'Nuôi cò' giữa Biển Đông mới trúng đậm cá lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Mùa trăng vừa rồi, tàu tui bán ba đợt cá, tổng cộng được 750 triệu đồng, "giật" tổn ra còn lãi 400 triệu. Ba chiếc tàu "cò" ngoài Trường Sa đang "nuôi" mấy đàn cá, mấy ổng cứ gọi điện giục ra đánh bắt".
Tàu lưới vây khơi chở gần 20.000 lít dầu, 2.000 cây đá lạnh chuẩn bị rời cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang ra vùng biển Trường Sa - Ảnh: H.LUẬN
Tàu lưới vây khơi chở gần 20.000 lít dầu, 2.000 cây đá lạnh chuẩn bị rời cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang ra vùng biển Trường Sa - Ảnh: H.LUẬN
Chủ tàu và thuyền trưởng Lý Văn Hoàng (thị xã Bồng Sơn, tỉnh Bình Định) mở đầu câu chuyện đầy hứng khởi.
"Mời" cá voi khổng lồ ra khỏi lưới
Anh Hoàng vui vẻ kể thêm: "Hôm nay đã bơm 15.000 lít dầu, mua 2.000 cây đá lạnh, bạn thuyền cũng sắm sửa đầy đủ tổn khô (thuốc lá, nước uống tăng lực, bánh kẹo...). Tối tàu sẽ rời cảng, chạy cật lực 3 ngày 3 đêm tới chỗ tàu cò. Hi vọng chuyến biển này cũng như đợt rồi".
Từ đầu năm đến nay, tàu Hoàng luôn thắng lớn, bí quyết ở chỗ: nuôi 2 chiếc tàu "cò". Tàu "cò" là tên gọi những chiếc tàu đánh cá lưới vây nhỏ, câu cá ngừ đại dương bị thua lỗ, được các chủ tàu lưới vây cỡ lớn bao nuôi trọn chuyến, họ sống chết cùng nhau. 
Nhiệm vụ tàu "cò" ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là ở lại 2 - 3 tháng, thả neo (dù nước Biển Đông sâu, khó thả neo sắt cố định dưới đáy biển). Ban đêm, tàu nổ máy phát điện, thắp sáng giàn bóng đèn cao áp dụ cá về quanh tàu.
"Trước đây, tàu lưới vây đi biển chạy suốt ngày tìm chà (những khúc gỗ trôi giữa biển) là nhà của đàn cá sọc dưa (họ cá ngừ). Làm kiểu này mang tính may rủi, giống đi tìm trầm hương trong rừng sâu. 10 tàu đi biển, khoảng 5 tàu trúng, còn lại lỗ nặng. Gần đây, tàu lưới vây khơi nghĩ ra cách "nuôi cò", dễ trúng đậm" - thuyền trưởng Hoàng kể.
- Biển Đông mênh mông, anh nói "giữ đàn cá" thấy giống như mở lồng bắt gà? - tôi hỏi.
- "Học phí" nghề lưới vây khơi đã nhiều chủ tàu phải trả bằng những căn nhà bị xiết nợ, mới hoàn thiện bí quyết đánh bắt như hiện nay. Cá sọc dưa là loại cá nổi, thích có bóng che, tàu "cò" trôi theo dòng hải lưu, giống như "nhà" chúng. Thấy an toàn, cá bắt đầu gom đàn lớn đến ở.
Đôi khi mất cả tuần tàu mới dẫn dụ, gom được đàn cá khoảng 20 tấn, chỉ cần mấy con cá heo tới "nhảy múa" một lúc, đàn cá chạy tán loạn. 
Thuyền trưởng Hoàng tường thuật: "Nhưng đàn cá sọc dưa đã xác định tàu cò là nhà của nó rồi, vài giờ sau nó sẽ gom đàn trở lại. Có lần tàu tui đã bao vây ban đêm trúng ngài cá voi khổng lồ, ngài thở phun vòi nước cao mấy mét. Nếu thả bung lưới cho ngài bơi ra thì mất toi mấy chục tấn cá. 
Tui khấn vái: 'Xin ngài nằm im đừng phá, để mời ngài ra khỏi lưới cho con làm ăn'. Và ngài nằm im không vẫy vùng, 6 người lặn xuống kéo dây chì lên lần qua đầu ngài. Hì hục mất cả tiếng đồng hồ mới mời ngài ra khỏi lưới, để bắt đàn cá kia".

Cá sọc dưa (họ cá ngừ) - sản phẩm của tàu lưới vây khơi miền Trung - Ảnh: H.LUẬN
Cá sọc dưa (họ cá ngừ) - sản phẩm của tàu lưới vây khơi miền Trung - Ảnh: H.LUẬN
50 tấn cá là số lượng có những mẻ lưới trúng được. Khi đàn cá "phê đèn", thuyền trưởng tăng ga cho tàu chạy vòng tròn, 15 người thả lưới thật nhanh xuống biển, sau đó máy cuốn rút dây chì khóa chặt đàn cá trong lưới.
"Trinh sát đặc nhiệm" mặt nước
Nghề lưới vây khơi hiện đa số là tàu lớn, dài từ 24 - 30m, công suất máy xấp xỉ 1.000 mã lực, còn tàu "cò" dài dưới 20m. 
