Nỗi đau khôn cùng: Bi kịch cha con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì ức chế dồn nén, cốt nhục tình thâm cũng không cản nổi cơn giận bùng nổ khiến cha, con sát hại lẫn nhau... 

Cha mất, anh trai đi tù, em gái Phan Minh Mẫn phải thay anh chăm sóc mẹ ẢNH: LAM NGỌC
Cha mất, anh trai đi tù, em gái Phan Minh Mẫn phải thay anh chăm sóc mẹ ẢNH: LAM NGỌC
Đọc hồ sơ vụ án giết cha của bị cáo Phan Minh Mẫn (ngụ ấp 1, xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi không khỏi bàng hoàng bởi Mẫn chủ động cầm dây điện chích vào người cha mình cho tới khi ông nằm bất động. Dù người cha có sai trái thế nào thì việc một người con tự tay giết cha như Mẫn cũng quá đáng sợ. Tuy nhiên, khi gặp bà Nguyễn Thị Kim Ánh (mẹ Mẫn), nghe những lời gan ruột của người mẹ, người vợ khốn khổ, chúng tôi có phần cảm thông với cậu thanh niên mới lớn.
Báo án: Con giết… chồng
“Năm 1989, tôi lấy ông Tuyên (cha Mẫn), trải qua một năm hôn nhân êm đềm rồi tôi sinh Mẫn. Những tưởng đứa con sẽ là động lực để vợ chồng cố gắng, ai dè nó lại trở thành lý do cho những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhà có tài sản gì chồng tôi đều mang ra chi trả trên bàn nhậu”, mắt người phụ nữ lam lũ ầng ậc nước khi kể. Chỉ tay sang mấy thửa đất bên cạnh, bà Ánh bảo đất này xưa đều của nhà bà nhưng vì ông Tuyên ham ăn nhậu nên bán hết. Trước là bán đất đai, sau tới đồ đạc trong nhà lần lượt không cánh mà bay.
Chưa hết, mỗi lần rượu say ba Mẫn lại lôi mẹ con cậu ra trút giận. Nhiều lần ông đuổi mẹ con Mẫn ra khỏi nhà, đóng cửa bắt mẹ con ngủ ngoài đường chứ nhất quyết không cho vào. Chứng kiến mẹ bị hành hạ suốt nhiều năm, Mẫn dần tích tụ sự bất mãn mà không cách nào giải tỏa. Cậu luôn cảm giác có lỗi với mẹ và thấy mình là đứa con vô dụng.
Thấy con dâu bị đánh nhiều lần, bà nội Mẫn cũng khuyên nên ly hôn để giải thoát nhưng nghĩ cho con bà Ánh gắng chịu đựng để con có đủ cha mẹ. Tuy nhiên, sự chịu đựng của bà Ánh lại khiến Mẫn sống trong vòng luẩn quẩn. Ba cứ rượu say là đánh mẹ. Mẹ thì sau khi bị đánh lại tha thứ.
Tới ngày 9.11.2009, Mẫn đi học về thấy cha say rượu đang nằm ngủ ở sàn nhà. Nhớ lại cảnh hai ngày trước ba say rượu dùng cây quạt điện đánh mẹ dã man, Mẫn lấy dây điện gí vào người cha cho đến khi ông nằm bất động.
Những tưởng sau cái chết của cha thì cả mẹ và mình sẽ được giải thoát, nhưng ngày công an tới bắt Mẫn mới ngỡ ngàng hóa ra không phải vậy. Cậu đã biến mẹ mình từ người đàn bà khổ sở, vì bị chồng bạo hành thành người đàn bà đớn đau phải chịu cảnh chồng chết, con đi tù. “Chuyện xấu trong nhà khiến người ác ý lời qua tiếng lại. Họ bảo nhà tôi hết phúc nên con mới giết cha. Họ còn rỉ tai nhau, nói tôi theo trai rồi xúi thằng Mẫn giết ba nó…”, bà Ánh nghẹn ngào.
Bà Ánh chính là người đi báo án, bà bảo: “Tôi thà nuôi con trong tù chứ không thể để sai lại càng sai”. Ngày nghe tòa án tuyên Mẫn chung thân, bà Ánh ngất lịm tại tòa. Bà xin giảm án cho con xuống 12 năm, nhưng không được.
Sống trong hoàn cảnh bà Ánh lúc ấy khổ hơn là chết, nhưng bà không cho phép mình chết bởi bà phải có trách nhiệm với hành vi của con và giúp con sửa sai. 11 năm nay, bà Ánh vẫn bớt một phần tiền lương công nhân ít ỏi của mình để gửi lên trại giam cho con. Trong những lần đi thăm, chưa bao giờ bà nhắc lại chuyện cũ. Bà mong con sau khi ra tù sẽ làm lại cuộc đời, biết kiềm cơn nóng giận bởi đã phải trả một cái giá quá đắt.
Rượu - sát nhân giấu mặt
Nếu Mẫn giết cha là tội tày đình thì việc ông Trương Văn Lình (ngụ Củ Chi, TP.HCM) giết con lại là nỗi đau đời không thể cân đong.
