Những già làng "an toàn giao thông"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bằng uy tín của mình, các già làng, người có uy tín ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã góp sức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), nâng cao nhận thức của người dân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Cách đây chưa lâu, anh Phyinh (làng Bok Ayơl, xã Hà Ra) thường xuyên chạy xe với tốc độ cao gây mất trật tự ATGT. Trong một lần không làm chủ tốc độ, anh tự gây tai nạn dẫn tới chấn thương vùng đầu phải nhập viện điều trị. Ngoài việc đến thăm hỏi, động viên, già làng Grôih còn khuyên nhủ anh Phyinh rút ra bài học kinh nghiệm. Anh Phyinh cho hay: “Già làng, trưởng thôn và cán bộ Công an xã đến nhà thăm hỏi, phân tích nguyên nhân tai nạn là do tôi không chấp hành tốt các quy định về ATGT. Tôi đã nhận ra lỗi của mình, hứa từ nay đi đúng tốc độ và không chở quá số người quy định”.


Theo ông Grôih, làng Bok Ayơl trước đây là địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự ATGT, một số thanh-thiếu niên thường xuyên tụ tập chạy xe tốc độ cao, lạng lách đánh võng. Hành vi này không những gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông mà còn khiến người dân sống trong khu vực hết sức bức xúc. “Tôi thường xuyên cùng cán bộ thôn, xã đến tận nhà để khuyên giải, nhắc nhở những thanh niên này chấp hành tốt quy định về ATGT, đội mũ bảo hiểm và đi xe phải luôn đúng tốc độ. Từ đó hạn chế tình trạng tụ tập đua xe, từng bước kiềm chế, kéo giảm TNGT”-già Grôih chia sẻ.

 Già Biêy-làng Kon Chrah (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) được gọi là “già làng an toàn giao thông” bởi ông luôn năng nổ tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Ảnh: Minh Phương
Già Biêy-làng Kon Chrah (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) được gọi là “già làng an toàn giao thông” bởi ông luôn năng nổ tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Ảnh: Minh Phương


Còn tại làng Kon Chrah (xã Hà Ra), ông Biêy được người dân gọi là “già làng ATGT” bởi thường xuyên quan tâm tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho bà con. Thời gian gần đây, làng Kon Chrah nổi lên tình trạng nhiều thiếu niên được bố mẹ nuông chiều giao xe phân khối lớn tham gia giao thông. Sau khi nắm được danh sách các đối tượng này, già Biêy cùng cán bộ các hội, đoàn thể của làng, lực lượng Công an đến từng nhà để tuyên truyền, giáo dục. Già Biêy cho hay: “Chúng tôi đề nghị gia đình thường xuyên quản lý con em mình, không giao xe cho các em điều khiển khi chưa đủ tuổi. Bởi chúng chưa đủ tuổi, chưa được trang bị các kiến thức về ATGT nên rất dễ gây TNGT. Những gia đình nào vi phạm sẽ bị đưa ra buổi họp làng để kiểm điểm”.

Khẳng định điều này, Trung úy Lê Tiến Đạt (Công an xã Hà Ra) được phân công phụ trách làng Kon Chrah dẫn chứng: Trước đây, Kôi (15 tuổi) thường xuyên điều khiển xe máy vi phạm trật tự ATGT. Sau khi được già Biêy tuyên truyền nhiều lần, cộng với sự quản lý chặt từ gia đình, em đã có sự thay đổi rõ rệt. Không chỉ có em Kôi, nhờ có sự tuyên truyền, giáo dục của già Biêy mà hiện nay tại làng Kon Chrah, tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm trật tự ATGT đã giảm rõ rệt so với trước đây.

Hơn 10 năm qua, già Brơ (làng Đê Kốp-Duol, thị trấn Kon Dơng) thường xuyên phối hợp cùng với lực lượng Công an đến tận nhà các thanh-thiếu niên trong làng để tuyên truyền các quy định về ATGT, nhất là sự nguy hiểm của việc điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi đã sử dụng rượu, bia. Nhờ sự tận tâm tuyên truyền, nhắc nhở của già Brơ, những thanh-thiếu niên càn quấy đã thay đổi rõ rệt về nhận thức. Trung tá Trần Khắc Thành-Trưởng Công an thị trấn Kon Dơng-cho biết: “Tai nạn giao thông trên địa bàn thị trấn thời gian qua được kéo giảm một phần là nhờ công sức của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín và các bí thư chi bộ cùng phối hợp với Công an thị trấn làm công tác tuyên truyền, đảm bảo trật tự ATGT”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Nam Danh-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện Mang Yang-nhấn mạnh: Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được ví như “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Nhờ nắm bắt kịp thời, sâu sát những vấn đề nổi cộm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT tại cơ sở, họ đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đề ra các giải pháp để thực hiện; đặc biệt là kiềm chế, kéo giảm TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Nhờ đó, năm 2022, TNGT giảm 37,5% về số vụ, không tăng-giảm số người chết, giảm 1 người bị thương so với năm 2021.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục kiên trì xây dựng văn hóa giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong bảo đảm trật tự ATGT”-ông Danh nhấn mạnh.

 

 MINH PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.