Biển Đông rộng lớn không ai biết được chính xác chỗ nào có luồng cá. Đội tàu "cò" chuyên nghiệp hàng trăm chiếc phủ ra khắp nơi dò tìm, dẫn dụ cá. 
Tại Khánh Hòa có doanh nghiệp Mười Hạnh hình thành đội tàu đánh cá khép kín: 2 chiếc tàu lưới cỡ lớn, 2 chiếc tàu "cò", một tàu vỏ thép vận tải hậu cần. Cá về cảng, chủ doanh nghiệp trực tiếp phân phối cho các đầu mối nhỏ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
"Hiện nay, số tàu cò lạ khá nhiều, họ không được tàu lưới vây nuôi tổn, tự ra biển chong đèn dẫn dụ cá về tàu mình, rồi lên bộ đàm rao "bán". Kiểm tra sát thực, thuyền trưởng lưới vây mới quyết định có cho tàu chạy tới đánh bắt hay không. Đánh được sản phẩm, ăn chia tiền tươi thóc thật tại chỗ theo tỉ lệ: tàu lưới vây 7 phần, tàu cò 3 phần" - thuyền trưởng Phạm Y, thành phố Nha Trang, tâm sự.
- Tàu "cò" lạ và tàu lưới ở cách xa bao nhiêu hải lý? - tôi hỏi.
- Bao nhiêu hải lý cũng chạy đến, quan trọng là số lượng cá dưới biển họ chào "bán" đạt mấy tấn. Đôi khi ở cách xa 100 hải lý, tàu "cò" nói 10 tấn cá, mình cũng tăng ga chạy một ngày tới.
- Cá dưới biển sâu, bằng cách nào "đếm" được bao nhiêu tấn?
- Cá còn "nhát đèn", nó nằm ở độ sâu 50 - 70m. Trên tàu "cò" có máy dò cá và "trinh sát đặc nhiệm" kinh nghiệm quan sát cá vào ban đêm đang di chuyển, hoặc co cụm quanh tàu. Khi cá "phê đèn", nó sẽ trồi lên cách mặt nước khoảng 20m, "trinh sát đặc nhiệm" chỉ thấy những bóng trắng nhỏ li ti, bơi qua bơi lại là tính ra khoảng số lượng 7 tấn cá, 10 tấn, 20 tấn...
Làm cá "phê đèn" là bí quyết đặc biệt, mấu chốt nhất của nghề lưới vây khơi. Thuyền trưởng phải là người có kinh nghiệm, kết hợp "trinh sát đặc nhiệm" lão luyện sẽ quyết định thắng - thua mỗi chuyến biển.
Thuyền trưởng Phạm Y kể chi tiết: "Ông trinh sát dưới biển báo lên cho thuyền trưởng biết cá chưa phê đèn, đang bơi vô bơi ra nhanh. Lúc này phải bật 100% bóng đèn cao áp sáng rực. Trinh sát thông báo cá đã phê đèn và đếm được lượng cá khoảng mấy tấn. 
Tuyệt đối không tắt điện cái rụp, cá sợ bỏ chạy sạch. Thuyền trưởng phải tắt dần 2 bóng điện, rồi 4 bóng, 6 bóng... Còn lại 4 bóng cuối cùng, thuyền trưởng ra lệnh cho ông phụ trách phần đèn dụ nổi trên mặt nước sáng đèn, cách tàu khoảng mấy chục mét. 
Tất cả bóng đèn trên tàu tắt hẳn, trinh sát nằm dưới đèn dụ theo dõi biến động, thấy cá thật phê đèn, báo lên thuyền trưởng chạy tàu và thả lưới vây trọn đàn cá".
Trong khi đó, thuyền trưởng Tôn Văn Dưỡng (phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) kể thêm: "Tàu mới từ cảng ra đã đánh trúng vài chục tấn cá, mà mấy chiếc tàu cò vẫn đang dẫn dụ cá gom đàn. Tui gọi tàu thu mua của Tiền Giang đến bán tươi giữa biển luôn, giá rẻ hơn nửa so với bán ở bờ. Cân cá xong, ghi số tài khoản vào giấy đưa cho tàu thu mua, họ chuyển tiền cho mình. Làm ăn ngoài biển tin tưởng nhau".

Thuyền trưởng Tôn Văn Dưỡng (Bình Định) kiểm tra 1,6 tấn chì của lưới vây - Ảnh: H.LUẬN
Thuyền trưởng Tôn Văn Dưỡng (Bình Định) kiểm tra 1,6 tấn chì của lưới vây - Ảnh: H.LUẬN
"Lưới vây khơi có kết cấu đường dây phao nổi trên mặt nước, chiều cao (độ sâu) lưới từ 100 - 120m, chiều dài trên 1.000m. Nghề này chỉ hoạt động ở vùng biển khơi xa, có độ sâu từ 500m nước, không vi phạm kích cỡ mắt lưới, vùng biển khai thác... được quy định trong Luật thủy sản.
Các tàu lưới vây khơi đã gắn máy giám sát hành trình, kết nối hệ thống máy chủ của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và chi cục thủy sản các tỉnh. Nhà nước đang khuyến khích ngư dân phát triển nghề lưới vây khơi xa, vừa khai thác hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc" - kỹ sư Võ Khắc Én, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết.
HẢI LUẬN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.