Câu chuyện buồn xảy ra vào một tối cách đây vài năm, khi ông Lình đi đám tang một người hàng xóm về có chút rượu trong người và thấy Quy (con trai ông) cũng vừa nhậu xong đang ngồi xem ti vi với bạn ở nhà. Nghĩ tới ngày thường con lông bông, ham chơi không lo làm ăn, ông Lình mắng con ngay giữa nhà.
Vì sĩ diện với bạn và cũng bất mãn vì tự nhiên bị ba mắng, Quy cãi lại. Thấy con phản ứng gay gắt, ông Lình tát con một cái. Ai ngờ cái tát ấy như châm ngòi nổ từ cậu con ngày thường ham chơi. Quy vật bố xuống nền nhà. Sau một hồi đẩy qua đẩy lại, ông Lình chạy vào bếp lấy con dao định dọa, nhưng trong lúc nóng giận lại đâm con thật.
Sau khi con gục xuống vì nhát dao của mình, ông Lình như sực tỉnh, ôm bà Loan (vợ ông) mà chân tay run rẩy nhưng vẫn tự trấn an: “Con không sao đâu”.
Tin con chết như sét đánh ngang tai khiến cả ông Lình và
vợ như chết đứng. Dù lông bông, không nghề nghiệp nhưng Quy vẫn là đứa con mà vợ chồng ông Lình thương yêu hết mực. Ngày thường một tay ông Lình giặt quần áo, cơm nước cho Quy còn bà thì lo việc chợ búa.
“Thương cho roi cho vọt. Cũng chỉ vì mong con tốt hơn nên ông ấy mới la rầy, ai ngờ la rầy rồi thành ra giết con”, bà Loan đau đớn.
Đêm công an tới nhà bắt ông Lình, ông nhìn bà bằng ánh mắt hối lỗi như một đứa trẻ. Bà thương con phải chết, nhưng bà cũng thương chồng vì một phút nóng nảy, không kiềm được tức giận mà đẩy mình vào cảnh tù tội.
“Đi tù ở cái tuổi ngũ tuần, lại mang theo nỗi dằn vặt giết con nên sức khỏe xuống nhanh. Chỉ một tháng sau khi chuyện xảy ra, tôi đi thăm và không còn nhận ra ông ấy bởi ngoài việc ông ấy sút cân thấy rõ, thì đôi mắt sâu hoắm, đục ngầu. Ông ấy khóc bảo ông ấy đã tự tay cắt đi khúc ruột của mình nên không còn muốn sống”, bà Loan kể.
Mười lần đi thăm chồng thì cả mười lần bà thấy chồng dằn vặt: “Ông ấy bảo là anh nhớ con lắm. Biết bao giờ anh mới gặp lại được con”, giọng lạc đi, bà Loan lấy vạt áo lau nước mắt nhìn vợi ra bóng tối…
Chịu đựng, rượu bia không phải là giải pháp
Thông qua những nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đều đồng tình cần nhanh chóng chấm dứt cuộc sống gia đình khi xuất hiện bạo lực.
Từ câu chuyện Mẫn giết cha để cứu mẹ thoát cảnh bạo hành triền miên, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia - phân viện tại TP.HCM, cho rằng không nên để một đứa trẻ sống trong cảnh bạo lực gia đình quá lâu vì đó là cách làm hư con nhanh nhất.
“Ba mẹ cần cho con một mái ấm thật sự chứ không phải giữ gia đình mà ở đó là địa ngục. Đứa con sống trong bạo lực từ bé sẽ bị ảnh hưởng và bắt chước. Khi cơn giận bùng nổ nó sẽ có những hành vi giống người cha và cuối cùng là “gậy ông đập lưng ông”. Mẫn dùng hành vi của người cha mà nó rất ghét để giết chết chính người cha đó”, bà Thúy nhấn mạnh.
Trong chuyện ông Trương Văn Lình khi say rượu la rầy con không chí thú làm ăn dẫn tới ẩu đả và đứa con mất mạng, bà Thúy cho rằng cha mẹ nuông chiều con lúc bé, khi chúng lớn lên và hư hỏng thì người cha người mẹ sẽ càng thất vọng hơn nhiều. Người cha lúc này không chỉ giận con lười biếng mà ông còn cảm thấy bất lực với chính mình.
Từ bất lực, tuyệt vọng, chán nản nên khi có men rượu đã đẩy ông đến việc xuống tay giết chết đứa con dù trong ý thức ông không hề muốn.
“Hầu hết các cuộc ẩu đả, bạo lực gia đình đều có liên quan tới chất kích thích như rượu, bia, ma túy. Những thứ này làm tổn thương, vô hiệu hóa hệ thần kinh khiến nhiều người không kiểm soát được hành vi dẫn tới những hành động thái quá. Chưa kể đôi khi có người còn mượn rượu để cố tình gây ra hành vi sai trái. Vì thế, phải hết sức cẩn thận với rượu bia”, bà Thúy cảnh báo.
(còn tiếp)
Theo Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.