Những ngày đến trường sau giải phóng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những ngày tháng 3-1975 đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lứa học sinh trung học Pleiku chúng tôi. Trước ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17-3-1975), chúng tôi là học sinh năm cuối PTTH đệ nhị cấp (lớp 12) thuộc Trường Trung học Pleiku (bấy giờ tọa lạc tại địa điểm Trường THCS Nguyễn Du ngày nay) đang bước vào thời kỳ ôn tập để chuẩn bị thi tú tài toàn phần (tương đương với tốt nghiệp THPT).

Sau khi thầy-cô giáo cho chúng tôi ôn tập và thi thử tú tài theo hình thức trắc nghiệm thì chiến sự ở Tây Nguyên đang đến hồi cao trào. Trường Trung học Pleiku (trường công lập dành cho học sinh nam) khi đó do thầy Lê Văn Lập làm Hiệu trưởng; năm 1975 chỉ có 2 lớp 12 gồm 1 lớp ban B (Toán) và 1 lớp ban A (Sinh học) với khoảng 60 học sinh.

Trường Trung học Pleiku trước ngày giải phóng tỉnh tọa lạc tại địa điểm Trường THCS Nguyễn Du ngày nay. Ảnh nguồn internet

Trường Trung học Pleiku trước ngày giải phóng tỉnh tọa lạc tại địa điểm Trường THCS Nguyễn Du ngày nay. Ảnh nguồn internet

Giữa tháng 3-1975, chúng tôi còn cắp sách đến trường. Trong lúc đó, nhiều bạn bè và thầy-cô giáo đã lần lượt vắng mặt, không đến trường như thường lệ. Không ít người dân ở Pleiku đã nhốn nháo với tin đồn “di tản” vì chiến sự sắp xảy ra ở thị xã nhỏ này. Đến ngày 15-3-1975, một nhóm bạn chúng tôi ngơ ngác có mặt ở cổng trường lần cuối và biết rằng trường đã đóng cửa.

Sau ngày giải phóng tỉnh, bạn bè, thầy cô bắt đầu trở lại Pleiku trong cảnh ngổn ngang của tàn tích chiến tranh mà chính quyền và binh lính Việt Nam Cộng hòa để lại trước khi rút chạy. Chỉ một thời gian ngắn khi mọi việc được ổn định, chính quyền cách mạng (bấy giờ là Ủy ban Quân quản) đi vào hoạt động, người dân địa phương trở lại với nhịp sống mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại cần phải khắc phục, nhưng chúng tôi được gọi trở về trường để hoàn thành năm học. Lớp cuối cấp chúng tôi, bên cạnh việc ôn tập để thi tốt nghiệp (theo quy chế mới của chính quyền cách mạng) còn được hướng dẫn tham gia các hoạt động xã hội và lao động công ích. Trường Trung học Pleiku lúc giao thời này được phép tập hợp học sinh các trường trung học khác ở thị xã Pleiku về học tập. Bấy giờ, ngành Giáo dục của chính quyền cách mạng tỉnh đã phân công thầy Bùi Tấn Tri phụ trách Trường Trung học Pleiku.

Trong thời gian này, có một sự kiện quan trọng đối với nhà trường là được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm. Chúng tôi gồm một bộ phận học sinh cả nam-nữ được lãnh đạo nhà trường bấy giờ lựa chọn để đón tiếp Thủ tướng và đoàn cán bộ của trung ương, địa phương. Trong số học sinh chúng tôi đón tiếp các vị lãnh đạo hôm ấy chưa ai biết mặt Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng khi nhìn đoàn cán bộ đến trường hôm ấy có vị khách cao ráo, giản dị, mặc áo đại cán với khuôn mặt sáng, bước đi nhanh nhẹn và được thầy phụ trách nhà trường đến bắt tay, đón tiếp ân cần đầu tiên thì chúng tôi cũng đoán được.

Sau này, chúng tôi gặp lại thầy Bùi Tấn Tri có hỏi về cảm tưởng khi lần đầu tiên tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày mới giải phóng, thầy tâm sự: Hôm đón tiếp Thủ tướng về thăm thầy rất vui, tự hào nhưng có chút lo lắng vì nhà trường mới ổn định còn bao ngổn ngang. Nhưng khi Thủ tướng đến thăm thì nỗi lo ấy vơi đi, nhất là sau khi nghe thầy báo cáo tình hình hoạt động của nhà trường, Thủ tướng bình dị hỏi thầy người tỉnh nào? Biết thầy người Quảng Ngãi, Thủ tướng cười tươi: “Vậy là đồng hương rồi”.

Lứa học sinh cuối cấp chúng tôi trong buổi giao thời đó, sau khi tốt nghiệp đã hăng hái tham gia công tác cách mạng với lòng nhiệt huyết, chân thành của tuổi trẻ. Một số ít các bạn tiếp tục học lên, một số vào công tác các ngành, các cấp; còn phần đông thì học sư phạm và trở thành giáo viên “mang chữ lên ngàn” tỏa đi khắp vùng sâu, vùng xa của tỉnh tích cực đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng quê hương, đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024. Cuộc thi nhằm lan tỏa tình cảm tốt đẹp của học sinh đối với thầy-cô giáo; đồng thời tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu, cống hiến cho ngành Giáo dục.