Nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, trên các tuyến đường dẫn vào cánh đồng dưa hấu xã Ia Lâu, huyện Chư Prông luôn nhộn nhịp với hàng chục chuyến xe tải chất đầy dưa hấu. Tuy nhiên, so với những năm trước, giá dưa hấu năm nay quá rẻ, thu không đủ chi khiến cho nhiều hộ trồng dưa trên địa bàn xã đang hết sức điêu đứng. Nếu giá dưa hấu đầu vụ năm 2011 là 11.000 đồng/kg, thì giá dưa hấu đầu vụ năm nay chỉ còn 4.000 đồng/kg và đến nay giảm xuống còn 800-900 đồng/kg.

Ông Hồ Văn Đi chỉ tay vào đống dưa vừa thu hoạch nhưng vẫn chưa có người mua.                    Ảnh: H.T
Ông Hồ Văn Đi chỉ tay vào đống dưa vừa thu hoạch nhưng vẫn chưa có người mua. Ảnh: H.T

Chị Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Phố Hiến là một trong số ít hộ trồng dưa ở Ia Lâu bán được với giá 1.200 đồng/kg (cao hơn thời điểm hiện tại 400 đồng/kg). Tuy nhiên, mức giá ấy cũng không thấm tháp vào đâu so với số vốn đầu tư và công sức gia đình chị đã bỏ ra. Chị than thở: “Bán đi 30 tấn bắp vụ vừa rồi được 120 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư hết cả vào 1 ha dưa. Cứ tưởng năm nay được mùa nhà mình sẽ thu được kha khá mà có vốn đầu tư cho các vụ mùa sắp tới, ai ngờ giá dưa rẻ quá, bán cả 40 tấn dưa chỉ thu về được 48 triệu đồng, lỗ 72 triệu đồng”.

Thê thảm hơn là những hộ nông dân từ các địa bàn lân cận đến Ia Lâu trồng dưa hấu. Theo ông Phạm Tiến Lợi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-thì vụ mùa năm nay, toàn xã có 190 ha trồng dưa hấu. Trong đó, người dân sở tại trồng 30 ha, còn lại phần lớn là của nông dân tỉnh Bình Định lên thuê đất để canh tác. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những hộ dân này phải chi 8-13 triệu đồng để thuê 1 ha đất trồng dưa.

Cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, công chăm sóc lớn nhưng giá dưa bán ra quá bèo cũng đang khiến nhiều gia đình lao đao, rơi vào cảnh nợ nần. Đang cùng gia đình thu hoạch 2 ha dưa giữa cái nắng như thiêu như đốt, ông Hồ Văn Đi (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lắc đầu ngán ngẩm: “Năm nay năng suất dưa hấu cao hơn so với những năm trước nhưng giá lại hạ thấp chưa từng có. Vụ mùa này, ngoài tiền vốn sẵn có, tôi còn phải vay thêm 50 triệu đồng. Bao nhiêu vốn liếng rót vào đó, giờ dưa bán được có 900 đồng/kg, tính ra lỗ gần 200 triệu đồng”.

Một số thương lái ở đây cho hay, sở dĩ dưa rớt giá là do thời gian này Trung Quốc hạn chế nhập hàng. Bên cạnh đó, lượng dưa cung cấp cho thị trường lớn cũng khiến cho giá dưa bị sụt giảm. Với giá bán như hiện nay, người trồng dưa trên địa bàn xã Ia Lâu thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.