Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 26-3-1975 Quân đoàn 3-Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập trên cơ sở khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên. Tuy ra đời vào những tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng các đơn vị hợp thành Quân đoàn đều có lịch sử, truyền thống từ kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là 11 năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên-Khu 5. Vì vậy, chúng ta luôn khẳng định, lịch sử ra đời của Mặt trận Tây Nguyên (B3) ngày 1-5-1964, là điểm khởi thảo của truyền thống Quân đoàn, là dòng chảy không ngừng của lịch sử để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn ghi nhớ, khắc sâu.
 

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” năm 1965 ở miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân và quân chư hầu vào miền Nam. Chúng dùng không quân đánh phá miền Bắc, nhằm hạn chế sự chi viện của hậu phương lớn với chiến trường miền Nam. Tháng 9-1965, Mỹ đưa ngay Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1 lên Tây Nguyên nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực và dập tắt phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân ở địa phương.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”, cán bộ, chiến sĩ các Trung đoàn 66, 33, 320 cùng với quân và dân Tây Nguyên siết chặt đội ngũ với khẩu hiệu: “Tìm Mỹ mà diệt”, “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh” mang sức mạnh của cả dân tộc, của cả Tây Nguyên vào chiến dịch Plei Me lịch sử. Sau hơn 1 tháng chiến đấu dũng cảm, kiên cường quân và dân Tây Nguyên đã đánh bại Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1-“Niềm tự hào của quân đội Hoa Kỳ”. Chiến thắng Plei Me là trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ ở Tây Nguyên, là chiến thắng lập nên kỷ lục đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mỹ.

Sau chiến thắng Plei Me, năm 1966 lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiếp tục giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch Sa Thầy, đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ. Cuối năm 1967, với chiến thắng Đak Tô, chúng ta đã biến chiến dịch “Tìm diệt” của địch thành “Bị diệt”, buộc chúng phải co về thực hiện chiến thuật “Quét và giữ”. Đây là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông Xuân quyết thắng 1967-1968 của miền Nam anh hùng. Chiến công nối tiếp chiến công, cả Tây Nguyên bừng bừng khí thế cách mạng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, muôn người như một không phân biệt già trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo... tất cả đều xông lên diệt Mỹ-Ngụy. Thắng lợi oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh...

 

Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 cứu dân trong cơn bão số 9 (năm 2009). Ảnh: N.A.S
Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 cứu dân trong cơn bão số 9 (năm 2009). Ảnh: N.A.S

Tháng 3-1975, bằng nghệ thuật quân sự, chúng ta đã cắt rời địch thành hai mảng Nam và Bắc Tây Nguyên, cô lập Tây Nguyên với các chiến trường khác, bí mật, bất ngờ tấn công Buôn Ma Thuột, thực hiện đòn điểm huyệt chính xác, làm cho địch choáng váng, bất ngờ; tiếp theo là đòn đánh bồi chí tử trên đường 21 đập tan ý đồ “Tái chiếm” Buôn Ma Thuột của quân ngụy; buộc địch phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên, nhưng không tránh khỏi bị tiêu diệt bằng cuộc truy kích thần kỳ của chúng ta trên đường số 7. Thừa thắng, quân ta tiến xuống đồng bằng trên ba trục đường: số 7, 19 và 21, cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương giải phóng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu 2 của ngụy. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tạo ra bước ngoặt quan trọng tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cũng trong Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, cục diện chiến trường miền Nam thay đổi. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, ngày 26-3-1975 Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 3-Binh đoàn Tây Nguyên, từ những đơn vị chủ lực của Mặt trận B3. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên, đáp ứng đòi hỏi khách quan của yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước thời cơ lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chỉ sau 10 ngày thành lập, Quân đoàn vinh dự nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu Tây Bắc Sài Gòn. Mở đầu chiến dịch, Quân đoàn nhanh chóng tiêu diệt Sư đoàn 25 Ngụy ở Đồng Dù, đập vỡ tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch từ Gò Dầu Hạ tới Củ Chi. Với phương châm tác chiến: “Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, đánh liên tục, nắm chắc thời cơ, đánh thọc sâu, phát triển nhanh”, toàn Quân đoàn hiệp đồng chặt chẽ, xốc tới, quét sạch mọi kháng cự của địch từ Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn, Phú Hòa, thành Quan Năm, trại Quang Trung, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

 

 

Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân đoàn tiếp tục giúp các địa phương vùng giải phóng giữ vững chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân khu vực Sài Gòn-Gia Định, Thủ Dầu Một, Củ Chi. Tháng 6-1976, Quân đoàn về đứng chân ở miền Trung-Tây Nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị tại địa phương và truy quét FULRO.

Đất nước vừa yên tiếng súng, hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, từng bộ phận và sau đó cả đội hình của Quân đoàn cơ động ra biên giới. Quân đoàn đã tổ chức nhiều chiến dịch, đánh hàng trăm trận để bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Từ tháng 9-1985 đến tháng 7-1986, một bộ phận của Quân đoàn mà nòng cốt là Sư đoàn 31 trực tiếp chiến đấu ở Vị Xuyên. Kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, năm 1987 Quân đoàn nhận nhiệm vụ trở lại Tây Nguyên.

Với bao khó khăn, vất vả nhưng được sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng), sự đùm bọc, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống Bộ đội Tây Nguyên, đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đạt được những kết quả đó là nhờ Quân đoàn chú trọng xây dựng vững mạnh về chính trị; cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định Chủ  nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; quán triệt và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó, Quân đoàn tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là về khả năng xử trí những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Coi trọng việc kết hợp giữa huấn luyện quân sự với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật và chấp hành pháp luật.

 

Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu cũng như bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng thưởng: 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 56 Huân chương Quân công và 245 Huân chương Chiến công các hạng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng Co. Trong Quân đoàn có 3 Sư đoàn, 11 Trung (Lữ) đoàn, 35 đơn vị cấp Đại đội, Tiểu đoàn và 35 cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó có 2 Sư đoàn, 4 Trung (Lữ) đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lần thứ hai, 2 Trung đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lần thứ ba trong thời kỳ đổi mới.

Hơn nữa, với thành tích 40 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đoàn tiếp tục tích cực tập trung trí tuệ nâng cao chất lượng huấn luyện; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên để từng bước vượt qua khó khăn bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất-tinh thần cho bộ đội. Tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào lớn trong toàn quân.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố khó lường đang đặt ra cho Quân đội nói chung và Quân đoàn 3 nói riêng những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết, thống nhất, quyết tâm giữ vững Đảng bộ trong sạch vững mạnh; không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đồng thời, tập trung xây dựng Quân đoàn theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xứng đáng 12 chữ vàng “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực”.

Đậu Đình Toàn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.