Nông dân Hnol khấm khá nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Hnol (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và sử dụng giống mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.

Tháng 6-2021, gia đình anh Hồ Văn Dũng (làng Bót Grek) trồng 1,7 ha chanh dây giống Đài Nông 1. Gia đình anh đang thu hoạch đợt thứ 5 (đợt cuối) trong chu kỳ phát triển của vườn cây. “Tôi đầu tư 220 triệu đồng để canh tác 1,7 ha chanh dây. Năng suất vườn cây đạt 35-40 tấn/ha và giá chanh dây dao động trong khoảng 10-22 ngàn đồng/kg tùy từng thời điểm. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 350 triệu đồng. Ngoài trồng chanh dây, tôi còn canh tác 2 ha cà phê, mỗi năm thu hoạch hơn 6 tấn nhân. Với 1,7 ha chanh dây và 2 ha cà phê, mỗi năm, gia đình thu về 450-500 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-anh Dũng vui vẻ nói.

Tương tự, tháng 6-2022, gia đình anh Tũy (làng Hlang) đầu tư 20 triệu đồng để trồng 200 cây chanh dây xen trong vườn cà phê. “Cây chanh dây dễ trồng, ít tốn công lao động và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng này. Mặc dù mới thu hoạch 2 đợt nhưng tôi đã bán được khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, tôi sẽ mở rộng diện tích chanh dây để phát triển kinh tế gia đình”-anh Tũy chia sẻ.

Anh Tũy (bìa phải) và cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Hnol trao đổi về trồng chanh dây. Ảnh: Lê Nam

Anh Tũy (bìa phải) và cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Hnol trao đổi về trồng chanh dây. Ảnh: Lê Nam

Cùng với chanh dây, lúa cũng là cây trồng chủ lực của người dân xã Hnol. Để giúp người dân nâng cao năng suất, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, sử dụng các giống chất lượng cao như: ĐT100, J02, HN6. Năng suất lúa đạt 5,5 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 7-8 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so với giống lúa cũ. Đặc biệt, trong vụ Đông Xuân 2022-2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với UBND xã triển khai mô hình sản xuất lúa giống và gạo thương phẩm trên diện tích 11 ha tại cánh đồng Ayun với sự tham gia của 51 hộ dân làng Thung. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% lúa giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp sản xuất lúa giống sẽ thu mua cho bà con với giá cao hơn giá thị trường. “Vừa rồi, tôi được hỗ trợ 36 kg lúa giống TĐ25 để gieo sạ trên diện tích 3 sào và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên ruộng lúa phát triển rất tốt. Hy vọng giống lúa mới này sẽ đạt năng suất cao và bán được giá để giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập”-ông Chưm (làng Thung) kỳ vọng.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Hà cho biết: Xã hiện có 1.050 hộ với 4.450 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Người dân trong xã phát triển nông nghiệp dựa vào những cây trồng chính như: cà phê (1.668 ha), lúa nước (250 ha), mì (190 ha), chanh dây (50 ha)... Xã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích lúa nước, sử dụng giống mới để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Đồng thời, xã kết hợp hướng dẫn người dân phát triển cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, đời sống người dân đã được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,69%.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.