Núi Con Voi bị con người 'bạo hành' kinh khủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quần thể núi Đinh nằm tiếp giáp giữa TP Vĩnh Yên, huyện Tam Dương và huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) có hình dáng như một con voi nên được người dân địa phương gọi là núi Con Voi.
Quần thể núi Đinh bị đào xới, phân lô. Ảnh chụp đầu tháng 5-2020 - Ảnh: P.THẢO
Quần thể núi Đinh bị đào xới, phân lô. Ảnh chụp đầu tháng 5-2020 - Ảnh: P.THẢO
Nhưng con voi ấy hiện không còn nguyên hình hài từ khi hoạt động bạt núi, đào hồ, xây biệt thự... diễn ra trái phép tại đây.
Cuối tháng 4-2020, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ liên tiếp nhận được phản ánh của người dân địa phương "báo động" về tình trạng chặt cây, phá núi, mở đường trái phép để xây dựng biệt thự tại quần thể núi Con Voi. 
Lần theo thông tin của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm tới tận nơi, và nếu không được cơ quan chức năng xác nhận thì không dám tin rằng những hoạt động xây dựng tại đây đều không có giấy phép.
"Chặt đầu" Con Voi
Khu vực núi Đinh cách trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 2km đường chim bay và cách đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chỉ chừng 3km. Năm 1995, núi Đinh nằm trong diện tích 140ha đất rừng được UBND tỉnh Vĩnh Phú cũ (sau này là tỉnh Vĩnh Phúc) giao cho Công ty TNHH Kim Long làm dự án trồng mía và cây ăn quả. 
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư chuyển nhượng, xây dựng trái phép, không thực hiện đúng mục đích dự án ban đầu và đến năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thu hồi hơn 125ha thuộc dự án này. Từ đó đến nay, trong khi những vi phạm cũ còn chưa được xử lý dứt điểm thì nơi này tiếp tục bị "xẻ thịt".
Chỉ tay hướng về phía ngọn núi gần nhà đang bị tàn phá, bà H. (xã Kim Long, huyện Tam Dương) nói: "Họ phá nhanh quá khiến chúng tôi sống gần sốt ruột, tiếc nuối lắm nhưng chẳng biết phải làm cách nào để cứu núi. Không chỉ núi Con Voi bị đào bới nham nhở mà núi Tròn, núi Đường Hầm (dưới chân núi có đường hầm) cũng đã bị tàn phá rồi. 
Những năm trước đã xuất hiện tình trạng khai thác đất, ban đầu chúng tôi cứ tưởng khai thác để bán nhưng sau này tìm hiểu thì mới biết họ không chỉ múc đất để bán mà còn phân ra từng lô như xây đô thị ở quần thể núi Đinh".
Bà H. kể thêm: "Tiếc thay là ngọn núi bao đời sừng sững như che chở cho dân làng lại bị xẻ thịt như vậy".
Bà M. (người xã Kim Long) thì tiếc nuối: "Núi cao lắm nhưng giờ khoét hết rồi, chúng tôi không dám lại gần vì thường có người lạ mặt đe dọa dân. Núi có di tích lịch sử nên bố mẹ tôi nói rất linh thiêng. Tình trạng khai thác đất xuất hiện đã lâu, nhưng thời gian gần đây họ làm rầm rộ. Đây là khu vực giáp ranh TP Vĩnh Yên - huyện Tam Dương - huyện Bình Xuyên nên cũng là cơ hội cho các đối tượng xấu lộng hành. Mỗi khi họ khai thác, về đêm chúng tôi không thể ngủ được, ngày nắng bụi kinh khủng, ngày mưa thì đường lầy lội..." - bà M. kể.
Khu Gò Dung, phường Liên Bảo, một số căn biệt thự đã được hoàn thiện bên cạnh những căn biệt thự đang chuẩn bị xây dựng - Ảnh: Q.THẾ
Khu Gò Dung, phường Liên Bảo, một số căn biệt thự đã được hoàn thiện bên cạnh những căn biệt thự đang chuẩn bị xây dựng - Ảnh: Q.THẾ
Phá núi, đặt tượng, đào hồ
Cũng như người dân xã Kim Long, người dân phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên) cũng bức xúc trước tình trạng khai thác đất, hạ cốt nền ở quần thể núi Đinh. Được sự giúp đỡ của người dân, chúng tôi thâm nhập đại công trường trái phép. Men theo quốc lộ 2B từ trung tâm TP Vĩnh Yên hướng đi thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khoảng 2km, vượt qua một đoạn bìa rừng, trước mắt chúng tôi là một đại công trường trái phép đang hoạt động.
Cây rừng bị chặt phá hàng loạt. Đất mới bị đào bới đã được phân lô, đào hồ còn ngổn ngang. Cách khu vực vừa đào bới vài trăm mét sát chân núi, một căn biệt thự sang trọng, diện tích mặt sàn hàng trăm mét vuông đã được hoàn thiện. 
