Những thay đổi về đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 29.12, Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc và đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó thêm 2 dạng trắc nghiệm mới so với hiện tại.

Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, môn ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn học khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Thời gian của mỗi môn thi: ngữ văn 120 phút, toán 90 phút, các môn học khác 50 phút.

Học sinh lớp 11 đang theo học Chương trình GDPT 2018 sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo định dạng đề mới

Học sinh lớp 11 đang theo học Chương trình GDPT 2018 sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo định dạng đề mới

Thêm 2 dạng thức trắc nghiệm

Bộ GD-ĐT cho biết cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Bộ GD-ĐT cũng lưu ý tại thời điểm này, Chương trình GDPT 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

Với các môn thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT nêu có tối đa 3 dạng thức câu hỏi được sử dụng đề thi. Thứ nhất là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (đã được áp dụng nhiều năm tại VN). Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này; các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.

Thứ hai là câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh (TS) phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi TS phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.

Thứ ba là câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà TS phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi TS phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Giảm số câu hỏi của môn toán, ngoại ngữ

Về số lượng câu hỏi, đề thi môn toán và ngoại ngữ lần lượt giảm từ 50 xuống 34 và 40 câu, các môn khác không đổi. Bộ GD-ĐT nêu lý do với môn toán là việc thêm dạng thức câu hỏi nhằm kiểm tra tư duy, năng lực của học sinh (HS) ở mức cao hơn, nên các em cần nhiều thời gian để có thể trả lời. Còn môn ngoại ngữ giảm số lượng câu hỏi do thời gian làm bài của môn này cũng rút ngắn 10 phút so với hiện nay. Việc này do ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn nên thời gian làm bài sẽ tương đương với các môn còn lại.

Bộ GD-ĐT cho biết đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 HS.

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bộ GD-ĐT đã công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bộ GD-ĐT đã công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Xóa bỏ tư duy "lụi", "mẹo"

Các giáo viên (GV) có kinh nghiệm nhận định đề minh họa hướng đến giải quyết tình trạng đánh "lụi" và đoán đề so với trước.

Thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề minh họa đã thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Đó là hướng đến đánh giá năng lực theo từng cấp độ tư duy của HS. Thạc sĩ Toàn cho rằng sự đổi mới lần này đánh giá năng lực của HS chính xác hơn nhiều so với trước đây, phân loại TS cũng tốt hơn.

GV Lê Minh Huy, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) cũng nhận xét việc xuất hiện các câu hỏi dạng tự luận ở mức độ vận dụng, đặc biệt là lồng ghép các bài toán thực tiễn bắt buộc HS phải biết cách giải quyết vấn đề, không còn tư duy "lụi" hay dùng những "mẹo" để giải toán như trước đây.

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), đánh giá đề minh họa môn hóa học phân loại được tư duy và năng lực của nhiều nhóm đối tượng HS khác nhau, hạn chế được việc dùng "mẹo" hay "đoán mò" để chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Chấm dứt tình trạng đoán đề trước ngày thi

Ở môn ngữ văn, GV Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nhận xét đề kiểu mới sẽ hạn chế tối đa việc học tủ, học theo văn mẫu. Giảm được cả áp lực thi cử, giảm luôn cả tình trạng phải học thuộc lòng, học vẹt. GV Đỗ Đức Anh cho rằng đề minh họa thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2018. "Điều dễ nhận thấy nhất là các yêu cầu của đề bám sát chương trình mới. Đề thi kiểm tra được toàn bộ kỹ năng đọc hiểu và viết. "Từ nay, sẽ chấm dứt tình trạng đoán đề", GV này nói.

Có thể bạn quan tâm

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.