Nước mắt của người đàn ông khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bị tật cận thị từ nhỏ, do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chữa trị nên đến năm 2009, anh Trịnh Việt Hưng (SN 1979, trú tại tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bị mù hẳn. Từ đó đến nay, cuộc sống của anh vô cùng khó khăn. Không có việc làm, lại phải sống cảnh nhà thuê, khoản trợ cấp 405.000 đồng/tháng không đủ giúp anh trang trải cuộc sống. Vậy nên hàng ngày, anh phải đi ăn xin.

 Anh Hưng và em gái tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: H.T
Anh Hưng và em gái tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: H.T

Chúng tôi gặp anh Hưng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi anh đang điều trị bệnh trĩ độ 4, xuất huyết trong. Bên giường bệnh, anh cố kìm nỗi đau, gượng dậy chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Anh Hưng cho biết: Anh là con trai thứ 2 trong gia đình 3 anh em. Mẹ mất khi anh mới 6 tuổi, sau đó bố đi lấy vợ khác, bỏ rơi 3 anh em lắt lay kiếm sống. Sau đó, lần lượt anh cả, em gái lập gia đình ra ở riêng. Anh Hưng do khiếm thị, mọi sinh hoạt không biết phải nhờ cậy vào ai. Người em gái vì thương xót anh trai sống một mình trong cảnh mù lòa nên đã xin gia đình chồng đưa anh về chăm sóc một thời gian.

“Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình em gái tôi cũng rất khó khăn. Em tôi không có công việc ổn định, chồng làm nghề sửa xe máy nhưng thu nhập không đáng kể, 3 đứa con còn nhỏ nên nó đành phải thuê nhà cho tôi ở gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi cũng đã từng theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền ở tỉnh Khánh Hòa, cũng xin đi làm được một thời gian nhưng do sức yếu, không làm được việc nên đành phải nghỉ”-anh Hưng buồn bã nói.

Im lặng một lúc lâu, anh Hưng tiếp tục câu chuyện với những lời đầy ắp sự chua xót: “Để có cơm ăn hàng ngày, tôi được chú xe ôm sống ở gần xóm trọ 6 giờ sáng chở đến các chợ xin ăn, trưa chú chở về. Nhiều khi chú thương không lấy tiền. Tôi cũng muốn đi làm một công việc gì đó nhưng do sức yếu, mù lòa nên đành phải chọn cách xin ăn như vậy. Nhiều hôm đi xin, tôi dò dẫm vấp phải hàng quán, làm đổ đồ đạc, bị mắng chửi quá trời. Tôi buồn lắm nhưng cũng không biết phải làm sao”.

Kể cho chúng tôi về hoàn cảnh của anh trai mình, chị Trịnh Thị Hương Thảo ngậm ngùi: “Nhiều lúc nhìn anh sống một mình trong phòng trọ tuềnh toàng, lại mù lòa, tôi rất đau lòng. Nhưng hoàn cảnh của gia đình tôi cũng rất khó khăn, thành ra không giúp anh được bao nhiêu. Tôi cũng chỉ biết động viên anh cố gắng sống, giữ gìn sức khỏe. Hàng ngày, tôi bận bịu chăm sóc 3 con nhỏ, thỉnh thoảng mới tới thăm anh được. Cũng may anh tôi chịu khó nên được mọi người ở xóm trọ thương và giúp đỡ anh trong cuộc sống hàng ngày”.

Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về cuộc sống sau này, giọng anh Hưng nghẹn lại:  “Tôi vẫn luôn nghĩ mình phải sống sao cho có ích, nhưng hiện tại bị mù lòa nên lực bất tòng tâm. Điều tôi lo lắng nhất là khoản tiền nhà trọ 700 ngàn đồng/tháng. Cùng với đó là gần 7 triệu đồng tôi nhờ người quen vay mượn giúp để phẫu thuật trĩ, không biết bao giờ trả được”.

Hoàn cảnh của anh Hưng đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Mọi sự hỗ trợ xin liên hệ chị Trịnh Thị Hương Thảo-em gái anh Trịnh Việt Hưng, ĐT: 0354381820; hoặc gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).

 HÀ TÂY



 

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.