(GLO)- Để đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác và khuyến cáo không xuống giống tại những chân ruộng thiếu nước cuối vụ nhằm hạn chế thiệt hại.
Vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Chư Păh có 187,5 ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn. Trong đó, diện tích bị hạn tập trung chủ yếu tại các xã: Ia Ka, Ia Phí, Ia Khươl, Ia Mơ Nông. Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo người dân không xuống giống trên những diện tích không đảm bảo nguồn nước. Đặc biệt, trong vụ Đông Xuân này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa, Tập đoàn Lộc Trời liên kết với người dân 2 xã Ia Ka và Ia Mơ Nông triển khai mô hình trồng khoảng 60 ha bắp sinh khối trên diện tích lúa thường xuyên bị hạn.
Gia đình anh Siu Blô (làng Amơng, xã Ia Mơ Nông) có gần 1 ha đất trồng lúa tại cánh đồng Ia Thố nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ mùa. Anh cho hay: “Hàng năm, chúng tôi không sản xuất được vụ Đông Xuân do thiếu nước. Vừa rồi, bà con được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp sinh khối. Mô hình này sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, tránh lãng phí đất”. Còn ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông thì cho biết: Khi có chủ trương của huyện triển khai mô hình trồng bắp sinh khối trên đất lúa thường xuyên bị hạn, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đồng thời, UBND xã cũng đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mời đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa và Tập đoàn Lộc Trời về để trao đổi trực tiếp, cụ thể với người dân về chính sách đầu tư, liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm. Trước mắt, xã vận động người dân tham gia làm mô hình trồng bắp sinh khối khoảng 20 ha.
|
Nông dân làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu. Ảnh: Đức Thụy |
Tương tự, tại cánh đồng Ia Leo và Ia Sat (xã Ia Ka), vụ này, Tập đoàn Lộc Trời và HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa đã khảo sát và dự kiến sẽ liên kết với người dân trồng 40 ha bắp sinh khối trên đất lúa kém hiệu quả. Ông Phan Văn Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Ka-cho biết: “Tôi đánh giá cao mô hình này vì cây bắp có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn cây lúa. Ngoài ra, nếu xảy ra thiếu nước thì cũng có thể linh động thu hoạch sớm hơn, người dân chỉ giảm lợi nhuận chứ không bị thiệt hại hoặc mất trắng như làm lúa. Nếu mô hình hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng ra trên địa bàn. Đây sẽ là hướng đi mới để người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa: Vụ mùa 2021, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời trồng 100 ha bắp sinh khối. Năng suất đạt 45-50 tấn/ha, thu lợi nhuận bình quân 8-10 triệu đồng/ha. Từ thành công đó, vụ Đông Xuân này, HTX tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình trồng bắp sinh khối trên diện tích lúa thường xuyên bị hạn, thiếu nước cuối vụ tại các xã: Ia Ka và Ia Mơ Nông. Cây bắp có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa (chỉ khoảng 75 ngày) nên sẽ tránh được tình trạng thiếu nước cuối vụ. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư ban đầu sẽ được phía Tập đoàn thu lại khi người dân thu hoạch sản phẩm.
|
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra mô hình trồng bắp sinh khối. Ảnh: Lê Nam |
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022, huyện Chư Păh gieo trồng 2.200 ha cây trồng các loại, trong đó có 1.542 ha lúa nước (giảm 68 ha so với kế hoạch Sở Nông nghiệp và PTNT giao), 120 ha bắp, 270 ha rau, đậu các loại và 278 ha cây hàng năm. Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Ngay từ đầu vụ, Phòng khuyến cáo đối với những chân ruộng không chủ động nguồn nước thì phải tập trung xuống giống sớm và kết thúc gieo sạ trước ngày 10-12; đối với chân ruộng chủ động được nước kết thúc gieo sạ vào cuối tháng 12 này. Đồng thời, sử dụng cơ cấu giống xác nhận, ngắn ngày, có khả năng chống đổ ngã, chịu hạn như: Sơn Lâm 1, OM18, HT1, Q5; sử dụng các giống bắp NK7328, LVN10, C919, CP999, CP898… Áp dụng quy trình sản xuất theo phương pháp “nông-lộ-phơi”, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư. Chủ động nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy để đảm bảo nước tưới. Đồng thời, điều tiết nước tưới hợp lý tránh tranh chấp nước tưới giữa cây cà phê, hồ tiêu với cây lúa. “Đặc biệt, huyện kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch gần 70 ha lúa tại các vùng thường xuyên bị hạn. Đối với những diện tích ngoài quy hoạch nếu người dân cố tình gieo sạ, khi xảy ra hạn hán phải tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trong vụ này, huyện phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời, HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa liên kết chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối giúp người dân có thêm nguồn thu nhập”-ông Sơn nhấn mạnh.
LÊ NAM
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu