Nhiều sản phẩm của Gia Lai chuẩn bị gắn sao OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh cá thể vẫn nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện đã có 42 sản phẩm đang được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chuẩn bị gắn sao trong năm 2021.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, năm nay, các địa phương đã đăng ký 146 ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 42 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện công nhận đạt 3 sao và gửi hồ sơ, sản phẩm lên Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Trong đó, huyện Mang Yang có 15 sản phẩm, Chư Pưh 10 sản phẩm, Chư Prông 10 sản phẩm, Ia Grai 6 sản phẩm và Ia Pa có 1 sản phẩm.
Năm nay, nhóm ngành thực phẩm tiếp tục được các HTX, hộ kinh doanh cá thể ưu tiên chọn tham gia Chương trình OCOP. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: Sầu riêng Đại Ngàn được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi vẫn bán chạy. “Năm nay, chúng tôi quyết định đưa 3 sản phẩm gồm: bơ, bưởi, cam sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tham gia Chương trình OCOP. Hiện cả 3 sản phẩm đều đạt 3 sao cấp huyện. Chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ sản phẩm về Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh để phân hạng trong thời gian tới”-ông Bình thông tin.
HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đại Ngàn cũng đã gửi hồ sơ, sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Quang Tấn
Theo đại diện HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đại Ngàn, năm nay, HTX đã đưa 3 sản phẩm gồm: bơ, bưởi, cam sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tham gia Chương trình OCOP. Ảnh: Quang Tấn
Cũng theo ông Bình, để chủ động nguồn nguyên liệu, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất lên 165 ha. Trong đó, sầu riêng có 35 ha, mít Thái 45 ha, mãng cầu 20 ha, bưởi 20 ha, bơ 25 ha; tất cả được sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo-chủ cơ sở rang xay cà phê Thảo Hiên (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: OCOP là chương trình thiết thực, hữu ích. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Năm nay, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng 4 sản phẩm gồm: hạt điều rang muối, cà phê espresso, cà phê phin giấy và cà phê rang xay phin theo tiêu chí sản phẩm nông nghiệp sạch. Hiện các sản phẩm này đã được công nhận đạt 3 sao cấp huyện.
Sản phẩm cà phê espresso của bà Nguyễn Thị Thảo (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) được công nhận đạt 3 sao cấp huyện. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm cà phê espresso của bà Nguyễn Thị Thảo (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) được công nhận đạt 3 sao cấp huyện. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi cùng P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-cho biết: Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh có 149 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó, nhóm thực phẩm 122 sản phẩm, đồ uống 7 sản phẩm, thảo dược 18 sản phẩm, vải may mặc 1 sản phẩm và mỹ nghệ 1 sản phẩm.
Theo ông Huyền, năm nay, nhiều chủ thể gặp khó về thị trường tiêu thụ và thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã gây không ít trở ngại trong tư vấn, hướng dẫn các chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. “Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng tỉnh chuẩn bị chấm điểm đánh giá 42 sản phẩm của đợt 1-2021 và tiếp tục nhận hồ sơ sản phẩm đợt 2. Dự kiến, năm nay có khoảng 82 sản phẩm đặc trưng tham gia đánh giá, phân hạng”-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thông tin.
NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.