Phiên tòa giả định góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Đoàn Ia Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Chi Đoàn Viện kiểm sát-Tòa án nhân dân huyện vừa tổ chức phiên tòa giả định “Xét xử vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Phiên tòa là lời cảnh tỉnh với tất cả những ai có ý định lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy.
Anh Hoàng Tuấn Linh-Bí thư Huyện Đoàn Ia Pa-cho biết: Thời gian gần đây, việc khai thác, chặt phá rừng tự nhiên diễn ra khá phức tạp. Vì vậy, Huyện Đoàn phối hợp tổ chức phiên tòa giả định nhằm răn đe, cảnh tỉnh những ai có ý định xâm hại tài nguyên rừng.
Theo kịch bản, bị can đưa ra xét xử là K.T. (SN 1992, làng Blôm, xã Kim Tân). Vào cuối năm 2019, T. đã tự ý đi vào rừng tại vị trí các lô: 5, 6, 7, khoảnh 3, tiểu khu 1183 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý, dùng cưa máy cầm tay cắt hạ toàn bộ cây gỗ các loại như: gụ, căm xe, sến, bằng lăng, cà chít… Sau khi cắt hạ, T. thu gom và đốt cháy toàn bộ số cây trên. Mục đích của T. là lấy đất để trồng mì. Đến tháng 6-2020, khi nghe tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Pa đang điều tra về hành vi hủy hoại rừng tại khu vực tiểu khu 1183, T. đã tự nguyện đến Công an huyện tự thú khai nhận về hành vi phạm tội của mình. 
Theo Bản kết luận giám định của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích rừng bị phá là 7.700 m2, tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ là 25,23 m3, giá trị thiệt hại là 276,84 triệu đồng. Trong đó, thiệt hại về lâm sản là 69,21 triệu đồng, thiệt hại về môi trường rừng là 207,63 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã tạm giữ 1 máy cưa xăng là phương tiện mà T. sử dụng để cắt hạ cây rừng. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung năm 2017, hành vi của K.T. đã phạm tội “Hủy hoại rừng”. Mức án dành cho T. là từ 12 đến 18 tháng tù.
Quang cảnh phiên tòa giả định. Ảnh: Vũ Chi
Quang cảnh phiên tòa giả định. Ảnh: Vũ Chi
Trước khi tòa tuyên án, bị cáo T. đã nhắn nhủ với tất cả dân làng không nên chặt phá rừng bừa bãi, hãy kiếm việc làm ổn định để có thu nhập chính đáng. Bị cáo cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, chăm sóc vợ con. Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt T. 15 tháng tù, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố 276,84 triệu đồng.
Tham dự phiên tòa, Trung sĩ Nay Nam-nhân viên Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an huyện Ia Pa) cho biết: Phần đông dân cư trên địa bàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa ý thức rõ về trách nhiệm bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra. Những phiên tòa giả định như thế này sẽ góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng tới đông đảo bà con. 
Chị Ksor H’Mrơn (buôn Biah B, xã Ia Tul) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình dự một phiên tòa. Tuy chỉ là phiên tòa giả định, nhưng giúp mình hiểu rõ hơn về tác hại của việc khai thác rừng bừa bãi. Mình sẽ tuyên truyền cho bà con trong làng tránh vi phạm và cùng tham gia bảo vệ rừng”.
Theo Bí thư Huyện Đoàn Ia Pa, thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ tài nguyên rừng cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.