Càng lên cao, đất được phân thành những lô rộng khoảng 2.000m2. Mỗi lô đều có đường đi, chỗ trồng cây và có cả hồ rộng như chờ sẵn cho một biệt phủ mọc lên. Cuối con đường dẫn vào khu trung tâm, vốn là đỉnh núi, có một pho tượng Quan Âm màu trắng sữa cao lừng lững.
Là người dẫn đường nhưng khi chứng kiến những cảnh tượng này, người dân địa phương ở phường Liên Bảo phải thốt lên: "Quá khủng khiếp. Vài năm trước trên đỉnh núi có nhiều dược liệu quý, tôi cùng người nhà lên hái vẫn thấy cây cối còn rậm rạp. Nào ngờ đến ngày hôm nay họ phá hết rồi. Đứng từ tầng thượng nhà tôi chỉ thấy pho tượng thôi, không ngờ đến nơi thì tan hoang như thế này".
Từ trung tâm quần thể núi Đinh nhìn xuống, hai triền đồi tiếp giáp cũng đã được phân lô. Hai bên đường la liệt máy múc, máy ủi cùng nhiều thiết bị xây dựng. Có khu vực nhìn từ xa thấy cây rừng nhưng bên dưới đã có những con đường chạy dọc chạy ngang. "Nhìn từ xa thì đúng là khó phát hiện ra núi Đinh đang bị đào bới. Họ tàn phá núi cũng rất tinh vi" - một người dân nói.
Người dân địa phương đưa chúng tôi đến khu đồi Gò Dung (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên), cũng thuộc khu đất đã được giao cho Công ty TNHH Kim Long quản lý, cách quần thể núi Đinh chỉ hơn 300m đường chim bay. Nơi này cũng đang bị "xẻ thịt" không thương tiếc. 
Ngoài những căn biệt thự xây trái phép cách đây hơn 3 năm, nhiều căn biệt thự "khủng" đang được xây dựng trên đất rừng; có căn diện tích đất rộng hơn 2.000m2, chỉ thêm cổng, tường rào là hoàn thiện. Cũng có những căn mới đổ móng, khung sắt, chờ đổ dầm bêtông làm tường, đang nằm chờ sẵn trên mặt đất.
Trước tình trạng lấn chiếm, chuyển đổi sai mục đích, xây biệt thự trên đất rừng tại khu đất thuộc Công ty TNHH Kim Long quản lý và các khu đất trên địa bàn xã Định Trung, phường Liên Bảo, phường Khai Quang (thuộc TP Vĩnh Yên), từ năm 2014 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Thanh tra tỉnh xác minh. Tháng 4-2019, Thanh tra tỉnh đã ra kết luận và nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể UBND TP Vĩnh Yên, Sở Tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, sau 1 năm thanh tra, tình trạng bạt núi để xây dựng trái phép vẫn không dừng lại. (còn tiếp)
Xây hồ nước trên núi để tưới cây?
Ngày 10-4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản giao Công an tỉnh chủ trì cùng Sở Tài nguyên và môi trường, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND TP Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương làm rõ có hay không hoạt động khai thác, vận chuyển đất trong đó có khu vực núi Đinh.
Ngày 27-4, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản ghi nhận: Tại thời điểm kiểm tra, khu vực núi Đinh thuộc địa phận xã Kim Long, huyện Tam Dương không có hoạt động khai thác và vận chuyển đất ra ngoài. Trên núi có một đường đất chiều rộng khoảng 5m, chiều dài khoảng 3.000m chạy từ chân núi lên đỉnh núi.
Phía trên núi có 3 bể chứa nước (khoảng 800m3), theo báo cáo của ông Đoàn Ngọc Sơn - phó giám đốc Công ty TNHH Kim Long - việc làm đường, xây bể nước nhằm thuận tiện cho phương tiện đi lại và dùng nước tưới cây do trên núi không có hồ chứa. Khu lưng chừng núi, cách chân núi khoảng 500m hướng từ quốc lộ 2B đi vào, có hiện tượng đào, san gạt khoảng 1.000m3 đất đồi từ trước.
Đầu tháng 5, khi phóng viên Tuổi Trẻ có mặt ở quần thể núi Đinh, ghi nhận nhiều vị trí ở dãy núi thiêng này đã bị san ủi, phân lô không thương tiếc. Phóng viên đã đến trụ sở Công an tỉnh Vĩnh Phúc để liên hệ làm việc về các hoạt động xây dựng đang diễn ra ở núi Đinh, nhưng cán bộ trực ban hướng dẫn sang UBND tỉnh vì "UBND tỉnh đã giao cho văn phòng UBND tỉnh phát ngôn về đất của Công ty TNHH Kim Long".
Chúng tôi nhắc lại rằng UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì kiểm tra có hay không khai thác đất trái phép tại khu vực giao cho Công ty TNHH Kim Long thì cán bộ trực ban cho biết Công an tỉnh vẫn chưa có kết luận chính thức nên chưa thể cung cấp cho báo chí.
Sau khi liên hệ với UBND tỉnh, phóng viên được giới thiệu sang Thanh tra tỉnh, tuy nhiên Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị này ra kết luận từ tháng 4-2019, những phát sinh sau tháng 4-2019 đơn vị này không nắm được.
Q.THẾ - P.THẢO (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.