Những người lính mặc áo blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc chiến cam go với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai không thể không nhắc đến những hy sinh lặng thầm của đội ngũ y-bác sĩ nói chung và y-bác sĩ trong Quân đội nói riêng. Họ đã góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành, các lực lượng đẩy lùi dịch bệnh. 

Vững vàng nơi tuyến đầu

Thượng úy Ksor Báo-nhân viên Quân y (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa) chia sẻ, ngay khi huyện Ia Pa ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với vi rút SARS-CoV-2, anh được điều động đến khu cách ly y tế tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện để chăm sóc, hướng dẫn y tế cho công dân đang thực hiện cách ly tại đây. Số người đưa đến khu cách ly mỗi lúc một đông, có ngày anh phải chăm sóc hơn 200 công dân, trong đó có nhiều trẻ nhỏ.

“Những người vào khu vực cách ly đều là F1 nên bản thân tôi cũng có chút lo lắng, không biết họ có nhiễm bệnh, rồi mình có bị lây nhiễm? Tuy nhiên, là người có chuyên môn và được đơn vị giao nhiệm vụ cùng với đội ngũ y tế địa phương theo dõi, chăm sóc sức khỏe công dân nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”-Thượng úy Ksor Báo chia sẻ.

Phần lớn công dân thực hiện cách ly là người dân tộc thiểu số nên ngoài việc chăm sóc sức khỏe, Thượng úy Báo còn phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch. Tận tình, trách nhiệm và với lợi thế là người Jrai, biết ngôn ngữ, hiểu phong tục nên anh được mọi người trong khu cách ly tin tưởng, yêu mến. Họ đều gọi anh với cái tên trìu mến là “Ma Khánh” (bố của Khánh), theo cách xưng hô của đồng bào Jrai địa phương.

Đại úy Đông đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cách ly. Ảnh: Anh Huy
Đại úy Phạm Duy Đông thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cách ly. Ảnh: Anh Huy


Những công dân thực hiện cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) có lẽ không xa lạ với Đại úy Phạm Duy Đông-y sĩ của Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Anh được tăng cường về đây ngay từ những ngày đầu mới thành lập (tháng 3-2020) và tiếp nhận công dân.

Đại úy Đông trải lòng: “Thời gian đầu cũng có chút băn khoăn vì lúc đó ở TP. Vũ Hán (Trung Quốc) tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thậm chí cả các y-bác sĩ khi nhiễm bệnh cũng không qua khỏi. Nhưng ngay sau đó, mình lại tự trấn an “sinh nghề tử nghiệp”. Và rồi chẳng kể ngày hay đêm, chẳng quản người dân đang cách ly có bệnh lý nền nặng hay nhẹ, khi nào họ cần, anh đều có mặt, ân cần chăm sóc, thăm hỏi, động viên.

“Cuối tháng 7-2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều công dân ở Đà Nẵng trở về. Có người khi đưa vào khu vực cách ly mang trên mình nhiều bệnh lý nền nên phải thăm khám, chăm sóc thường xuyên. Có ngày, tôi phải mặc trên người bộ áo quần bảo hộ kín mít từ 10 giờ sáng đến tận 8 giờ tối, nóng nực, bức bối vô cùng”-Đại úy Đông nói.

Tham gia làm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn người dân khai báo y tế và cách ly ban đầu khi mới nhập cảnh từ Campuchia về nước qua khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), Thiếu tá Lâm Minh Tuyển-y sĩ, nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-bộc bạch: Khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng công dân Việt Nam từ bên Campuchia về nước khá đông, có ngày tiếp nhận 150-200 lượt và tiến hành cách ly ban đầu.

“Ngoài phối hợp kiểm tra sức khỏe ban đầu, hướng dẫn khai báo y tế, chúng tôi còn thường xuyên vệ sinh khu vực nhà Liên hợp, phun thuốc sát trùng, khử khuẩn các phương tiện ra vào biên giới… Khí hậu vùng biên giới nắng nóng, cường độ làm việc cao, xung quanh lúc nào cũng nồng nặc mùi cồn, mùi dung dịch sát khuẩn”-Thiếu tả Tuyển cho hay.

Trải lòng về những băn khoăn khi đối diện với dịch bệnh, Thiếu tá Tuyển bộc bạch: “Anh em hay nói với nhau, nếu chẳng may mắc bệnh cũng chấp nhận, vì đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm”.

Thiếu tá Lâm Mạnh Tuyển đang hướng dẫn người dân khai báo y tế.  Ảnh: Anh Huy
Thiếu tá Lâm Minh Tuyển hướng dẫn người dân khai báo y tế. Ảnh: Anh Huy


“Điểm tựa” hậu phương

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hầu như ai cũng biết hoàn cảnh của Đại úy Phạm Duy Đông nên càng thêm cảm phục anh. Dù mẹ đang phải điều trị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối (mỗi tuần phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận 3 lần) và vợ bị ung thu cổ tử cung giai đoạn 2, song anh chưa một lần từ chối nhiệm vụ.

Thậm chí, cả 3 lần bùng phát dịch bệnh, anh đều xung phong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, thăm khám, điều trị cho các công dân đang thực hiện cách ly. Anh bảo, bản thân may mắn vì có gia đình luôn động viên, làm hậu phương vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bà Trần Thị Sang-mẹ Đại úy Đông-tâm sự: “Con người sinh-lão-bệnh-tử làm sao tránh được. Tôi luôn động viên con cứ yên tâm công tác, việc ở nhà thì mẹ, vợ và các em có thể xoay xở được”.

Còn chị Nguyễn Thị Hà Giang-vợ anh Đông-dù đang phải chống chọi với những cơn đau buốt tận tim gan song chưa một lần trách móc, hờn giận chồng. Bởi với chị, chỉ cần một cuộc gọi điện, một câu nói của chồng: “Em ơi mai mốt hết dịch, anh đưa em đi TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh" đã là hạnh phúc.

Với Thượng úy Ksor Báo, sự thấu hiểu, cảm thông của vợ chính là động lực để anh yên tâm dốc sức hoàn thành nhiệm vụ tại khu vực cách ly. “Một mình vợ vừa phải chăm sóc 2 con, vừa phải lo công việc 2 bên gia đình nhưng chưa khi nào than thở. Lần nào mình gọi điện, vợ và các con cũng động viên và chỉ nhắc mình phải cẩn thận giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ”-Thượng úy Báo chia sẻ.

Còn Thiếu tá Lâm Mạnh Tuyển thì luôn cảm thấy may mắn vì vợ cũng là một người lính quân y công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nên luôn cảm thông, thấu hiểu và đồng hành cùng anh trong nhiều chuyến công tác.
 

ANH HUY-HUY BẮC

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.