Phiên tòa vụ Mobifone –AVG và những chi tiết chưa từng diễn ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phiên xử vụ Mobifone –AVG với bị cáo Nguyễn Bắc Son và 13 bị cáo, trong 6 ngày xét hỏi và tranh luận (hiện tòa đang nghỉ nghị án) đã có những chi tiết rất đáng chú ý, có chi tiết chưa từng diễn ra, có chi tiết rất hiếm gặp ở các phiên tòa trước đó.
 
Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại tòa (ảnh TTXVN).
1. Hội đồng xét xử tạm nghỉ 1 ngày để tạo điều kiện cho bị cáo gặp gia đình: Trong quá trình xét hỏi, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ ý nguyện được gặp gia đình để có ý kiến giúp ông khắc phục hậu quả (số tiền 3 triệu USD đã nhận từ Phạm Nhật Vũ). Ngày 19/12, Hội đồng xét xử đã tạm nghỉ 1 ngày để tạo điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Son được gặp gia đình để có ý kiến về khắc phục hậu quả. Trong ngày 19/12, gia đình ông Son đã gặp gỡ ông tại trại tạm giam T16 Bộ Công an.
2. Nộp khắc phục hậu quả khi đang xét xử: Trường hợp gia đình ông Nguyễn Bắc Son nộp 21 tỷ đồng (tính đến ngày 23/12, số phải khắc phục gần 66,5 tỷ đồng) khi phiên tòa xét xử đang diễn ra là điều rất hiếm gặp. Ở các vụ án liên quan đến việc nộp tiền khắc phục cho Nhà nước với khoản đã chiếm đoạt trước đó, thông thường gia đình các bị cáo nộp trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra hoặc nộp trước phiên tòa phúc thẩm.
3. Bị cáo nằm bệnh viện trong những ngày xét xử: Đó là trường hợp của bị cáo Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của AVG. Do sức khỏe yếu nên bị cáo này chỉ xuất hiện tại tòa 2 ngày, thời gian tiếp đó ông nằm bệnh viện. Do đó bị cáo này đã không có lời tự bào chữa trước tòa cũng như lời nói sau cùng khi tòa vào nghị án.
4. Nhiều tổ chức xin cho Phạm Nhật Vũ được hưởng khoan hồng: Trong quá trình bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, luật sư của ông này cho biết đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho bị cáo Vũ.
Các tổ chức, cá nhân có đơn xin khoan hồng có thể nói đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ nhiều địa phương; ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010); ông Konstantin Vasilievich Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Atkov Oleg Yurevich - Phi công vũ trụ, Giáo sư, Anh hùng Liên bang Xô-Viết; Thượng toạ, Tiến sỹ Manor Kumar - phó Trụ trì Thánh tích Bồ đề đạo tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn độ; Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi - nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản...
Đây là điều chưa bao giờ diễn ra đối với một bị cáo tại một phiên tòa. Gia đình bị cáo Phạm Nhật Vũ đưa các giấy tờ xác nhận ông đã làm từ thiện trong nhiều năm qua với số tiền 1.300 tỷ đồng. Luật sư cũng đưa ra 10 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Vũ. Có thể nói bị cáo này là trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất khi bị truy tố ra tòa.
5. Xin luật sư không tranh luận cho mình: Trước khi diễn ra phần tranh luận, ông Nguyễn Bắc Son đã nói “Tội tội đã nhận (Nhận hối lộ -PV) không cần luật sư bào chữa nữa”. Do ông bị truy tố vào tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình nên Hội đồng xét xử đã đề nghị luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Bắc Son.
Khi các luật sư của ông Son tranh luận cho ông ở tội danh Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, ở phần bị quy là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, trước khi đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lai, ông Son đã nhận là người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án Mobifone mua AVG. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính vì việc đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng và xin luật sư không tranh luận về chi tiết này.
PVCT (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.