách đánh võng, uống rượu bia, vi phạm các quy định về TTATGT. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thanh-thiếu niên điều khiển xe máy gây TNGT trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện chiếm 47% trên tổng số vụ, làm chết 6 người và làm bị thương 11 người. Đây là con số đáng báo động. “Thời gian tới, Ban An toàn giao thông huyện đề nghị Công an huyện, Huyện Đoàn, Ban An toàn giao thông các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền trong thanh-thiếu niên; gọi hỏi, răn đe những đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đưa ra kiểm điểm, phê bình ở khu dân cư”-ông Nghiệp nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-cho biết: Chúng tôi đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trong thanh-thiếu niên. Đây là giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền, vận động thanh-thiếu niên cá biệt, thường xuyên vi phạm TTATGT. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tập trung xử lý trách nhiệm của cá nhân giao mô tô, xe gắn máy cho thanh-thiếu niên điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Cùng với đó, chính quyền các địa phương tích cực phối hợp với gia đình nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông. Tăng cường công tác rà soát số thanh-thiếu niên đủ tuổi nhưng chưa có giấy phép lái xe để vận động, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, kiềm chế và kéo giảm TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên.

 

 LÊ ANH

 

Có thể bạn quan tâm