Nhà dài của người Jrai nơi "chảo lửa" Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa thường sinh sống trong những ngôi nhà sàn dài. Và cũng từ đó, những ngôi nhà sàn dài với nét đặc trưng đã góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng có cũng như sự thuận tiện trong cuộc sống của một vùng đất còn lưu giữ nhiều bản sắc truyền thống.
Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Jrai vùng “chảo lửa” thường quây quần với nhau và bố trí theo hướng Bắc-Nam. Nhà trong làng được dựng theo một trật tự nhất định, cửa chính luôn mở về hướng Bắc. Tuy nhiên, ngày nay, quỹ đất làm nhà được chia lô như những ô bàn cờ, kèm theo đó là đường làng được mở rộng, bê tông hóa nên khi người ta làm nhà, cửa luôn quay ra mặt đường, không phân biệt hướng như ngày trước.
Khi vào làng thăm gia đình học sinh, tôi mới thấy được sự phong phú, đa dạng của các kiểu nhà sàn dài. Đa số nhà sàn dài của người Jrai Mthur vùng Krông Pa có chiều dài khoảng 10 m, rộng 3,5 m. Cửa được mở ở đầu hồi nhà (ngày xưa, nhà được thiết kế dài hơn 60 m, những gia đình giàu có dài cả trăm mét) nên có sự ví von “nhà sàn dài như một tiếng chiếng ngân” là vậy. Có ngôi nhà thiết kế một không gian rộng chạy dọc thân nhà, là nơi dùng để tiếp khách, sinh hoạt chung. Còn phòng ngủ thì được thiết kế mở rộng ra hai bên hông nhà. Bếp được làm riêng nối với nhà dài tạo hình chữ L.
Cầu thang nhà sàn dài thường đơn giản, nhỏ gọn, những bậc thang có độ rộng vừa bằng bàn chân người, có tay vịn là 1 cây cọc đóng bên cạnh, sử dụng lâu ngày lên nước nhẵn bóng. Cũng có nhà đóng cầu thang to bản độ rộng cả mét, hai bên có tay vịn. Theo quan sát của tôi, cầu thang này thường dành cho những ngôi nhà sàn dài không quá cao, cách mặt đất khoảng hơn 1 m. Bậc cầu thang cũng thường là số lẻ, từ 5 đến 9 bậc. Có nhà sàn dài sử dụng cầu thang là một miếng gỗ nguyên khối rộng khoảng 40 cm, dày khoảng 20 cm, đục gờ là nơi đặt bàn chân để bước lên. Phía trên cùng của cầu thang được chạm nổi hình ảnh bầu sữa mẹ hoặc đôi sừng trâu hay vành trăng khuyết. Đây cũng chính là dấu hiệu biểu hiện sự trân trọng nguồn sống, đề cao vai trò và quyền uy của người phụ nữ theo chế độ mẫu hệ. Khách và những người đàn ông thường lên nhà bằng cầu thang trước. Cầu thang nhỏ cửa sau chỉ dành riêng cho chị em gái, những người đàn ông trong gia đình, dòng họ.
Nhà dài của người Jrai ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa. Ảnh: Phương Vi
Nhà dài của người Jrai ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa. Ảnh: Phương Vi
Khi bước lên đến bậc thang cuối cùng là hiên nhà. Hiên bao giờ cũng được thiết kế có độ rộng khoảng 2 m là nơi để dép trước khi vào nhà sàn dài. Có nhà thiết kế hiên và hành lang bao bọc xung quanh nhà có tay vịn chắc chắn là chỗ có thể ngồi chơi hóng gió mỗi ngày. Cửa sổ của nhà sàn dài có diện tích vừa phải cho phù hợp với ngôi nhà, hình chữ nhật hoặc hình vuông có chấn song bằng gỗ. Phía bên trong cửa sổ người ta thường không kê đồ đạc gì để nơi đó là không gian các thành viên trong gia đình ngồi thư giãn, đón nắng, gió, khí trời.
Sàn nhà dài làm bằng ván gỗ, nhẵn, được lau chùi sạch sẽ để có thể đi chân không trong nhà. Sàn nhà dài của người Jrai không đóng khít mà thường có kẽ hở nhỏ để người ta có thể đổ nước thừa, gạt tàn thuốc qua. Và đó cũng là nơi không khí được lưu thông tạo sự thông thoáng cho ngôi nhà. Ngày trước, bà con thường nhốt gia súc dưới gầm sàn để tránh thú dữ. Nay, được tuyên truyền, vận động về nếp sống văn hóa, người Jrai đã làm chuồng trại riêng cho gia súc, xa nơi ở.
Theo phong tục truyền thống, đồng bào Jrai dùng chiếu để tiếp khách. Nhà già làng là nơi thực hiện các nghi thức tâm linh chung và nơi tập trung nhiều khách nên được chuẩn bị rất nhiều chiếu. Khi dùng xong, bà con giặt sạch chiếu và treo cẩn thận bên vách nhà. Nhà nào mà không có nổi 1 chiếc chiếu để trải cho khách ngồi có nghĩa là rất nghèo.
Ngày xưa, nhà sàn dài được lợp bằng lá tranh rất mát mẻ nhưng độ bền không cao, tầm 5 đến 7 năm lại phải lợp lại. Ngày nay, người dân lợp nhà bằng tôn có độ bền lâu hơn nhưng thường gây nóng vào giữa trưa mùa hè bởi cái nắng của vùng “chảo lửa” Krông Pa. 
Nhưng đến đêm, không khí trong nhà lại dịu mát bởi mái tôn thấm đẫm sương đêm. Mái tôn nhà sàn dài thường làm thấp để tránh gió bão nhưng lại gây tiếng ồn lớn mỗi khi trời mưa to. Vách nhà sàn được đóng bằng ván, giữ màu nguyên thủy của gỗ đem lại vẻ đẹp dân dã cho buôn làng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều nhà có điều kiện, họ dựng nhà sàn cầu kỳ hơn. Mái có nhiều chóp như kiểu nhà Thái, vách gỗ, sàn gỗ được bào nhẵn, ghép chặt, đánh vani bóng loáng tạo vẻ sang trọng cho ngôi nhà.
Trong cuộc sống hiện tại, do nhu cầu tách hộ của các cặp vợ chồng mới cưới, người ta cũng không làm nhà sàn có chiều dài như trước. Trong một lô đất rộng của gia đình, khi con gái lấy chồng, cha mẹ chia đất cho con để làm những ngôi nhà sàn có độ dài phù hợp với quy mô gia đình nhỏ. Những ngôi nhà sàn dài quần tụ bên nhau, ấm áp, sum vầy. Cùng với đó, hiện nay, diện tích rừng bị thu hẹp, để làm một ngôi nhà sàn có gia đình phải chuẩn bị trong nhiều năm. Một số gia đình phải xây nhà trệt bằng xi măng, gạch đá. Tuy nhiên, còn rất nhiều nhà sàn dài vẫn hiện hữu mang lại vẻ đẹp cho buôn làng nơi vùng đất Krông Pa này.
MAI HƯƠNG
 
 

Có thể bạn quan tâm

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.