Pleiku tiên phong xã hội hóa giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Không chỉ giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, công tác này còn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong bối cảnh cả nước đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giờ học Toán của lớp 1/9, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư) diễn ra khá sôi nổi. Bên cạnh viết bảng, cô Nguyễn Thị Thư còn kết hợp dạy trên ti vi để học sinh nắm bắt bài được tốt hơn. “Các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới có khá nhiều học liệu điện tử, hình ảnh minh họa phong phú. Học sinh tiếp thu bài qua hình ảnh, video clip sẽ dễ dàng hơn bởi khả năng đọc chữ của các em còn hạn chế”-cô Thư chia sẻ.

Năm học này, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 46 lớp với 1.964 học sinh. Cô Bùi Thị Phương Hoa-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường có 5/9 lớp 1 thiếu ti vi để học tập. Nhà trường đã vận động xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Được phụ huynh hưởng ứng tích cực, chúng tôi đã mua sắm bổ sung đủ 5 ti vi, trị giá mỗi chiếc khoảng 13 triệu đồng”.

Cô Nguyễn Thị Thư-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư) hướng dẫn học sinh làm toán trên bảng con. Ảnh: Mộc Trà

Cô Nguyễn Thị Thư-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư) hướng dẫn học sinh làm toán trên bảng con. Ảnh: Mộc Trà

Từ năm 2013 đến nay, ngoài trang bị 18 chiếc ti vi với tổng giá trị hơn 235 triệu đồng, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 hồ bơi mini với chi phí đầu tư 600 triệu đồng; 1 khu nhà vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên gần 74,3 triệu đồng; 1 sân bóng đá mini với hơn 47,4 triệu đồng cùng hàng trăm suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức kết nghĩa với Tiểu đoàn 21 và Tiểu đoàn 28 (Quân đoàn 3). Các đơn vị kết nghĩa hỗ trợ ngày công trong trang trí, vệ sinh khuôn viên trường lớp và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Nằm ở vùng ven thành phố với trên 97% học sinh dân tộc thiểu số, song Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Ia Kênh) cũng có nhiều cách làm hay trong xã hội hóa giáo dục. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Bình, do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên thay vì vận động đóng góp tiền thì nhà trường huy động phụ huynh ủng hộ ngày công lao động hoặc vật dụng có thể tái chế như: lốp xe, ống nhựa, cây xanh… để làm đồ chơi ngoài trời cho trẻ hay trang trí khuôn viên sân trường, lớp học. Ngoài ra, vào dịp lễ, Tết, nhà trường vận động doanh nghiệp trao tặng hàng trăm suất quà cho học sinh.

“Hiện nay, nhà trường đang được thành phố đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà 2 tầng và sân xi măng, lắp mái che cho điểm trường làng Thông Ngó với tổng kinh phí khoảng 6,2 tỷ đồng. Dự kiến sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để phủ xanh khuôn viên, xây dựng 1 sân cỏ nhân tạo, khu vườn cổ tích cho trẻ vui chơi, học tập”-cô Bình thông tin.

Khu vui chơi ngoài trời bằng vật liệu tái chế của Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Ia Kênh) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Mộc Trà

Khu vui chơi ngoài trời bằng vật liệu tái chế của Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Ia Kênh) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Mộc Trà

Những năm qua, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku luôn quan tâm đến công tác vận động tài trợ cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động giáo dục cho các đơn vị trường học. Không chỉ đáp ứng nhu cầu dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hoạt động này còn giúp các cơ sở giáo dục có điều kiện để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân cũng bỏ vốn đầu tư xây dựng các trường, nhóm lớp mầm non độc lập tư thục, thu hút đông đảo học sinh theo học. Hiện thành phố có 17/37 trường mầm non tư thục, số học sinh tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm khoảng 55%. Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, Phòng GD-ĐT thành phố đã tiếp nhận trên 5,3 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giúp 2.357 học sinh khó khăn có phương tiện học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Lương Bảy-Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: Công tác xã hội hóa giáo dục góp phần tạo ra xã hội học tập, tiến tới huy động toàn dân tham gia vào các hoạt động giáo dục, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, hiện nay, việc vận động tài trợ cho giáo dục chỉ thực hiện được ở khu vực trung tâm, còn các trường vùng ven lại vô cùng khó khăn. Thời gian đến, cùng với đẩy mạnh xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho các trường này, Phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn nhà trường linh hoạt vận động tài trợ tùy theo điều kiện, nhu cầu thực tế và đúng quy định.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.