Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.

Năng suất hồ tiêu sụt giảm

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Toàn (làng Ngó, xã Ia Pia, huyện Chư Prông) đang tất bật sắp xếp nhân công thu hoạch 2 ha hồ tiêu của gia đình. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao khi đạt gần 160 ngàn đồng/kg, nhưng niềm vui của anh không trọn vẹn vì năng suất sụt giảm.

Anh Toàn chia sẻ: Giai đoạn hồ tiêu ra hoa gặp đợt không khí lạnh kéo dài, gió mạnh... nên đậu trái không đều. Với 2 ha hồ tiêu, niên vụ thu hoạch trước, tôi thu được gần 12 tấn tiêu khô. Còn vụ này ước chỉ đạt khoảng 8 tấn, giảm hơn 30%. Mặc dù giá hồ tiêu tăng hơn 60 ngàn đồng/kg so với vụ trước, nhưng năng suất giảm, giá nhân công tăng nên lợi nhuận không được như kỳ vọng.

Năm nay, bà con nông dân huyện Chư Sê và Chư Pưh cũng canh cánh nỗi buồn khi năng suất hồ tiêu sụt giảm. Ông Nguyễn Đình Trung (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho hay: “Gia đình tôi trồng 600 trụ hồ tiêu xen trong vườn cà phê. Niên vụ trước, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu.

Đến niên vụ này, khi hồ tiêu vào giai đoạn ra hoa thì gặp không khí lạnh kết hợp gió mạnh nên đậu trái rất thưa, năng suất giảm sâu. Với diện tích này, năm nay, gia đình thu được khoảng 1,8 tấn, giảm 4 tạ so với năm trước”.

nhan-cong-thu-hoach-vuon-ho-tieu-cua-ong-huynh-xuan-cuong-xa-nam-yang-huyen-dak-doa.jpg
Nhân công thu hoạch vườn hồ tiêu của ông Huỳnh Xuân Cường (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: N.D

Còn ông Nguyễn Văn Công-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thì cho biết: Toàn xã hiện có gần 200 ha hồ tiêu, chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê và một ít diện tích trồng thuần đang trong giai đoạn kinh doanh. Đến thời điểm này, người trồng hồ tiêu trong xã đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích với năng suất bình quân 3 tấn khô/ha, giảm gần 1 tấn so với niên vụ trước.

Nguyên nhân năng suất hồ tiêu giảm là do mùa khô năm 2024 nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây, cộng với việc năm nay khi bước vào thời điểm hồ tiêu ra hoa gặp không khí lạnh kết hợp gió lớn nên đậu trái không đều. Hiện nay, giá hồ tiêu đang trên đà tăng nên đã phần nào giúp người trồng hồ tiêu có lợi nhuận để tiếp tục tái đầu tư.

nguoi-dan-canh-tac-ho-tieu-theo-huong-ben-vung-huong-huu-co-nen-nang-suat-on-dinhanh-vu-thao.jpg
Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Theo ông Hoàng Phước Bính-nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: Qua khảo sát cho thấy hầu hết các vùng trồng hồ tiêu của Gia Lai năng suất đều giảm. Bên cạnh ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi thì nhiều vườn hồ tiêu đã già cỗi dẫn đến năng suất thấp.

Ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) thông tin: Hiện nay, Công ty gặp không ít khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến. Nguyên nhân là do nhiều nông dân có tâm lý cất trữ chờ giá cao hơn. Công ty hiện chỉ chạy được 2/5 máy vì không mua được nguyên liệu.

Hướng đến sự bền vững

Ông Hoàng Phước Bính cho biết thêm: Theo dự báo của các chuyên gia nông nghiệp và cơ quan chuyên môn, chu kỳ tăng giá của cây hồ tiêu sẽ tiếp tục duy trì trong 10 năm tới. Do đó, người trồng hồ tiêu trên địa bàn cần tập trung đầu tư chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển vườn cây theo hướng bền vững.

Đồng thời, người dân cũng cần lựa chọn giống, vị trí đất phù hợp, đầy đủ nước tưới khi có nhu cầu mở rộng diện tích, tránh tình trạng ồ ạt mở rộng như trước đây. Ngoài ra, bà con nông dân cũng nên tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu.

