Nữ sinh lập giải pháp ngăn ngừa bạo lực học đường trực tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, em Đỗ Mai Hồng Ngọc (lớp 12A1) và Nguyễn Hoàng Anh Thư (lớp 10A7, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu đưa ra giải pháp ngăn ngừa bạo lực học đường trực tuyến.

Giải pháp đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025).

Từ việc chứng kiến một số bạn bè bị tấn công bởi những lời nói, hành động thông qua các trang mạng xã hội, 2 em Ngọc và Thư đã nảy ra sáng kiến về việc nghiên cứu các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Ngọc chia sẻ: Bạo lực trực tuyến là việc sử dụng các phương tiện truyền thông để gây hại cho người khác qua mạng internet. Nhiều công cụ tham gia vào quá trình này như: mạng xã hội, email, blog, diễn đàn...

Hình thức có thể bao gồm nhiều dạng hành vi khác nhau như: xúc phạm, đe dọa, lăng mạ và sử dụng lời nói, hình ảnh hoặc video... để tấn công đối phương.

Đặc biệt, vấn nạn bạo lực này thường diễn ra ở độ tuổi vị thành niên, khi học sinh bước vào giai đoạn thay đổi về mặt tâm sinh lý, gây tổn hại nặng nề về mặt tâm lý và tinh thần cho nạn nhân. Chính vì vậy, việc phòng-chống bạo lực trực tuyến là vấn đề cấp thiết trong trường học.

hai-ban-do-mai-hong-ngoc-lop-12a1-va-nguyen-hoang-anh-thu-lop-10a7-dua-ra-cac-giai-phap-phap-ngan-ngua-bao-luc-hoc-duong-truc-tuyenatd.jpg
Hai em Đỗ Mai Hồng Ngọc (ở giữa) và Nguyễn Hoàng Anh Thư (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Thiện) đưa ra các giải pháp ngăn ngừa bạo lực học đường trực tuyến. Ảnh: M.K

Để tìm ra giải pháp cụ thể, 2 nữ sinh đã tiến hành phỏng vấn, khảo sát 657 học sinh tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn và Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phú Thiện. Kết quả khảo sát cho thấy, mạng xã hội Facebook đang được nhiều học sinh sử dụng nhất, chiếm 79,3%. Đứng thứ 2 là mạng xã hội TikTok, với 66,2%, tiếp theo là YouTube chiếm 60%, còn lại là các nền tảng trực tuyến khác như Instagram, Zalo...

“Từ kết quả khảo sát, chúng em đã bàn bạc và đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện như: tổ chức hoạt động ngoại khóa “An toàn trên không gian mạng-xây dựng tình bạn đẹp”; thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường; thiết kế sổ tay “Chia sẻ kiến thức về bạo lực trực tuyến”; thành lập Fanpage phòng-chống bạo lực trực tuyến; phương pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường”-Thư cho biết.

Với giải pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa “An toàn trên không gian mạng-xây dựng tình bạn đẹp”, 2 em đã xin ý kiến Ban Giám hiệu để tổ chức trong phạm vi toàn trường nhằm tuyên truyền và chia sẻ kiến thức về bạo lực học đường qua mạng xã hội; giúp các bạn học sinh nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, trân quý tình bạn, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong học tập.

Song song với đó, việc thiết kế sổ tay “Chia sẻ kiến thức về bạo lực trực tuyến” để tại thư viện, góc lớp đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo học sinh. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, giáo viên và học sinh sẽ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung nội dung sổ tay cho phù hợp thực tế.

Ngọc cho hay: Cùng với các giải pháp trên, chúng em đề xuất Ban Giám hiệu, Bí thư Đoàn trường thành lập Fanpage “Phòng-chống bạo lực trực tuyến qua không gian mạng”. Nội dung Fanpage được kiểm duyệt bởi ban quản trị gồm những đoàn viên ưu tú và thường xuyên được cập nhật kịp thời.

“Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh cũng là giải pháp được chúng em đưa ra với mục đích lắng nghe, hỗ trợ, động viên học sinh khi có sự cố xảy ra. Tổ có phòng tư vấn riêng, phân công giáo viên trực thường xuyên để kịp thời hỗ trợ học sinh. Tổ tư vấn có thể hỗ trợ trực tuyến qua các phương tiện thông tin, truyền thông”-Ngọc thông tin.

ban-rmah-hloan-ben-phai-anh-lop-10a7-bay-to-su-tin-tuong-khi-tham-gia-vao-cac-giai-phap-ngan-ngua-bao-luc-hoc-duong-truc-tuyen-anh-td.jpg
Bạn Rmah H’Loan (bìa phải ảnh, lớp 10A7) bày tỏ sự tin tưởng khi tham gia vào các giải pháp ngăn ngừa bạo lực học đường trực tuyến. Ảnh: M.K

Em Rmah H’Loan (lớp 10A7) tâm sự: “Từ khi nhà trường triển khai các giải pháp ngăn ngừa bạo lực học đường trực tuyến, chúng em được bày tỏ tâm tư nguyện vọng của bản thân; được hỗ trợ, tư vấn tâm lý, cùng trao đổi kiến thức về những hành vi bạo lực học đường qua mạng xã hội. Từ đó, chúng em cảm thấy yên tâm, tự tin để đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất. Và khi đã hiểu rõ vấn đề, mỗi bạn học sinh sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực về phòng-chống bạo lực học đường trực tuyến”.

Thầy Hồ Như Vương-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn-cho biết: Bạo lực trực tuyến qua không gian mạng đang trở thành vấn đề được xã hội rất quan tâm. Tần suất của những vụ bạo lực qua không gian mạng đang ngày càng gia tăng. Khi các giải pháp của 2 học sinh được nhà trường áp dụng vào thực tiễn đã nhận được hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa rộng.

Có thể bạn quan tâm

Giúp trẻ giải tỏa áp lực tâm lý

Giúp trẻ giải tỏa áp lực tâm lý

(GLO)- Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước có đến 3 triệu trẻ em đang gặp phải ít nhất 1 trong 10 chứng rối loạn tâm thần cần được quan tâm, chăm sóc. Thế nhưng phải làm gì và làm như thế nào để giúp trẻ vượt qua những vấn đề tâm lý là một câu hỏi không dễ trả lời.

Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trường dân lập

Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trường dân lập

Tại cuộc họp thẩm định, các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về miễn học phí đối với học sinh, trong đó bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí là trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi; học sinh THPT; học sinh học văn hoá THPT tại các cơ sở giáo dục.

Cảnh báo nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12

Cảnh báo nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12

Gần 32% số bài thi khảo sát lớp 12 của Hà Nội dưới điểm trung bình, trong đó có hàng nghìn bài thi bị điểm liệt. Một trong những nguyên nhân chính là do đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cấu trúc, định dạng mới.

Dạy học 2 buổi/ngày: Mỗi nơi mỗi khác

Dạy học 2 buổi/ngày: Mỗi nơi mỗi khác

Việc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT hiện nay áp dụng văn bản ban hành từ hơn 15 năm trước, trong khi đã thực hiện chương trình mới và thông tư mới về dạy thêm. Do vậy, mỗi nơi đang hiểu và thực hiện theo những cách khác nhau.