(GLO)- Quản lý yếu kém để rừng bị lấn chiếm, cháy; có dấu hiệu giả mạo chữ ký, lập chứng từ khống để chiếm đoạt tiền ngân sách... là những sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai từ năm 2001 đến 2017 theo kết luận của Thanh tra tỉnh.
Mới đây, Thanh tra tỉnh đã có Kết luận số 11/KL-TTr về thanh tra toàn diện việc chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích rừng trồng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai (Ban Quản lý) giai đoạn 2001-2017. Theo kết luận này, tổng diện tích rừng được đầu tư giao cho Ban Quản lý trong giai đoạn trên là 717 ha (trồng rừng phòng hộ là 572,7 ha, trồng chăm sóc làm giàu rừng là 144,3 ha) với tổng số vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng.
Trụ sở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai. Ảnh: L.A |
Từ năm 2001 đến năm 2015, Ban Quản lý đã trồng và trồng làm giàu rừng trên toàn bộ diện tích 717 ha được giao. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực địa của Thanh tra tỉnh, ngoài diện tích 77,7 ha rừng trồng làm giàu của Ban Quản lý bàn giao cho Công ty 715 để trồng cao su thì diện tích rừng còn lại tại thời điểm kiểm tra chỉ là 279,2 ha, trong đó có 214,1 ha rừng trồng giai đoạn 2002-2010 và 65,1 ha rừng trồng thay thế năm 2015. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ năm 2001 đến 2017, Ban Quản lý đã để mất và cháy 360,1 ha rừng. Dù để rừng bị lấn chiếm nhưng hàng năm, Ban Quản lý không thống kê, báo cáo thực trạng tình hình và nguyên nhân mất rừng cho các cơ quan chức năng.
Cũng qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh phát hiện Ban Quản lý giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng thiếu chặt chẽ, không đúng đối tượng, không đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn thanh toán tiền giao khoán. Điển hình như từ năm 2013 đến 2017, Ban Quản lý lập hợp đồng giao khoán cho lực lượng dân quân 2 xã Ia O và Ia Chía (huyện Ia Grai) thực hiện quản lý bảo vệ rừng với số tiền hơn 215 triệu đồng. Hàng năm, sau khi thanh lý hợp đồng, đại diện lực lượng dân quân xã đến nhận số tiền công và lập danh sách chi tiền cho các thành viên. Tuy nhiên, qua xác minh của Thanh tra tỉnh từ một số người có tên trong danh sách thì hầu hết những người này không biết cụ thể nhiệm vụ của mình phải làm và có trường hợp khẳng định chữ ký nhận tiền không phải là của mình.
Ngoài ra, Ban Quản lý còn không thực hiện đúng nguyên tắc tài chính trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua xác minh của Thanh tra tỉnh với một số cá nhân đứng tên ký nhận tiền giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, trong một số phiếu chi cho nhóm hộ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng đều thể hiện họ không phải là trưởng nhóm trồng, chăm sóc rừng như trong các phiếu chi mà chỉ là người được Ban Quản lý nhờ ký các thủ tục để hợp thức hóa cho việc thanh-quyết toán. Điển hình như trường hợp ông Siu Nghét (xã Ia O, huyện Ia Grai) khẳng định, năm 2010, ông không nhận làm đường ranh cản lửa cho Ban Quản lý nhưng ông được người của Ban Quản lý nhờ ký tên vào các thủ tục thanh toán với số tiền hơn 99 triệu đồng. Tương tự, ông cũng không công nhận là trưởng nhóm của nhóm hộ trồng, chăm sóc rừng năm 2010 với diện tích 30,1 ha và cũng không nhận tiền trong 5 phiếu chi với số tiền hơn 700 triệu đồng, chữ ký trong hồ sơ là do người của Ban Quản lý nhờ ký hộ và được “trả công” 50 ngàn đồng...
Từ những sai phạm như trên, Thanh tra tỉnh kết luận, trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2017, Ban Quản lý đã để rừng bị lấn chiếm, cháy là 360,1 ha, gây thiệt hại và lãng phí tài sản nhà nước tương ứng với số tiền lên đến hơn 12,4 tỷ đồng. Ban Quản lý còn thực hiện giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng từ năm 2009 đến nay không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Ban Quản lý cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để nhờ ký hộ các thủ tục hoặc giả mạo chữ ký trên các phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Trách nhiệm chính trong những sai phạm trên thuộc về các lãnh đạo Ban Quản lý. Trong đó, giai đoạn từ năm 2001 đến tháng 3-2015 gồm: ông Ngô Càng Thanh-nguyên Trưởng ban Quản lý; ông Nguyễn Đức Ánh và Đinh Văn Khẩn-nguyên Phó Trưởng ban Quản lý; ông Lê Tiến Hiệp-Phó Trưởng ban Quản lý từ tháng 3-2014 đến tháng 2-2015, Trưởng ban Quản lý từ tháng 3-2015 đến nay cũng phải chịu trách nhiệm chính. Cùng với đó, một số cá nhân thuộc bộ phận kế toán, kỹ thuật của Ban Quản lý cũng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này.
Ngày 29-6, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 1815/VP-NC thông báo ý kiến của UBND tỉnh đồng ý để Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để tiếp nhận, thụ lý theo quy định. |
Lê Anh