Gia Lai hiện có hơn 7.500 ha hồ tiêu, tập trung tại các huyện: Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông. Giống tiêu Vĩnh Linh chiếm khoảng 90% diện tích, còn lại là giống tiêu Phú Quốc, Lộc Ninh. Trong đó, diện tích kinh doanh 6.157 ha với năng suất bình quân đạt 3,5 tấn khô/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 21.670 tấn. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.680 ha hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và 383 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic, Rainforest. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở chuyên thu mua hồ tiêu và 9 cơ sở sơ chế, chế biến hồ tiêu với công suất 7.000 tấn/năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: Việc giá hồ tiêu đang tăng và giữ ổn định trong vài năm trở lại đây là tín hiệu vui giúp những hộ trồng hồ tiêu có nguồn thu nhập ổn định để tái đầu tư.

Để phát triển cây hồ tiêu, huyện đã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt như trước đây mà xen canh theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao giá trị và hướng đến xuất khẩu các sản phẩm hồ tiêu.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho rằng: Sau thời gian giảm sâu, giá hồ tiêu đang trên đà phục hồi và hiện ở mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Việc giá hồ tiêu liên tục tăng là tín hiệu lạc quan cho người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, người dân chưa phát triển thêm diện tích vì việc canh tác hồ tiêu gặp khó do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như bị sâu bệnh. Bà con nông dân chủ yếu tập trung vào các loại cây trồng như: cà phê, sầu riêng...

Bên cạnh đó, những diện tích hồ tiêu trước đây bị chết, sinh trưởng kém đã được thay thế bằng những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao và ổn định dẫn đến việc quỹ đất trồng hồ tiêu cũng bị thu hẹp. Đặc biệt, rủi ro của cây hồ tiêu cao hơn các loại cây trồng khác nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

nong-dan-xa-ha-bau-huyen-dak-doa-dang-so-che-ho-tieu.jpg
Nông dân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) sơ chế hồ tiêu. Ảnh: N.D

“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 1306/KH-UBND ngày 31-5-2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung duy trì diện tích hồ tiêu ổn định khoảng 8.000-10.000 ha. Đồng thời, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu tập trung, gắn với các cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, tiến hành rà soát phân loại diện tích hồ tiêu hiện có, chuyển những diện tích ở những vùng không thích hợp, nhiễm bệnh chết sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích người dân tăng diện tích hồ tiêu trồng xen canh trong vườn cà phê, giảm diện tích trồng thuần.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến, tuyển chọn giống cây đầu dòng tốt, sạch bệnh, năng suất chất lượng cao để chuyển giao cho người dân sản xuất nhằm phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững”-ông Thơ thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Siết chặt chất lượng cây giống cà phê

Siết chặt chất lượng cây giống cà phê

(GLO)- Gia Lai đang bước vào đầu mùa mưa-thời điểm thuận lợi để nông dân tái canh và trồng mới cà phê. Cùng với đó, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh cũng nhộn nhịp xuất bán cây giống phục vụ nhu cầu sản xuất.

Các cơ sở kinh doanh cây giống vào mùa

Các cơ sở kinh doanh cây giống vào mùa

(GLO)- Gia Lai đang bước vào mùa mưa nên nhu cầu mua cây giống của nông dân trong tỉnh khá lớn. Nắm bắt nhu cầu trên, các cơ sở kinh doanh cây giống cũng chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Nông dân Ia Blứ trồng hoa hòe theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông dân Ia Blứ trồng hoa hòe theo tiêu chuẩn VietGAP

(GLO)- Nhận thấy việc trồng cây hoa hòe mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã chủ động hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản.

Những tỷ phú mía ở Pờ Tó

Những tỷ phú mía ở Pờ Tó

(GLO)- Mặc dù trải qua không ít khó khăn nhưng nhiều nông dân vẫn gắn bó với cây mía và xây dựng cánh đồng mía lớn. Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cây mía đã giúp nhiều hộ dân ở Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) trở thành tỷ phú.

Nguy cơ mất mùa sầu riêng

Nguy cơ mất mùa sầu riêng

(GLO)- Từ đầu năm 2025 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây sầu riêng. Người trồng sầu riêng đang đối diện với nỗi lo mất mùa.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Krông Pa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2025. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa đánh giá 13 sản phẩm OCOP

(GLO)- Sáng 13-5, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Krông Pa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2025 cho 13 sản phẩm (3 sản phẩm đánh giá lại) của 5 chủ thể.

Vải ngọt đầu mùa ở Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Vải ngọt đầu mùa ở Kbang

(GLO)- Từ cuối tháng 4 đến nay, một số nhà vườn ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) bắt đầu thu hoạch những chùm vải chín. Vải đầu mùa mọng ngọt dễ tiêu thụ, bán được giá, người trồng vải vui mừng và tin tưởng một vụ vải thắng lợi.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).